24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyên gia Fulbright: Việt Nam không có ý đồ, không thể và cũng không thao túng tiền tệ

Trong báo cáo công bố mới đây, Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam và Thụy Sỹ là những quốc gia thao túng tiền tệ cùng với 10 quốc gia thuộc diện theo dõi. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên TBKTSG Online đã có buổi trao đổi với ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên trường Đại học Fulbright để tìm hiểu đánh giá của giới nghiên cứu về lời cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ đã xuất hiện hơn một năm qua.

Lo sợ lạm phát hơn là giảm xuất khẩu

TBKTSG Online: Việc Việt Nam bị phía Mỹ gắn nhãn “thao túng tiền tệ” có được xem là một động thái bất ngờ không thưa ông?

- Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn: Báo cáo tháng 12 là kết quả của một quá trình đánh giá, phía Mỹ đã xúc tiến việc điều tra từ lâu trên khía cạnh vi phạm mục 301 theo Đạo luật Thương mại 1974. Theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ điều tra 2 vấn đề, một là là nhập khẩu và sử dụng gỗ được khai thác và buôn bán bất hợp pháp; hai là định giá thấp đồng nội tệ và hậu quả gây ra cho thương mại Mỹ.

Ở cuộc điều tra thứ hai, phía Mỹ tập trung làm rõ liệu các biện pháp can thiệp của Việt Nam, thông qua Ngân hàng Nhà nước, vào thị trường hối đoái và các hành động liên quan khác có làm cho tiền đồng bị định giá thấp một cách bất hợp lý hoặc phân biệt đối xử và tạo gánh nặng hoặc hạn chế thương mại của Mỹ hay không.

Báo cáo hồi tháng 5-2019 của Bộ Tài Chính Mỹ cho thấy Việt Nam vi phạm ở 2 tiêu chí là thặng dư cán cân vãng lai vật chất và thặng dư thương mại song phương đáng kể với Mỹ, còn báo cáo hồi tháng 1-2020 chỉ đánh giá Việt Nam vi phạm ở tiêu chí thặng dư thương mại. Báo cáo công bố ngày 16-12 mới đây cho thấy Việt Nam vi phạm cả ba tiêu chí, trong đó có việc mua vào ròng dự trữ ngoại hối liên tục trong 12 tháng vượt 2% GDP. Tuy nhiên báo cáo mới chỉ đánh giá một chiều, bởi Việt Nam không có ý đồ, không thể và cũng không thao túng tiền tệ.

Ông có thể nói rõ hơn về ý này?

- Cần phải nói ngay là Việt Nam nếu có muốn thao túng cũng không thể vì chỉ là nền kinh tế quy mô nhỏ. Có nền kinh tế nhỏ nào có khả năng thao túng nền kinh tế lớn? Việt Nam cũng chưa từng có khả năng ảnh hưởng giá cả thế giới trong bất kỳ mặt hàng nào, ngay cả những sản phẩm chiếm sản lượng xuất khẩu lớn trên thế giới như hồ tiêu, cà phê, điều hay gạo.

Còn nói về ý đồ, Việt Nam từ trước đến nay không dùng công cụ tỷ giá để tạo thuận lợi cho thương mại, mà là để ổn định vĩ mô. Chính sách này càng nổi lên khi Việt Nam đặt mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2007. Việt Nam lo ngại nếu phá giá thì sẽ dẫn tới lạm phát, nên NHNN không bao giờ mạo hiểm để phá giá tiền tệ. Hơn nữa, Việt Nam đã thặng dư thương mại nhờ những cải cách cơ cấu mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, trái ngược với giai đoạn trước đó nên động cơ phá giá để thúc đẩy thương mại là không hợp lý.

Trên thực tế, chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ rất lớn, tính từ năm 2010 chỉ số khử lạm phát (GDP deflator - PV) của Việt Nam đã tăng 61% trong khi Mỹ tăng 17%, tức chênh lệch lạm phát hai nước đã lên đến 44%, trong khi tiền đồng chỉ giảm giá danh nghĩa trên dưới 19% so với đô la (tỷ giá hiện nay khoảng 23.250 đồng Việt Nam/đô la Mỹ (VND/USD) trong khi cuối năm 2010 tầm 19.500 đồng – PV). Nếu để thị trường tự điều chỉnh thì tỷ giá tính theo ngang bằng sức mua tương đối (PPP) đã lên đến 28.000 VND/USD. Điều này có nghĩa là xét về giá trị thực thì tiền đồng vẫn đang lên giá, chứ không phải phá giá để hỗ trợ xuất khẩu như cáo buộc.

Chuyên gia Fulbright: Việt Nam không có ý đồ, không thể và cũng không thao túng tiền tệ
Dựa trên các tiêu chí mà phía Mỹ đưa ra thì trên thực tế Việt Nam có hội đủ 3 tiêu chí về thao túng tiền tệ nêu trên hay không, thưa ông?

- Trước hết cần phải nói báo cáo vừa công bố là khá sơ sài, vì các số liệu chứng minh 3 tiêu chí này còn chắp vá, sử dụng nguồn nhiều nơi, kể cả các nguồn không chính thức và chưa đủ độ tin cậy. Đó là chưa kể đến việc những tiêu chí đặt ra là không phù hợp và mang tính một chiều, chứ không phải là tiêu chuẩn chung quốc tế.

Chẳng hạn như về tiêu chí thâm hụt thương mại. Công bằng mà nói, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 58 tỉ đô nhưng gần như là xuất hộ các nước khác. Giá trị gia tăng của Việt Nam trong phần thặng dư thương mại là rất thấp, theo ước tính sơ bộ thì chỉ khoảng 15-20%, tức thặng dư thương mại điều chỉnh cũng chỉ trên dưới 10 tỉ đô la.

Vì vậy, nếu theo tiêu chuẩn mà Mỹ đưa ra là trên 20 tỉ đô la thì không vi phạm, còn dùng con số tổng mà nói Việt Nam đạt được lợi ích lớn thì không công bằng cho Việt Nam. Bộ Tài chính Mỹ hiểu rằng con số kim ngạch xuất nhập khẩu không phải là giá trị gia tăng. Không thể dùng một tiêu chí như nhau, đánh đồng giữa Việt Nam với các nền kinh tế phát triển khác, bởi bản chất con số là khác nhau.

Báo cáo mà phía Mỹ đưa ra cũng chưa tính đúng, tính đủ tiêu chí thứ hai là cán cân tài khoản vãng lai. Đầu tiên là lượng thu nhập từ kiều hối quá lớn, mỗi năm cũng mười mấy tỉ đô la. Thứ hai là khoản mục “lỗi và sai” còn rất nhiều, ở mức âm nghĩa là có một dòng tiền chảy ra bên ngoài mà không được ghi chép lại (hoạt động nhập khẩu, các hoạt động chuyển tiền mà không khai báo – PV). Nếu điều chỉnh thì thực ra chúng ta không thặng dư nhiều đến thế.

Tương tự, tiêu chí về quản lý ngoại hối mà Mỹ đưa ra là dành cho các nước có cơ chế tỷ giá hối đoái tự do, đồng tiền có giá trị lớn chứ không phải như trường hợp Việt Nam. Việt Nam không thể chấp nhận tình trạng đô la hóa, nên các nhà đầu tư nước ngoài khi vào kinh doanh buộc phải đổi đô la sang tiền đồng, ngân hàng thương mại mua lại và sau đó có thể bán cho Ngân hàng Nhà nước để có tiền kinh doanh, nên dự trữ ngoại hối buộc phải tăng theo đó.

Nếu theo cáo buộc của phía Mỹ, tiền đồng sẽ lên giá do lượng cung đô la dư thừa nhiều. Tuy nhiên, ngay cả vậy, chúng ta vẫn không thấy tiền đồng lên giá bền vững so với đô la do thặng dư ngoại tệ, ngay cả trên thị trường ngoại hối phi chính thức, nơi NHNN khó kiểm soát, sẽ phản ánh sát với tỷ giá cân bằng thị trường hơn.

Hơn nữa, việc mua vào ngoại tệ của Việt Nam là nằm trong khung khuyến nghị của IMF. Tổ chức này khuyến nghị các quốc gia phải dự trữ tối thiểu từ 3-4 tháng nhập khẩu và nếu có thể thì lên 5-6 tháng để đảm bảo an toàn cán cân thanh toán. Với lượng dự trữ khoảng 92 tỉ đô la thì Việt Nam vẫn nằm trong khung khuyến nghị này.

Chuyên gia Fulbright: Việt Nam không có ý đồ, không thể và cũng không thao túng tiền tệ

Thâm hụt thương mại tăng nhanh do cấu trúc kinh tế

Vậy bản chất của vấn đề thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang ngày càng tăng nhanh là gì, theo đánh giá của ông?

- Điều quan trọng là, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ không chứng minh được rằng, nếu tiền đồng được định giá đúng thì thặng dư thương mại với Hoa Kỳ cũng như thặng dư cán cân vãng lai của Việt Nam có giảm đi không?

Chắc chắn là không, bởi vấn đề sâu xa của thâm hụt của Mỹ với Việt Nam là do cơ cấu kinh tế của hai bên. Trong phân bố chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam nổi lên là nền kinh tế có lao động giá rẻ, trong khi các nước công nghiệp hóa sớm hoặc công nghiệp hóa thành công trong thời gian gần đây đều đang suy giảm dần lợi thế đó. Đây là sự dịch chuyển tự nhiên dựa trên lợi thế so sánh.

Vấn đề có tính căn nguyên nằm ở cấu trúc của nền kinh tế Mỹ và vai trò của đồng đô la với tư cách là đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế của các quốc gia kể từ sau Hiệp định Bretton Woods. Mặc dù hệ thống này đã sụp đổ vào đầu thập niên 1970, song vai trò của đồng đô từ đó đến nay nhìn chung vẫn được giữ vững. Khi thương mại quốc tế ngày càng tăng, các nước sẽ cần đồng đô nhiều hơn để dự trữ và thanh toán, và Mỹ sẽ vẫn tiếp tục chi thâm hụt. Đây chính là nghịch lý Triffin. Thực ra, chính nước Mỹ là nước hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống tiền tệ này.

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cần phải khách quan, phân tích các trục trặc về mặt cơ cấu của hai nước, nhất là các mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh giữa hai quốc gia. Hoặc nếu không, Bộ Tài chính Mỹ phải chứng minh, nếu tiền đồng định giá lại theo tiêu chí của Mỹ, tình trạng thâm hụt hiện nay giữa Mỹ với Việt Nam liệu có được cải thiện không?

Hệ quả của việc bị dán nhãn “thao túng tiền tệ” sẽ như thế nào, thưa ông?

- Câu chuyện tiếp theo sẽ là việc tăng áp thuế ở một số mặt hàng. Theo đó, các mặt hàng có bằng chứng rõ rệt về trợ cấp, gian lận thương mại, giả mạo nguồn gốc xuất xứ sẽ đối diện với khả năng tăng thuế. Tất nhiên việc tăng thuế sẽ có lộ trình chứ không phải tăng nhanh, ít nhất là nửa năm sau hoặc cả năm sau. Về dài hạn, có lẽ một số người Mỹ muốn có một thỏa thuận thương mại với Việt Nam theo hướng "công bằng hơn" theo định nghĩa của Mỹ, giống như 3 tiêu chí mà Mỹ dùng cáo buộc Việt Nam và các nước vậy.

Chuyên gia Fulbright: Việt Nam không có ý đồ, không thể và cũng không thao túng tiền tệ
Đánh giá gần nhất của IMF chỉ ra rằng VND đã bị định giá thấp hơn 8,4% so với tỷ giá thực cơ sở năm 2018. Nguồn: D.T.A.T
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, theo ông Việt Nam nên ứng xử như thế nào trong trường hợp này?

- Sẽ tốt hơn nếu phía Việt Nam chủ động và tích cực tham gia cùng phía Mỹ để cung cấp số liệu, cùng đánh giá và thậm chí góp ý xây dựng các chỉ tiêu trước khi báo cáo công bố. Tuy nhiên, khi các con số trong cáo buộc đã được đưa ra cụ thể thì trước hết phía Việt Nam cần hợp tác để làm rõ các căn cứ đó.

Trong ngắn hạn thì con đường ngoại giao là rất quan trọng. Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ ngay từ phía Mỹ và nhiều địa chỉ có uy tín khác, trong đó có các góp ý của công chúng (các học giả có uy tín quốc tế - PV). Một địa chỉ khác là các hiệp hội doanh nghiệp. Hiện có nhiều doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư ở Việt Nam sẽ cung cấp những ý kiến đa chiều hơn.

Như đã nói, phía Mỹ có lẽ vẫn muốn có một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam thay cho hiệp định thương mại song phương (BTA) từ năm 2000. Mỹ mong muốn Việt Nam sẽ cởi bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cản trở các công ty Mỹ và các nhà sản xuất nông nghiệp tiếp cận với thị trường Việt Nam trong lĩnh vực ô tô, nông nghiệp, thương mại kỹ thuật số, thanh toán điện tử và các lĩnh vực khác.

Về mặt quản lý, phía Việt Nam cũng cần linh hoạt hơn trong việc can thiệp song chiều cả mua và bán ngoại tệ, kiểm soát “lỗi và sai” trên bảng cân đối thanh toán, thực thi chính sách tỷ giá "linh động" hơn. Cơ quan quản lý cũng cần phải tập trung vào các giải pháp chống gian lận thương mại, kiểm soát tình trạng chuyển tải (trans-shipment-PV). Còn trong dài hạn, đó là câu chuyện của việc cải cách cơ cấu, hệ thống tài chính, tăng cường năng lực quản lý ở nhiều lĩnh vực, từ điều hành chính sách tiền tệ đến chiến lược cạnh tranh thương mại.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả