menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoài Nhật

Chuyển động "xanh" ở các tập đoàn năng lượng Đông Nam Á

(TBKTSG Online) - Các tập đoàn năng lượng ở Đông Nam Á, từ lâu vốn phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch, giờ đây đang nhanh chóng chuyển hướng sang năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện tăng vọt trong khu vực.

Các công nhân của công ty địa nhiệt điện PT Pertamina Geothermal Energi điều chỉnh van của một giếng địa nhiệt tại Tasikmalaya, Indonesia. Ảnh: Reuters

Tiềm năng địa nhiệt điện từ 100 núi lửa

Tại Indonesia, công ty năng lượng Star Energy, đơn vị thành viên của tập đoàn hóa dầu Barito Pacific, đang nhắm đến mục tiêu nâng cao công suất khai thác các nguồn năng lượng địa nhiệt nhờ vào hơn 100 núi lửa còn hoạt động nằm rải khắp trên quốc đảo này. Tại một nhà máy địa nhiệt điện của Star Energy ở tỉnh Tây Java, hơi nóng bốc lên từ miệng của đỉnh núi Salak chạy qua một đường ống để làm quay các tuốc-bin sản xuất điện. Khí thải duy nhất tại nhà máy là hơi nước màu trắng đục nhả ra từ những ống khói. Địa nhiệt điện được xem là nguồn năng lượng xanh vì nó được sản xuất bằng hơi nóng phát ra tự nhiên từ lõi Trái đất.

Trong năm 2018, Star Energy đã mua các tài sản của tập đoàn năng lượng Chevron (Mỹ) tại Indonesia, bao gồm nhà máy địa nhiệt điện Salak.

Star Energy cũng đang vận hành nhà máy địa nhiệt điện Wayang Windu ở thị trấn Pangalengan, tỉnh Tây Java, có công suất 227MW. Tổng công suất địa nhiệt điện của Star Energy đang ở mức 875 MW/năm và công ty đang có kế hoạch nâng con số này lên 1GW.

Star Energy trở thành công ty con của tập đoàn hóa dầu Barito Pacific vào năm ngoái sau khi tập đoàn này chi 755 triệu đô để mua 66,67% cổ phần của StarEnergy. Quyết định thâu tóm Star Energy là một phần trong chiến lược đa dạng hóa đầu tư của Barito Pacific với trọng tâm đặt vào các dự án năng lượng tái tạo.

Công ty phân phối điện nhà nước PLN (Indonesia) cũng muốn khai thác tiềm năng địa nhiệt điện của Indonesia để đáp ứng cơn khát năng lượng trong nước. PLN đã mua các nguồn điện “xanh” bao gồm hợp đồng mua điện có thời hạn 30 năm với nhà máy địa nhiệt điện Sarulla có công suất 330MW ở tỉnh Bắc Sumatra. Nhà máy này thuộc quyền kiểm soát của một liên doanh năm công ty gồm ba công ty nước ngoài là tập đoàn thương mại Itochu (Nhật Bản), công ty điện lực Kyushu Electric Power (Nhật Bản) và công ty năng lượng thay thế Ormat Technologies (Mỹ).

Năm ngoái, PT Pertamina Geothermal Energy, một công ty địa nhiệt điện khác của Indonesia, đã đầu tư hơn 270 triệu đô la để phát triển các dự án địa nhiệt điện.

Indonesia có nguồn tài nguyên địa nhiệt lớn nhất thế giới với công suất tiềm năng khoảng 29 GW nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác. Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch phát triển công suất địa nhiệt điện lên 10 GW vào năm 2025.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg hôm 17-4, Samuel Tsien, Giám đốc điều hành ngân hàng OCBC (Singapore) cho biết ngân hàng này sẽ ngưng cung cấp vốn vay cho các nhà nhà máy nhiệt điện than. Như vậy, OCBC là ngân hàng lớn đầu tiên ở Đông Nam Á gia nhập làn sóng các ngân hàng rút lui khỏi các dự án nhiệt điện than đang diễn ra trên thế giới.

Ông Tsien nói: “Chúng tôi hy vọng với quyết định này, chúng tôi sẽ khuyến khích các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi và sắp xếp để chuyển từ năng lượng than sang năng lượng tái tạo”.

Hiện tại, OCBC đang tài trợ vốn vay cho hai nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam bao gồm khoản vay 1,87 tỉ đô la dành cho dự án nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 với công suất 1.200 MW.

Ôn Tsien cho biết OCBC sẽ thúc đẩy các nỗ lực tài trợ vốn vay cho các dự án năng lượng tái tạo. Hiện OCBC cung cấp vốn vay cho 20 trang trại điện gió ở Malaysia cũng như các dự án điện gió khác ở Úc và Đài Loan.

Chuyển sang năng lượng tái tạo để giảm rủi ro

Tập đoàn năng lượng Banpu (Thái Lan) có 90% doanh thu đến từ mảng kinh doanh khai thác than và vận hành các nhà máy nhiệt điện than. Là nhà sản xuất than lớn nhất Thái Lan nhưng giờ đây, Banpu cách đa dạng hóa nguồn thu nhập để giảm rủi ro phụ thuộc vào than khi giá của nhiên liệu hóa thạch này biến động thất thường

Giám đốc điều hành Banpu Somruedee Chaimongkol, nói: “Chúng tôi sẽ tích hợp than với năng lượng tái tạo nhằm tối đa hóa lợi nhuận và đáp ứng các yều cầu của xã hội”.

Năm ngoái, Banpu đã lắp đặt 150 MW công suất điện mặt trời. Banpu cũng sẽ chính thức đưa vào hoạt động một dự án điện mặt trời khổng lồ ở tỉnh Fukushima (Nhật Bản) vào cuối năm nay.

Tại Việt Nam, Bandu dự định xây dựng một dự án trang trại điện gió có công suất 80 MW ở tỉnh Sóc Trăng vào năm 2021. Chi phí đầu tư cho dự án vào khoảng 13 tỉ baht (408 triệu đô la). Đường bờ biển dài cho phép Việt Nam trở thành một trong những nơi lý tưởng nhất ở Đông Nam Á để phát triển các dự án năng lượng gió.

Chuyển động "xanh" ở các tập đoàn năng lượng Đông Nam Á

Trong khi đó, công ty điện lực nhà nước Tenaga Nasional ở Malaysia đang đầu tư phát triển năng lượng mặt trời. Hồi tháng 11 năm ngoái, công ty đưa vào vận hành một nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW gần thủ đô Kuala Lumpur.

Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu nâng đóng góp của năng lượng tái tạo lên mức 20% trong cơ cấu năng lượng quốc gia vào năm 2025.

Các nguồn năng lượng tái tạo chủ lực của ở Đông Nam Á cũng khác nhau nếu xét theo từng nước. Cũng giống như Indonesia, Philippines là nơi còn nhiều núi lửa hoạt động, do vậy, hai nước này có thể sản xuất mỗi nước gần 2 triệu kW công suất điện địa nhiệt/năm.

Thái Lan là nước dẫn đầu trong khu vực về sản xuất điện mặt trời với 2,7 triệu kW công suất điện mặt trời trong năm 2017. Con số này cao gấp 84 lần kể từ năm 2007.

Năm 2017, có tổng cộng 51,14 triệu kW điện được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines, theo ước tính của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA). Con số này tăng 130% so với năm 2007 và tương đương mức sản lượng điện của 50 lò phản ứng hạt nhân. Sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á dự kiến tăng gấp ba lên con số 161,8 triệu KW vào năm 2025.

Theo Nikkei Asian Review

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả