Chuyên gia dự báo "nóng" về khả năng tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước
Nhiều bộ phận nghiên cứu cho rằng, lãi suất điều hành sẽ được điều chỉnh tăng thêm 0,5 điểm % ngay trong quý III tới đây. Trong khi đó, các chuyên gia tại SSI tin tưởng rủi ro về thay đổi chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước là không nhiều.
Trong báo cáo chiến lược tháng 5 vừa được phát hành, bộ phận nghiên cứu của Chứng khoán SSI nhận định, đà phục hồi của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ở hầu hết các lĩnh vực, từ sản xuất đến tiêu dùng trong khi lạm phát vẫn được kiểm soát tương đối tốt.
Ngắn hạn, rủi ro về thay đổi chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước là không nhiều
Nguồn: TCTK
Theo đó, CPI tháng 4 tăng 2,64% so với cùng kỳ (từ mức 2,4% trong tháng 3). CPI bình quân tăng 2,1% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 0,9% trong 4 tháng năm 2021.
Bên cạnh mức nền thấp trong nửa đầu năm 2021, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng, giáo dục, chi phí ăn uống và du lịch là những nguyên nhân chính khiến CPI tháng 4 tăng, trong khi giá thịt lợn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ là yếu tố hỗ trợ chính cho chỉ số CPI.
Lạm phát cơ bản (lạm phát loại trừ giá năng lượng, ăn uống và giá dịch vụ nhà nước quản lý) chỉ tăng trung bình 0,97% trong 4 tháng đầu năm.
Như vậy, áp lực lên việc điều hành lãi suất và chính sách tiền tệ cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Dẫn số liệu trong 4 tháng đầu năm, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, chính sách tiền tệ vẫn được điều hành mềm mỏng mặc dù áp lực điều hành đối với Ngân hàng Nhà nước đang gia tăng.
Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn đang được duy trì ổn định, trong khi đó tín dụng cải thiện kéo theo mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 và 2 tăng theo.
Cụ thể, lãi suất huy động đối với khách hàng cá nhân tăng 30 – 70 điểm cơ bản so với đầu năm tại một số ngân hàng thương mại cổ phần trong khi lãi suất tại ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước không có thay đổi.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động dao động từ 3,3% - 4,5% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2% - 5,7% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 5,3% - 6,5% cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Lãi suất trên thị trường 2 (liên ngân hàng) cũng liên tục duy trì trên 2% đối với lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục thực hiện bơm tiền hỗ trợ thanh khoản thông qua nghiệp vụ OMO.
Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Ngân hàng Nhà nước thông báo tín dụng tính đến ngày 25/4 tăng 6,75% so với cuối năm 2021 (tương đương với mức tăng 16,4% so với cùng kỳ).
Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 có thể đạt 14 – 15% và tương đồng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Trong ngắn hạn, bộ phận nghiên cứu tại SSI tin rằng rủi ro về thay đổi chính sách tiền tệ từ Ngân hàng Nhà nước là không nhiều, khi Chính phủ vẫn đang tập trung cho việc khôi phục lại nền kinh tế hậu Covid-19, mặc dù những rủi ro từ xung đột Nga-Ukraine kéo dài, Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát Covid-19 hay Fed tiếp tục thực hiện tăng lãi suất đang hiện hữu.
Đồng thời, áp lực từ lạm phát là có, tuy nhiên Chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát trong mục tiêu 4% nhờ việc kiểm soát mặt bằng giá các mặt hàng thuộc quản lý của Chính phủ (như y tế, điện,..) trong khi đó giá năng lượng sẽ được kiểm soát thông qua việc tiếp tục giảm thuế nhập khẩu xăng dầu.
Sớm tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm %
Trong khi đó, các chuyên gia tại Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE) cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất 0,5 điểm % để duy trì tăng trưởng vừa phải, bất chấp rủi ro lạm phát tăng và Fed quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ.
Mức tăng 0,5 điểm % sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%, mức vẫn còn phù hợp theo các tiêu chuẩn lịch sử, khi so với tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch cho đến tháng 2/2020 là 6% theo MBKE. Tuy nhiên mọi việc thắt chặt (nếu có) sẽ chỉ được thực hiện vào giai đoạn cuối năm.
Đồng quan điểm, trong báo cáo gần đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất đến hết quý II/2022 để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Bất kỳ hành động thắt chặt tiền tệ nào sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là trong nửa cuối năm 2022 và mức độ tăng lãi suất (nếu có) sẽ rất hạn chế, chỉ ở mức 0,25-0,5%.
Còn theo các chuyên gia phân tích HSBC, rủi ro lạm phát gia tăng, dù là do cung, sẽ vẫn là dấu hiệu cho thấy cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Vì vậy, HSBC cho rằng tiến trình tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ được đẩy nhanh hơn so với dự báo trước đó của tổ chức này, vào quý III/2022 thay vì quý IV/2022. Nhiều khả năng lãi suất điều hành sẽ tăng thêm 0,5 điểm % lên 4,5% vào cuối năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận