Chuyên gia HSBC dự báo 'nóng' về diễn biến tỷ giá trong năm 2023 và năm 2024
Ông Frederic Neumann, Giám đốc khối nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC dự báo tỷ giá tiền đồng Việt Nam ở thời điểm cuối năm 2024 ở mức khoảng 24.400 VND/USD và cuối năm 2023 ở mức 24.200 VND/USD, chính vì vậy HSBC không tin tiền đồng chịu nhiều áp lực suy giảm.
Nếu nhìn vào cán cân xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, cán cân thương mại đã cải thiện tích cực trong khoảng 3, 4 tháng trở lại đây, xuất khẩu tăng trưởng mạnh trở lại còn nhập khẩu giảm, rất đông khách du lịch đang đến Việt Nam, như vậy sẽ có thêm nguồn ngoại tệ vào Việt Nam.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang được bán ở mức giá cao. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn vào mạnh. Tất cả những yếu tố này sẽ giúp ổn định tỷ giá tiền đồng và vì vậy không cần phải lo lắng về diễn biến tỷ giá. Dù vậy, HSBC vẫn tin SBV vẫn tiếp tục cắt giảm lãi suất khoảng 50 điểm cơ bản trong những tháng tới.
HSBC cho rằng vẫn có dư địa để hạ lãi suất trong những tháng tới, HSBC dự báo lạm phát năm 2023 sẽ trung bình ở mức 3,4%, không quá xa so với ngưỡng 4% theo mục tiêu của SBV. SBV có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào kích thích tăng trưởng chứ không quá chú trọng kiềm chế lạm phát. Với năm 2024, HSBC dự báo lạm phát ở mức khoảng 3,3%. Như vậy, nếu nhìn vào diễn biến lạm phát, hoàn toàn có lý do để cho rằng vẫn còn dư địa hạ lãi suất.
Tuy nhiên, rủi ro lớn ở đây chính là diễn biến giá dầu. Nếu giá dầu tăng quá cao, đó thực sự sẽ là bài toán khó của SBV.
Theo chuyên gia HSBC, cứ mỗi khi kinh tế tăng trưởng chững lại, vai trò của chính sách tài khóa trở nên vô cùng quan trọng bởi chỉ riêng việc hạ lãi suất không phải lúc nào cũng phát huy tác động tích cực. Trong bối cảnh hiện tại, thực sự cần vận dụng tích cực công cụ chính sách tài khóa.
Và bởi bối cảnh kinh tế vĩ mô năm sau còn nhiều thách thức, vì vậy thực sự cần phát huy hơn nữa chính sách tài khóa. Ở Việt Nam, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng công vẫn còn rất lớn.
Cơ sở hạ tầng vận tải, giao thông của Việt Nam hiện vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng GDP, chính vì vậy thực sự vẫn rất cần phát triển những mảng này. Chính vì vậy tôi tin thực sự cần tăng được chi tiêu tài khóa để tạo việc làm, tạo nhu cầu cho nền kinh tế.
Cũng theo HSBC, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc thu hút FDI, tỷ lệ vốn FDI vào Việt Nam tính trong tổng FDI toàn cầu hiện vẫn ở ngưỡng rất cao bất chấp việc bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức. HSBC không tin rằng FDI vào Việt Nam sẽ sớm chững lại.
Việt Nam cho đến hiện tại vẫn hưởng lợi bởi chi phí lao động ở ngưỡng thấp và xu thế mở rộng thêm địa điểm sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Việt Nam đã phát triển được rất nhiều ngành tầm cỡ thế giới ví như ngành điện tử, tuy nhiên vẫn còn nhiều ngành khác có tiềm năng tăng trưởng ví như hóa dầu hay nhựa, dược phẩm.
Dư địa để phát triển ngành chế biến nông sản cũng vẫn còn rất lớn. Việt Nam cần nghĩ đến đa dạng hóa ngành nghề thu hút đầu tư, đặc biệt những ngành mà doanh nghiệp nội địa có thể tham gia sâu rộng. Còn ví như với ngành dược phẩm, nếu thành công, Việt Nam có thể xuất khẩu dược phẩm ra nhiều thị trường toàn cầu, đó là cách mà Việt Nam có thể tính đến để tăng được FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, ví dụ như hoạt động vận tải hiện đang đương đầu với nhiều thách thức. Bởi nền kinh tế đang tăng trưởng, nhu cầu nhân lực trình độ tay nghề cao cũng rất lớn, chính vì vậy công tác đào tạo nhân lực cần phải được chú trọng nhiều hơn để có thể đón đầu được làn sóng FDI.
Còn vấn đề khác mà tôi nghĩ chính phủ cũng đã nhận ra, chính là các mục tiêu liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị gọi tắt là ESG. Việt Nam cần đến một lộ trình ESG rõ ràng bởi nhiều doanh nghiệp từ Mỹ và châu Âu đang chú trọng nhiều hơn về vấn đề phát triển bền vững, các nước xuất khẩu đối thủ của Việt Nam cũng đang tập trung vào ESG nhiều hơn, Việt Nam cần phải giải quyết tốt những vấn đề về ESG nhằm đảm bảo các nước vẫn mua hàng hóa của Việt Nam.
Một rủi ro quan trọng với kinh tế toàn cầu chính là giá năng lượng cao trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ khác, sau khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine bùng phát vào năm ngoái, giá năng lượng lên cao nhưng sau đó rồi cũng hạ dần, năm nay, kịch bản này cũng có thể sẽ lặp lại. Giá dầu có thể sẽ tăng vào lúc ban đầu nhưng sau đó hạ dần. Những sẽ phải chờ thêm vài tuần nữa để có thể biết mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào.
Trong tuần trước, đã có lúc giá năng lượng giảm một chút, chính vì vậy cần thêm thời gian để biết diễn biến giá dầu ra sao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận