menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Sơn Đức

Chuyên gia kinh tế trưởng WB: Chưa nước nào giảm tỷ lệ nợ công nhanh như Việt Nam

Khảo sát cho thấy chưa có nước nào giảm được tỷ lệ nợ công/GDP trong vòng 3 năm nhanh như Việt Nam. Điều này tạo dư địa chính sách lớn cho điều hành của Chính phủ, ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam khẳng định.

Theo báo cáo điểm lại kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được phát hành, tổ chức này tiếp tục đưa nhận định lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam cả năm 2019. Mức tăng trưởng dự báo ước đạt 6,8%.

Để làm rõ hơn, động lực nào cho tăng trưởng Việt Nam năm 2019 và những nguy cơ nào thời gian tới Việt Nam phải đối mặt, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam về vấn đề này.

Năm 2019 có hiện tượng tín dụng tăng trưởng khá thấp, giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm, trong khi đó tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn giữ được nhịp độ. Vậy, xin ông cho biết, động lực nào đang hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam hiện nay?

Ông Jacques Morisset: Theo tôi động lực tăng trưởng của Việt Nam vẫn đến từ những yếu tố cũ như: Khu vực kinh tế đối ngoại, với mức tăng trưởng xuất khẩu gần 10%, trong khi tăng trưởng thương mại thế giới giảm 20%.

Động lực tiếp theo là từ tiêu dùng trong nước. Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang tăng lên, đây là một yếu tố tăng trưởng tốt, tạo ra sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng. Nhà đầu tư trong nước cũng đã có sự quan tâm đúng mức tới thị trường nội địa để thay thế cho nhập khẩu.Việt Nam có một năm kinh tế tốt, với tốc độ tăng trưởng dự kiến cao hơn 6,8%. Trong khi xu hướng thương mại toàn cầu có sự suy giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn rất cao trong các nước Đông Nam Á, đó là một thành công lớn.

Thành công này đến từ chính sách tài khoá khôn ngoan, tỷ lệ nợ công/GDP đang giảm dần. Khảo sát cho thấy chưa có nước nào giảm được tỷ lệ nợ công/GDP trong vòng 3 năm nhanh như Việt Nam. Điều này tạo dư địa chính sách lớn cho điều hành của Chính phủ.

Bội chi ngân sách của Việt Nam trong vòng vài năm trở lại đây cũng được kiểm soát ổn định, thu chi ngân sách hiệu quả hơn, đặc biệt trong chi đầu tư. Điều này tạo ra tốc độ tăng trưởng ổn định, ở mức cao.

Gần đây, Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) có đưa phương án tính lại quy mô GDP. Theo đó, quy mô GDP của Việt Nam đã tăng thêm hơn 20%, tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm khoảng 11% so với trước đó. Số liệu thống kê của WB có thay đổi hoặc bị ảnh hưởng từ việc tính lại GDP của Tổng cục Thống kê?

Ông Jacques Morisset: Thời gian gần đây Chính phủ Việt Nam đã quan tâm nhiều đến giảm nợ công và đã làm được. Việc tỷ lệ nợ công của Việt Nam giảm theo tính toán của WB trong năm 2019 (giảm 8 điểm % GDP so với năm 2016) và sẽ tiếp tục giảm trong năm 2020, 2021 không phải là do việc tính lại quy mô GDP mà chủ yếu do cắt giảm đầu tư công trong thời gian qua.

Tuy nhiên, việc mạnh tay cắt giảm đầu tư công đặt ra vấn đề lớn hơn trong tương lai, có thể dẫn tới cơ sở hạ tầng yếu không đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy điều này và tích cực sửa đổi Luật Đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng.

Một trong những điểm đáng lưu ý trong cơ cấu GDP của Việt Nam lâu nay là sự đóng góp quá lớn từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, sau 30 với những hạn chế nhất định, gần đây có nhiều tranh cãi xung quanh phương án thu hút FDI thế hệ mới. WB có khuyến nghị gì với Việt Nam về vấn đề này?

Ông Jacques Morisset: FDI là một đông lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam và sắp tới các nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẽ tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến. Bởi Việt Nam có rất nhiều lợi thế như ổn định, nền kinh tế mở, lực lượng lao động giá rẻ. Rất khó tìm thấy những nơi tương tự như Việt Nam trên thế giới.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cũng cần đặt câu hỏi, FDI đổ vào, Việt Nam được gì? Theo thống kê, 10 năm vừa qua FDI vào tạo được khoảng 4 triệu công ăn việc làm chất lượng cao cho Việt Nam. Điều này góp phần lớn cho tăng trưởng. Tuy nhiên, về lâu về dài thì số lượng tốt nhưng chất lượng còn tốt hơn.

FDI ngày mai có tiếp tục tạo việc làm cho Việt Nam không? Tôi không dám chắc điều đó. Thực tế, hiện nay nhiều nhà máy hiện đại không còn sử dụng nhiều lao động mà thay vào đó là robot. Vì thế, thu hút FDI thời gian tới cần chý ý tới 2 hướng. Một là kết nối, nếu FDI chỉ mang lại lao động trực tiếp, thì việc kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước sẽ tạo ra việc làm gián tiếp.

Hướng thứ 2 cần quan tâm là những ngành và lĩnh vực mới nên thu hút FDI như du lịch, công nghệ. Đó là bài toán đa dạng hoá đầu tư, tận dụng FDI để đa dạng hoá, tăng giá trị gia tăng. Muốn làm được như vậy, bản thân Việt Nam phải thay đổi, quan tâm nhiều hơn đến môi trường.

Vậy theo ông đâu là rủi ro cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới? Có nhân tố mới nào có thể là động lực cho tăng trưởng Việt Nam?

Ông Jacques Morisset: Có 2 rủi ro tiềm tàng mà Việt Nam phải đối mặt, một là nằm ở khu vực kinh tế đối ngoại. Tăng trưởng xuất khẩu gần 10%, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng gần 30%, còn thị trường ngoài Mỹ chỉ khoảng 3,5%. Sự tập trung quá nhiều xuất khẩu vào thị trường Mỹ gây lo ngại về chuyển hướng thương mại từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Rủi ro thứ 2 là dòng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, các nhà đầu tư vẫn đổ về Việt Nam, khoảng 3,6 tỷ USD/tháng. Nhưng 2 năm qua có sự thay đổi, trước đây là xây dựng nhà máy mới, nhưng từ 2016 bắt đầu là sự tăng trưởng của đầu tư gián tiếp với các thương vụ sáp nhập, mua lại. Điều này rất khó diễn giải. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo là Việt Nam nên quan tâm hơn đến sự phát triển của thị trường trong nước để tạo động lực mới cho phát triển.

Về nhân tốc mới, việc vươn ra thế giới rất quan trọng, giúp mở ra một thị trường mới, doanh nghiệp có thể mang lợi nhuận về đầu tư lại trong nước. Khi tiếp cận với thị trường quốc tế cũng giúp doanh nghiệp tăng thêm năng lực cạnh tranh, cùng với đó các doanh nghiệp xuất khẩu thường nhiều đổi mới sáng tạo hơn các doanh nghiệp trong nước.

Hàn Quốc và Nhật Bản là một mô hình Việt Nam có thể học hỏi. Họ đã đẩy mạnh sự phát triển của các công ty lớn, như Samsung, tạo ra những doanh nghiệp hàng đầu đứng ra cạnh tranh với thế giới. Cùng với đó, ở trong nước họ cho các công ty lớn cạnh tranh với nhau và có sự hỗ trợ của nhà nước.

Ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra khuyến nghị: Doanh nghiệp tư nhân trong nước phải tìm đường ra thị trường nướcc ngoài, làm sao tạo ra của cải rồi quay về nước đầu tư. Đó là hướng đi nên được Việt Nam quan tâm nhiều hơn.

Ông Ousmane Dione cho rằng đây không phải vấn đề một sớm một chiều mà cần có sự hỗ trợ để các doanh nghiệp có điểm bắt đầu, rồi từng bước hướng ngoại để để doanh nghiệp trong nước ra nước ngoài.

Trung Quốc là một quốc gia thành công trong việc để doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Cách đây vài năm doanh nghiệp Trung Quốc cũng bối rối, mâu thuẫn, xung đột nhưng họ đã thiết lập được một chính sách tổng thể về cấu trúc doanh nghiệp, củng cố lại khu vực tư nhân trong nước, tập hợp lại tạo thành sức mạnh để vươn ra ngoài.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại