menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Huyền

Chuyên gia gợi mở 5 chính sách đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao

Việt Nam đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình thấp và hiện nay đang tiến gần đến mức thu nhập trung bình cao.

Các chuyên gia kinh tế trăn trở về nhiều rào cản, thách thức Việt Nam cần vượt qua để tránh bẫy thu nhập trung bình, không bị lâm vào tình thế như "bánh sandwich"...

MỘT "CỬA ẢI" KHÓ VƯỢT QUA, TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG HỤT HƠI

Nhìn lại thành tựu phát triển của Việt Nam trong vòng ba thập kỷ qua, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng từ nền kinh tế đóng và thay thế nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất và định hướng xuất khẩu trên thế giới. Việt Nam cũng chuyển từ nền kinh tế thu nhập thấp dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp hóa mới với thu nhập trung bình thấp.

Cũng theo đánh giá của GS.TS Ngô Thắng Lợi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sau 30 năm đổi mới (1990 - 2020) Việt Nam luôn định hướng các mục tiêu phát triển xã hội ở mức khá cao và luôn hoàn thành vượt mức. Nổi bật là Việt Nam vượt mục tiêu GDP/người đến năm 2020 (3.000 USD/người) khi đạt 3.521 USD/người; Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức 0,704 và cao hơn mục tiêu 0,7...

Nhìn lại quãng thời gian này, ông Lợi cho rằng Việt Nam thành công vượt 2/3 cửa ải. Theo đó, Việt Nam đã vượt qua cửa ải về vấn đề an ninh lương thực đạt được trong giai đoạn 1991-2000; cơ bản xây dựng được tiền đề của một nước công nghiệp. Thứ hai, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp.

"Còn lại cửa ải thứ ba chưa vượt qua được là trở thành nước công nghiệp vào năm 2020", ông Lợi nêu rõ.

Tiếp nối thành công này, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành "Quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao với nền công nghiệp hiện đại" vào năm 2030 và "Quốc gia phát triển có thu nhập cao" vào năm 2045.

"Để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm là 7% trong 22 năm tới. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng xanh và toàn diện hơn, cam kết giảm 30% lượng khí thải mêtan và chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, đồng thời đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Một số xu hướng lớn đang định hình tương lai của Việt Nam", ông Chương nêu rõ.

Theo đánh giá chung của nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu kinh tế, giai đoạn 2024-2030 là giai đoạn quyết định để Việt Nam chuyển mình thành một nước công nghiệp theo tinh thần của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đây là thời mốc quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế nước ta đặc biệt là dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên chặng đường hướng đến thời kỳ phát triển mới, Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức. GS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng và mức lương đang tăng lên, thương mại toàn cầu đang suy giảm và các doanh nghiệp cần tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt hơn về môi trường và xã hội.

Cùng với đó, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và tự động hóa đang gia tăng. Đại dịch Covid-19, các bất ổn, xung đột chính trị tại nhiều nơi trên thế giới đang đặt ra những thách thức chưa từng có. Những thử thách này có thể làm suy yếu tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển.

Cũng theo quan sát của GS.TS Ngô Thắng Lợi, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhanh nhưng chậm dần, "hụt hơi" theo thời gian và không bằng các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản trong thời kỳ giống như Việt Nam.

"Tăng trưởng biên độ đang có xu hướng giảm và chưa đủ mạnh để tạo ra những đột phá trong thực hiện tiến bộ xã hội. Chất lượng tăng trưởng cải thiện chập làm giảm khả năng gia tăng thu nhập của nền kinh tế", ông Lợi chỉ rõ bất cập.

Chuyên gia gợi mở 5 chính sách đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập cao

Bên cạnh đó, nhiều biểu hiện cho thấy sự phát triển chậm lại của các yếu tố tiến bộ xã hội, sự bất công bằng trong phân phối thu nhập có xu hướng gia tăng trong quá trình tăng trưởng nhanh. Ở các vùng chậm phát triển, thu nhập thấp mối quan hệ không đồng thuận giữa tăng trưởng với công bằng xã hội gay gắt hơn.

Hệ số Gini, một chỉ số cho mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập có biểu hiện giảm ở những vùng có tăng trưởng nhanh hơn và ngược lại, có xu hướng tăng lên ở các vùng có tăng trưởng chậm hơn.

Chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập kể trên, theo ông Lợi, nhiều vấn đề đến từ mô hình phát triển khi các biểu hiện mô hình phát triển kiểu cũ không còn phù hợp như mô hình phát triển theo chiều rộng, mô hình phát triển dàn đều, hay những bất cập trong chính sách phân phối thu nhập.

TẠO BƯỚC NHẢY VỌT, TRÁNH BẪY THU NHẬP TRUNG BÌNH

Thông tin tại toạ đàm cho thấy tổng thu nhập quốc dân GNI đầu người của Việt Nam vào năm 2022 là 3.939 USD và đang tiến gần đến mức thu nhập trung bình cao.

Theo GS.TS Ngô Thắng Lợi, mục tiêu phát triển đất nước đặt ra rất cao và khá lạc quan khi đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam nằm trong nhóm nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 (100 năm thành lập nước), Việt Nam thuộc nhóm nước phát triển có mức thu nhập cao.

Về xu hướng phát triển của xã hội trung lưu, WB và Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tầng lớp trung lưu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, đến năm 2035, sẽ có một tỷ lệ dân số trung lưu là 50% (hiện nay là 16,5%).

GS. Trần Văn Thọ đến từ Đại học Waseda (Nhật Bản) cũng cùng chung trăn trở: "Vấn đề là Việt Nam có thể vươn lên từ mức thu nhập trung bình cao đến mức thu nhập cao vào năm 2045 hay không? Đâu là điều kiện để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển bền vững trong hai thập niên tới?"

Theo phân tích của ông Thọ, trong giai đoạn đầu, nền kinh tế có đặc tính là dư thừa lao động và lao động rẻ dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp khi quá trình công nghiệp hóa khởi động. Những nước trong trường hợp này sẽ xuất khẩu hàng công nghiệp có hàm lượng lao động cao và dễ đạt mức thu nhập trung bình.

Tới khi tiền lương tăng, lao động rẻ đã hết, các nước phải chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao bằng việc sản xuất hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, có hàm lượng công nghệ, tư bản cao, hoặc lao động có kỹ năng cao.

Nhiều quốc gia như lân cận như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... sau một thời gian dài vẫn loay hoay chưa thể thoát ra khỏi mức thu nhập trung bình.

"Thất bại trong việc chuyển dịch này các nước này sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình", ông Thọ lưu ý.

Do đó, để tránh bẫy thu nhập trung bình, ở điểm chuyển hoán mang tính nhảy vọt này, các quốc gia cần các chính sách công nghiệp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực có giá trị gia tăng cao và nỗ lực trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Gợi mở 5 chính sách để nền kinh tế phát triển đạt mức thu nhập cao, GS. Trần Văn Thọ nêu rõ, một, mở rộng, thâm sâu và chuyển dịch công nghiệp hóa. Theo đó, cần ban hành chính sách thúc đẩy khởi nghiệp để doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lợi dụng cơ hội của thị trường và công nghệ để đầu tư sản xuất hàng công nghiệp.

Cùng với đó, nỗ lực thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc; đưa ra chính sách thu hút FDI kiểu mới.

Hai, để tăng năng suất toàn nền kinh tế cần chuyển những đơn vị sản xuất kinh doanh hộ gia đình thành những doanh nghiệp chính quy, có tổ chức.

Ba, cải thiện thị trường các yếu tố sản xuất và môi trường kinh doanh.

Bốn, đẩy mạnh cung cấp lao động kỹ năng. Ông Thọ cho rằng việc thiếu lao động có kỹ năng đang là vấn đề trầm trọng. Do đó, tăng cung cấp lao động kỹ năng cao để đẩy mạnh công nghiệp hóa và chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao là nhiệm vụ khẩn cấp.

"Kết nối thực tập sinh kỹ năng tại Nhật với FDI và những doanh nghiệp trong nước có kế hoạch đầu tư sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao", ông Thọ gợi ý.

Năm, Việt Nam cần chuẩn bị thời đại tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo cho thập niên 2030 và xa hơn.

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển hoán cơ cấu và liên tục tăng năng suất sẽ làm cho Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đây là điều kiện để Việt Nam tránh được vị trí của bánh sandwich, nghĩa là trường hợp của một nước không cạnh tranh được với nước đi sau có chi phí sản xuất rẻ hơn, nhưng chưa cạnh tranh được với nước đi trước", ông Thọ nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
8 Yêu thích
18 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại