Chuyên gia đánh giá gì về thỏa thuận OPEC+ trên thị trường dầu mỏ
RIA đưa tin, hôm 10/4, thông qua cuộc họp trực tuyến các nước thành viên OPEC+ đã thống nhất các thông số về cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Theo đó, sau cuộc họp trực tuyến kéo dài hơn 9 tiếng đồng hồ ngày 9/4, các nước OPEC+ đã đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 5 và 6, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 tới. Tất cả các nước thành viên sẽ giảm sản xuất 23%. Saudi Arabia và Nga mỗi nước giảm 2,5 triệu thùng một ngày, xuống còn 8,5 triệu thùng dầu/ngày so với 11 triệu thùng như hiện nay.
Ngoài ra, OPEC cũng kêu gọi Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy cùng “chung tay” cắt giảm ít nhất 5 triệu thùng/ngày. Từ tháng 7 tới tháng 12/2020, mức cắt giảm sẽ còn 8 triệu thùng/ ngày và từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022 là 6 triệu thùng/ngày. Iran, Libya và Venezuela sẽ được miễn cắt giảm sản lượng do lệnh trừng phạt hoặc các khó khăn nội tại.
Tuy nhiên, tại cuộc họp của nhóm OPEC+ ngày 09/4, đa số các thành viên đều quyết tâm giảm sản lượng dầu mỏ toàn cầu khoảng 10%, tuy nhiên Mexico đã lưỡng lự với đề xuất này. Tổng thống Mexico Lopez Obrador cho biết, Mexico chịu sức ép cắt giảm 400.000 thùng dầu mỗi ngày, khoảng 23% sản lượng hiện tại của nước này, trước khi nhóm OPEC+ cuối cùng giảm mục tiêu xuống 350.000 thùng dầu mỗi ngày.
Mới đây, hôm 11/4, Tổng thống Donald Trump đã đồng ý bù đắp thiệt hại để giúp Mexico giảm sản lượng xuống còn 250.000 thùng dầu mỗi ngày. Thông báo của Tổng thống Trump được coi là một động thái bất ngờ nhắm phá vỡ thế bế tắc giữa các nhà sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới hướng tới ổn định giá dầu. Theo lời của Tổng thống Mexico Obrador, thì nước này đã đồng ý với OPEC+ và Mỹ rằng, mức giảm thực sự trong sản xuất của Mexico sẽ là 100.000 thùng/ ngày, còn 250.000 thùng sẽ do Mỹ giảm thay.
Trong một cuộc phỏng vấn với RIA ông Igor Yushkov - chuyên gia phân tích tài chính của Quỹ an ninh năng lượng quốc gia, Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga đã bình luận về kết quả cuộc họp OPEC+.
“Mặc dù những thành viên chính của OPEC+ cũng đã đi tới sự thống nhất và hầu hết các thành viên đồng ý với các thông số được công bố, tuy nhiên vẫn có sự phản đối từ Mexico. Thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu bao giờ cũng phải xuất phát từ sự đồng ý của tất cả các thành viên. Nếu một trong số họ từ chối tham gia, mọi người khác sẽ đặt ra câu hỏi: tại sao chúng ta phải cắt giảm sản lượng, trong khi người khác thì không, và sau này sẽ ảnh hưởng tới lợi ích từ những nỗ lực của chúng ta? Câu hỏi tương tự sẽ đặt ra đối với các quốc gia mà trước đó cũng không tham gia thỏa thuận. Đó là Mỹ, Anh và Na Uy”, ông Yushkov nói.
Ông Yushkov lưu ý rằng Mỹ trước đây có thể tăng sản lượng, chủ yếu là vì các nước OPEC+ đã đồng ý giảm khai thác dầu, do đó giá dầu được duy trì ở mức ổn định. Giờ đây, không rõ liệu Washington có đồng ý giảm sản lượng khai thác dầu của mình hay không.
“Mỹ có thể tăng đáng kể sản lượng cho các dự án khai thác đá phiến của mình là vì thỏa thuận OPEC+ cho phép giữ giá dầu ở mức 50-60 USD/ thùng. Bây giờ Nga đặt ra “điều kiện” là người Mỹ phải tham gia vào quá trình giảm khối lượng sản xuất, điều này sẽ được thảo luận trong khuôn khổ cuộc họp trực tuyến. Trước đó, Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ tham gia vào thỏa thuận khi cần thiết, vì giá dầu ở mức hiện tại đã buộc Hoa Kỳ phải giảm khai thác dầu đá phiến. Nhưng những quốc gia còn lại nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ phải nêu ra con số cụ thể và đảm bảo thực hiện hạn ngạch của mình. Hiện Hoa Kỳ vẫn chưa đưa quyết định cụ thể về việc này”, ông Yushkov nói.
Đồng thời, theo dự báo của ông Yushkov, ngay cả khi các nước đạt được thỏa thuận này thì giá dầu vẫn sẽ không thể tăng trong một khoảng thời gian nhất định.
“Thỏa thuận OPEC+ vẫn tồn tại rủi ro của kịch bản khi các kho dự trữ dầu vẫn đang đầy, bởi vì thỏa thuận sẽ bắt đầu tính vào ngày 1/5, từ giờ đến cuối tháng Tư một phần đáng kể các kho trữ dầu trên khắp thế giới vẫn sẽ tiếp tục được lấp đầy, và điều này sẽ gây áp lực đối với thị trường. Giá dầu sẽ phục hồi sau giai đoạn tháng 7, còn hiện tại giá “vàng đen” vẫn sẽ ở mức dưới 35$/ thùng”, ông Yushkov nhấn mạnh.
Cũng theo giám đốc Tập đoàn tài nguyên và hàng hóa Fitch, Dmitry Marinchenko, các thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng dầu mới chỉ đạt được giữa các nước OPEC+ và chúng không đủ để cân bằng thị trường toàn cầu, tuy nhiên, sẽ cho phép vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của nhu cầu trong quý II.
Ông Marinchenko cho biết thêm, đầu tiên thỏa thuận sẽ hoạt động để giảm thặng dư sản xuất dầu, và sau đó sử dụng hết hàng tồn kho dư thừa sẽ hình thành trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, theo ông Marinchenko, vào thứ Hai tới, chúng ta không nên mong đợi giá dầu sẽ tăng mạnh theo quyết định của OPEC+.
Đồng thời, ông Marinchenko cũng nói rằng giá dầu trong quý II sẽ vẫn còn giảm, vì thị trường dầu trong tương lai gần vẫn sẽ bị “bội thực”. Dự đoán của chúng tôi trung bình là 30$/ thùng dầu thô Brent trong năm nay. Nói về việc giảm sản lượng dầu ở Nga, Giám đốc Fitch lưu ý rằng sẽ khó khăn hơn cho các công ty trong tương lai để tăng sản lượng, thay vì giảm nó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận