Chuyên gia BSC: Tỷ giá là yếu tố đẩy nhanh quá trình bán ra của các quỹ ngoại
Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, tỷ giá không chỉ có ý nghĩa đến ổn định kinh tế vĩ mô mà còn tác động đến thị trường chứng khoán cho dù mức độ tác động không lớn bằng yếu tố lãi suất.
VND giảm giá là yếu tố gây rủi ro cho thị trường ở khía cạnh dòng tiền. NĐT sẽ thận trọng và có xu hướng rút bớt để chuyển sang các kênh an toàn hơn nếu VND tiếp tục giảm giá.
Khối ngoại trên TTCK duy trì xu hướng bán ròng trong nhiều tháng nay, nhưng họ đẩy mạnh bán ròng kể từ đầu tháng 9 với trên 125 triệu USD. Hoạt động bán ròng chủ yếu đến từ các ETF và một số quỹ ngoại thực hiện cơ cấu danh mục. Ngoài yếu tố NĐT nước ngoài thực hiện chốt lãi tại các quỹ ETF do đã mua được ở vùng giá tốt, tỷ giá cũng được xem là yếu tố đẩy nhanh quá trình bán ra của các quỹ nước ngoài trong thời gian qua.
Trong ngắn hạn, các ngành xuất khẩu được lợi và các ngành nhập khẩu bị thiệt khi VND giảm giá và ngược lại. Những doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi gồm dệt may, giày dép, gỗ đá, gạo, sắt thép, thủy sản, săm lốp.
Những doanh nghiệp nhập khẩu tiêu dùng trong nước hoặc những doanh nghiệp vay ngoại tệ USD trong các lĩnh vực năng lượng, hàng không, bất động sản,… sẽ gặp bất lợi.
Tuy nhiên, trong trung hạn, VND giảm giá ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô, tăng trưởng, tiêu dùng và đầu tư. Ngoài ra đầu vào là nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu của các doanh nghiệp cũng tăng lên qua đó triệt tiêu dần các lợi ích ngắn hạn.
Do vậy, VND giảm giá có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong ngắn hạn tuy nhiên lợi ích này sẽ không được duy trì với các doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu. Với đặc điểm kinh tế Việt nam, tỷ giá ổn định vẫn là yếu tố quan trọng để nền kinh tế và các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.
TTCK đã đi trước vận động lập đáy của kinh tế vĩ mô nhờ yếu tố chu kỳ, tâm lý kỳ vọng và dòng tiền. Các yếu tố này đang giúp thị trường giữ được đà tăng điểm trong ngắn hạn. Dòng tiền luân chuyển liên tục qua các nhóm ngành đẩy dần mặt bằng giá lên trong khi kết quả kinh doanh trong quý 2/2023 không cải thiện khiến cho định giá nhiều ngành đã có mức P/E trên 20 lần. Yếu tố kỳ vọng và dòng tiền sẽ không thể duy trì được mãi và NĐT cần thấy được sự chuyển biến về vĩ mô và lợi nhuận tăng trưởng của các công ty niêm yết trong các quý tiếp theo.
Do vậy bên cạnh việc xem xét các yếu tố ổn định vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất thì NĐT còn phải chú ý hơn đến các yếu tố động lực tăng trưởng về chỉ số sản xuất, tiêu dùng trong nước, tăng trưởng xuất nhập khẩu và tốc độ giải ngân đầu tư công. Đây là những thông tin sớm để nhận định nền kinh tế và doanh nghiệp sau khi lập đáy sẽ hồi phục nhanh hay chậm và liệu rằng kỳ vọng của NĐT có hợp lý trước chuyển biến này hay không.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận