Chuyên gia: Đánh thuế nước ngọt sẽ ảnh hưởng 1 triệu hộ kinh doanh
Các chuyên gia cho rằng đánh thuế nước ngọt có thể không giúp tăng thu ngân sách mà gây tác dụng ngược. Trong đó, tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng nếu áp thuế mặt hàng này.
Trong chương trình “Diễn đàn kinh tế: Áp thuế với nước ngọt có giảm thừa cân, béo phì?” do Truyền hình Quốc hội tổ chức, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá việc đề xuất bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN có hàm lượng đường trên 5 g/100 ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Bộ Tài chính "vừa thừa và vừa thiếu, lại không đảm bảo được sự công bằng".
Theo bà Thảo, tiêu chuẩn TCVN hiện nay bao gồm nhiều đồ uống có lợi cho sức khỏe như nước điện giải hay thức uống thể thao. Do đó, việc áp thuế TTĐB có thể hạn chế sự tiếp cận của người tiêu dùng đối với các mặt hàng này.
Mặt khác, tiêu chuẩn TCVN cũng chưa bao quát các mặt hàng một cách đa dạng. Dẫn nội dung chia sẻ của chuyên gia dinh dưỡng, TS Thảo cho rằng các loại thực phẩm trên đường phố cũng có thể tác động đến sức khỏe của người dùng song lại nằm ngoài phạm vi chịu thuế.
Có thể tác động tới tăng trưởng GDP
Chia sẻ thêm, các chuyên gia lo ngại việc áp thuế đối với nước giải khát có đường sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất này, qua đó tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh cũng như kinh tế - xã hội.
Tính đến năm 2021, Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, tạo ra hơn 300.000 việc làm. Tuy nhiên, đa phần doanh nghiệp có quy mô nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam thiếu sự liên kết, chậm thích ứng với tập quán kinh doanh quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do (FTAs)... Sự hạn chế này tạo cơ hội cho doanh nghiệp ngoại lấn sân vào thị trường nội địa chiếm thị phần, điển hình như CocaCola hay Pepsi.
TS Nguyễn Minh Thảo cho rằng tăng trưởng kinh tế có thể bị ảnh hưởng nếu đánh thuế TTĐN với nước ngọt.
“Chúng tôi đang nghiên cứu xem đánh thuế như vậy thì tác động như thế nào đến nguồn thu ngân sách, lao động, thu nhập cũng như tăng trưởng của nền kinh tế. Kết quả sơ bộ dựa theo số liệu thống kê năm 2022 cho thấy nguồn thu ngân sách không tăng, thậm chí còn giảm”, TS Thảo chia sẻ.
Lý giải điều này, vị chuyên gia cho biết việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường sẽ tác động lan tỏa tới cả các ngành hàng khác. Thực tế, có tới 25 nhóm ngành hàng liên quan đến hoạt động cung cấp đầu vào, có mặt trong chuỗi sản xuất, phân phối của ngành sản xuất nước giải khát.
Do vậy, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể giảm 0,5 điểm % nếu áp thuế TTĐB 10% lên mặt hàng này. Đây là mức độ tác động rất lớn tới nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của CIEM trước đó, ngành nước giải khát có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi giá trị và có thể mở rộng quy mô ảnh hưởng gấp 6-9 lần. Ước tính, sẽ có khoảng 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm, hàng chục nghìn lao động trong chuỗi giá trị bị ảnh hưởng.
Đồng thời, việc áp thuế nước giải khát có đường dự kiến tác động tiêu cực tới hoạt động của 337.000 hộ gia đình trồng mía.
Nhà đầu tư nước ngoài e ngại
“Chúng ta chưa có một nghiên cứu tổng thể và toàn diện nào về việc mức độ thừa cân béo phì là do nước giải khát có đường. Đây là một trong những điểm cần nghiên cứu sâu hơn để đưa ra sắc thuế phù hợp và có tính thuyết phục”, TS Thảo nhận định.
Việc đánh giá các tác động mang tính lan tỏa, hiệu ứng “domino” cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài duy trì đầu tư vào ngành đồ uống Việt Nam thông qua cả hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Việc áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường có thể khiến các nhà đầu tư e ngại, giảm đầu tư vào ngành đồ uống và các ngành công nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Thái Vương, Trưởng tiểu ban Nước giải khát thuộc Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư cần một một trường chính sách ổn định. Từ góc độ thu hút đầu tư nước ngoài, chính sách này có thể dẫn đến sự nao núng, e dè của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tại sự kiện, TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, lưu ý việc đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường tại một số quốc gia trên thế giới chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Thực tế, người tiêu dùng có thể giảm tiêu thụ nước giải khát có đường nhưng lại tìm kiếm các sản phẩm thay thế đơn giản hơn.
Ví dụ ở bang California (Mỹ), sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt, năng lượng đưa vào từ nước giải khát có đường chỉ giảm từ 6 Kcal calorine nhưng năng lượng từ nước giải khát thông thường khác lại tăng lên 35 Kcal/ngày.
Một số nước sau thời gian áp dụng thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường có tỷ lệ thừa cân béo phì không giảm mà lại tăng qua các năm. Như Chile trước khi áp dụng vào năm 2014, tỷ lệ béo phì ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7% (giai đoạn 2009-2010), sau khi áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt, tỷ lệ béo phì đều tăng lên lần lượt là 30,3% và 38,4% (giai đoạn 2016-2017).
Một số quốc gia châu Âu như Bỉ hay Mexico cũng chứng kiến tình trạng tương tự.
Một báo cáo của Ủy ban Châu Âu năm 2014 cũng đã chỉ ra điều tương tự khi mà lượng tiêu thụ nước ngọt tại Pháp chỉ giảm 3,3% trong khi giá sản phẩm đã tăng 5% do thuế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận