Chuyên gia ADB: 'Đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI'
"Chúng ta không cần giật mình khi FDI giảm bởi đây là xu hướng tất yếu, không tránh khỏi khi quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ. Đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược thu hút FDI để chuyển mình thích nghi với bối cảnh mới".
Đây là những chia sẻ của ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với Mekong ASEAN xung quanh câu chuyện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tiếp sụt giảm.
FDI giảm, không phải câu chuyện giật mình...
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến ngày 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỷ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Đầu tư Nước ngoài lý giải việc vốn FDI đăng ký mới giảm là do trong 3 tháng năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Lego có tổng vốn đầu tư 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.
Trong khi đó, giá trị góp vốn, mua cổ phần, theo Cục Đầu tư nước ngoài, cũng giảm và vốn điều chỉnh chưa được cải thiện nhiều so với 2 tháng đầu năm. Mặt khác, không chỉ giảm vốn dự án FDI đăng ký mà vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,3 tỷ USD.
Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường đánh giá, xu hướng tái cấu trúc dòng vốn FDI cũng như thương mại toàn cầu đang diễn ra, trước khi Covid-19 đã xuất hiện và giai đoạn hậu Covid-19 xu hướng này càng mạnh mẽ.
Ông dẫn ví dụ về thị trường điện tử bán dẫn, một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống sinh hoạt từ các thiết bị gia dụng di động nhỏ đến ô tô và máy bay. Trước đây, các cường quốc bán dẫn đều đã thiết lập lợi thế cạnh tranh cốt lõi của mình, chẳng hạn thiết kế chip và thiết bị bán dẫn của Mỹ, vật liệu thô và kiểm tra đóng gói của Trung Quốc… Không một quốc gia nào có thể hoàn toàn độc lập xây dựng hệ sinh thái bán dẫn hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Cường xu hướng cạnh tranh mới đang buộc các nước có thể phải đứng một mình trong ngành công nghiệp này. Cộng thêm cú hích từ cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài đang làm rung chuyển thế giới, tác động trực tiếp đến sự sụp đổ giao dịch thương mại của khu vực phía Đông tiếp giáp với Liên minh châu Âu, tác động gián tiếp đến nhu cầu hàng hoá thế giới, làm giá hàng hoá tăng cao, nguồn cung nguyên liệu thô và linh kiện đầu vào bị gián đoạn.
Theo ông Cường, tái cấu trúc dòng chảy thương mại kéo theo tái cấu trúc dòng vốn đầu tư FDI. Với câu chuyện thu hút FDI của Việt Nam, cũng không ngoại lệ.
Chưa kể, đà thu hẹp quy mô dòng vốn FDI toàn cầu là ảnh hưởng tất yếu của diễn biến thế giới từ năm ngoái và vẫn tiếp diễn đến hiện tại gồm căng thẳng địa chính trị, áp lực lạm phát, nhu cầu toàn cầu giảm, nguy cơ suy thoái, điều kiện tài chính thắt chặt… gây áp lực giảm đối với việc mở rộng kinh doanh trên toàn cầu, khiến cho môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu thay đổi đáng kể.
Ngoài ra, nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng "hút ngược" FDI quay trở về nước. Chẳng hạn, Mỹ với các chính sách như giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kinh tế "tự chủ chiến lược" thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài…
Chiến lược ứng phó của Việt Nam như thế nào để giữ chân dòng vốn FDI?
Ngoài ra, theo chuyên gia ADB, chiến lược thu hút FDI cũng phải thay đổi, từ việc tập trung thu hút FDI từ những tập đoàn lớn và các biện pháp như giảm thuế, giãn thuế có thể sẽ không còn phù hợp trong thời gian tới.
Nhắc đến câu chuyện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ông Cường nhấn mạnh, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam.
Để thu hút được đầu tư nước ngoài, suốt những năm qua, Việt Nam luôn dành cho những doanh nghiệp này những ưu đãi nhất định về thuế. Song, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ dừng cuộc đua xuống đáy trong việc giảm thuế suất nhiều thập kỷ qua và có thể gây xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.
Vậy lợi thế thu hút FDI của Việt Nam ở đâu?
Theo ông Nguyễn Minh Cường, Việt Nam có tới hơn 5 triệu hộ kinh tế gia đình, khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong khi đó, doanh nghiệp vừa rất ít. Bài toán cần giải quyết là xây dựng khối kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp vừa, đủ sức đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị.
"Hai khu vực này phải đi song song cùng nhau. Hình thành khối tư nhân lớn mạnh, đặc biệt doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, trở thành môi trường hấp dẫn thu hút và giữ chân dòng vốn FDI", ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh.
Điều quan trọng nhất theo ông Cường, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận và đánh giá lại chiến lược thu hút FDI phù hợp trong bối cảnh mới, chuyển hướng nhanh chóng lên sản xuất giá trị cao là bước đi quan trọng, cần thiết.
Bên cạnh đó, sản xuất xanh và chuyển đổi năng lượng đang là xu hướng toàn cầu, người tiêu dùng các quốc gia phát triển ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm xanh. Nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định rót tiền cũng cân nhắc liệu sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam có đủ sức cạnh tranh, không chỉ về giá cả, mà cả về tiêu chí thân thiện môi trường. Việt Nam cần nắm bắt xu hướng này, coi đây là trọng tâm thu hút FDI chất lượng thời gian tới, chuyên gia ADB gợi ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận