Chuyển động tích cực trên thị trường lãi suất
Trong bối cảnh hệ thống thừa tiền, với hầu hết các ngân hàng đang trong tình trạng dồi dào thanh khoản, giúp xu hướng lãi suất có những chuyển động tích cực trong thời gian gần đây, bất chấp nhà điều hành liên tục hút ròng trên thị trường tín phiếu.
Thừa tiền
Trong tuần trước (20-24/2/2023), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành mới tổng cộng gần 140,550 tỷ đồng tín phiếu, trong đó có gần 49,000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày, trong khi chỉ có 80,000 tỷ đồng tín phiếu phát hành trước đó đáo hạn, theo đó, hút ròng 60.550 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Nếu tính luôn lượng bơm ròng 10,450 tỷ đồng qua kênh thị trường mở, nhà điều hành đã hút khỏi hệ thống ngân hàng 50,100 tỷ đồng.
Trong 2 tuần trước , cơ quan này cũng đã rút về lần lượt 30,178 tỷ đồng và 142,413 tỷ đồng nâng tổng mức hút ròng kể từ đầu tháng 2 lên tới 189,228 tỷ đồng, đánh dấu chuỗi hút ròng mạnh mẽ nhất trong thời gian qua. Chính sách hút ròng cùng với việc phát hành thêm tín phiếu kỳ hạn dài đến 91 ngày, cho thấy thanh khoản hệ thống đang dư thừa..
Với số liệu công bố gần đây cho thấy NHNN cũng đã mua vào khoảng 3.6 tỷ USD trong 1 tháng rưỡi đầu năm nay, nếu tính theo mức giá mua vào đang niêm yết tại Sở giao dịch NHNN là 23,450 đồng, ước tính nhà điều hành đã bơm ròng hơn 84,400 tỷ đồng qua kênh mua ngoại tệ. Vì vậy, việc phát hành tín phiếu để hút bớt lượng thanh khoản dư thừa được xem là giải pháp cần thiết để trung hòa lượng cung tiền đồng đã bơm ra, tránh gây sức ép lên lạm phát vốn vẫn đang tiềm ẩn khó lường.
Theo số liệu công bố mới đây của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2023 tiếp tục tăng 0.45% so với cùng kỳ tháng trước, nâng mức tăng so với đầu năm lên 0.97% và so cùng kỳ tăng 4.31%, dù không còn bị ảnh hưởng bởi việc nghỉ Tết như tháng 1 . Theo dự báo của giới phân tích, lạm phát vẫn là một trong những lo ngại lớn trong năm nay khi chịu tác động bởi quá nhiều yếu tố, không chỉ từ chính sách tiền tệ mà còn từ tình hình địa chính trị thế giới có thể tiếp tục gây tắc nghẽn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Việc lạm phát của Mỹ tháng 1 năm nay bất ngờ tăng cao trở lại so với dự báo là một minh chứng cụ thể.
Dù vậy, việc NHNN liên tục hút ròng cũng đã góp phần kéo lãi suất thị trường liên ngân hàng đi lên trở lại trong những ngày gần đây, mức cao ở thời điểm nửa cuối tháng 1 đến những ngày đầu tháng 2, giai đoạn ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết dài ngày nên làm tăng nhu cầu vay mượn, trên thị trường 2. Cập nhật đến ngày 23/02/2023, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã leo lên mức 6.15%/ năm, tăng 250 điểm cơ bản so với thời điểm giữa tháng 2. Tương tự, kỳ hạn 1 tuần tăng 229 điểm cơ bản lên 6.34%/ năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 248 điểm cơ bản lên 6.12% và kỳ hạn 1 tháng cũng tăng 186 điểm cơ bản lên 7.54%.
Như vậy, lãi suất trên thị trường 2 hiện đã vượt qua lãi suất mà các ngân hàng huy động từ thị trường dân cư ở cùng kỳ hạn, khi các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1-5 tháng hiện nay chỉ đang áp theo quy định trần lãi suất là 6%/ năm.Các ngân hàng thay vào đó có thể lựa chọn tăng cường huy động vốn trên thị trường 1 nhiều hơn.
Thực tế, giá trị giao dịch theo thống kê cũng giảm mạnh so với giai đoạn trước, cho thấy các ngân hàng hoặc đang thừa tiền không có nhu cầu vay mượn lớn hoặc tăng cường thu hút tiền gửi từ dân cư mang tính bền vững hơn như đã nói. Trong khi đó, theo giới phân tích, việc NHNN đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên kênh thị trường mở, nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn trước cuộc họp sắp tới của Fed sẽ diễn ra vào tháng 3 này.
Chuyển động tích cực
Đáng lưu ý là trong khi lãi suất trên thị trường 2 leo thang trở lại, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 của các ngân hàng liên tục được điều chỉnh. Đơn cử như Techcombank, trong vòng 1 tháng qua đã có đến 3 lần quyết định giảm khung lãi suất tiền gửi, với tổng mức giảm lên đến 0.8% ở tất cả các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, là ngân hàng giảm lãi suất huy động mạnh tay nhất. Ngoài ra còn phải kể đến một loạt ngân hàng khác cũng có động thái tương tự như Sacombank, PVCombank, Saigonbank, Pgbank, GPBank, NCB,…
Rõ ràng trong bối cảnh hệ thống thừa tiền, hầu hết các ngân hàng đang trong tình trạng dồi dào thanh khoản khi tiền gửi tăng trưởng tốt nhưng dư nợ cho vay chưa theo kịp do yếu tố mùa vụ đầu năm, việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động vốn trở lại để tiết giảm chi phí vốn đầu vào là có thể hiểu được. Ngoài ra, với lãi suất trong những tháng cuối năm 2022 đã tăng quá nhanh, trong khi triển vọng thời gian tới lãi suất có thể hạ nhiệt trở lại, các ngân hàng cũng có cơ sở và động lực để sớm điều chỉnh lãi suất về mức phù hợp hơn.
Đây là sự xoay chiều khá bất ngờ, khi trước đó thời điểm cuối năm 2022, không ít dự báo cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục chịu áp lực lớn và còn đi lên thêm ít nhất là trong nửa đầu năm 2023, trước khi ổn định trở lại vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, nhiều tổ chức gần đây cũng đã thay đổi quan điểm khi nhận định lãi suất trong năm 2023 sẽ ổn định cho đến hết năm, trước khi bắt đầu giảm trở lại từ năm 2024, thay cho các dự báo trước đó cho rằng NHNN có thể sẽ còn tăng lãi suất điều hành thêm ít nhất một lần nữa trong 6 tháng đầu năm 2023.
Với những gì đang diễn ra, mọi thứ lại không quá tiêu cực như những lo ngại trước đó, khi thanh khoản hệ thống đột nhiên trở nên dồi dào nhờ kênh mua ngoại tệ được nối trở lại, tỷ giá ổn định đã giúp một lượng lớn ngoại tệ chuyển dịch sang tiền đồng gửi ngân hàng khi chênh lệch lãi suất đang ở mức quá hấp dẫn. So sánh với các kênh đầu tư khác, chứng khoán vẫn đang chật vật còn bất động sản đang rơi vào trầm lắng, có thể thấy tiền gửi tiết kiệm với lãi suất hấp dẫn đang là điểm đến ưa thích của nhiều người.
Bên cạnh đó, với mặt bằng lãi suất cho vay đang ở mức cao như hiện nay cũng đã làm nản lòng giới đầu tư, khiến nhiều khách hàng không còn động lực vay vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó, cũng ảnh hưởng lên hoạt động phát triển tín dụng của nhiều ngân hàng. Song song đó, với rủi ro tiềm ẩn hiện tại trong nền kinh tế, đặc biệt là ở lĩnh vực bất động sản, nên có lẽ các ngân hàng cũng kiểm soát chặt hơn hoạt động cho vay ở phân khúc này, càng khiến dư nợ tăng chậm lại như là lẽ tất yếu.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng sự chuyển động này chỉ mang tính nhất thời. Trong thời gian tới nếu tín dụng của hệ thống bắt đầu tăng tốc nhanh hơn, trong khi huy động vốn tăng chậm lại sau những động thái giảm lãi suất huy động gần đây của các ngân hàng, cộng thêm rủi ro chính sách từ việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nếu nâng lãi suất mạnh tay trở lại, xu hướng lãi suất ở thị trường Việt Nam cũng có thể lại đảo chiều.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận