Chuyển đổi số ngành logistics đúng cách và hiệu quả
Logistics được ví như xương sống của nền kinh tế, với vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại và đầu tư. Để tận dụng được tối đa lợi thế từ Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU, doanh nghiệp logistics cần đẩy mạnh kiện toàn năng lực, minh bạch hóa hoạt động thông qua chuyển đổi số.
Đánh giá vai trò của ngành logistics trong bối cảnh Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu lực, luật sư Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, logistics đồng hành cùng mọi lĩnh vực hoạt động trong nền kinh tế và là mạch máu của chuỗi cung ứng.
Độ thuận lợi và phát triển của logistics được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy hoạt động thương mại cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển đúng mức với vai trò trong nền kinh tế. Cụ thể, 80% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu hụt về kinh nghiệm, nguồn lực cũng như không có được sự tin cậy để đảm nhiệm những đơn hàng lớn.
Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh lên ngành logistics Việt Nam khi hoạt động xuất nhập khẩu bị ngưng trệ, doanh nghiệp buộc phải đóng băng, thiệt hại nặng nề tới doanh thu.
Trong tình thế khó khăn, EVFTA đi vào hiệu lực như mở ra một cánh cửa để ngành logistics chớp lấy cơ hội để kiện toàn năng lực và đóng góp tích cực hơn vào tiến trình phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, trong sân chơi EVFTA, các doanh nghiệp Việt cũng vướng phải thách thức bởi sự cạnh tranh gay gắt đến từ phía thị trường châu Âu, với những đơn vị dày dặn kinh nghiệm và khả năng cung cấp dịch vụ tốt hơn.
Ông Lễ khẳng định, thời thế đã đặt ra yêu cầu cho ngành logistics cần phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. Đây là phương án duy nhất giúp doanh nghiệp nâng cao cả về trình độ, chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo sự minh bạch, chiếm lấy lòng tin của khách hàng.
Khó khăn trong chuyển đổi số ngành logistics
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), khó khăn đầu tiên mà doanh nghiệp trong lĩnh vực này mắc phải khi tiến hành chuyển đổi số là việc thiếu hụt về nguồn vốn. Cụ thể, quá trình chuyển đổi số có chi phí rơi vào khoảng từ 200 triệu tới hàng chục tỷ đồng, một con số cao so với những đơn vị có quy mô vừa và nhỏ.
Hiện nay, đa số doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức độ số hóa hoạt động chứ chưa thực sự chuyển đổi số.
Hiện nay, đa số doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức độ số hóa, tức là chuyển dữ liệu hoạt động sang dạng lưu trữ điện tử chứ chưa có sự kết nối và khả năng tra cứu số liệu cũng như xử lý đơn hàng trên nền tảng trực tuyến.
Bên cạnh đó, theo ông Lễ, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã tiến hành chuyển đổi số một phần hoạt động của mình, tuy nhiên lại mắc phải sai lầm do sự thiếu đồng bộ giữa các khâu như kế toán, kho bãi, quản lý, vận chuyển, thủ tục hải quan. Điều này dẫn đến việc phát sinh nhiều chi phí quản lý nhưng hoạt động kém hiệu quả.
Ngoài ra, các chuyên gia VLA cũng nhận định, một số lãnh đạo doanh nghiệp vẫn còn bày tỏ thái độ e ngại về tính an toàn, khả năng bảo mật thông tin của các nền tảng trực tuyến, dẫn đến việc chậm chạp, thiếu nhạy bén với công nghệ.
Những điều cần lưu tâm cho doanh nghiệp khi tiến hành chuyển đổi số.
Ông Lễ cho rằng, việc chuyển đổi số là điều tất yếu đối với hoạt động logistics, nếu không muốn bị đào thải khỏi thị trường. Mục đích của chuyển đổi số là để doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng rộng hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Do đó, doanh nghiệp cần cân bằng giữa việc nâng cao doanh số trước mắt với tạo nền tảng phát triển trong dài hạn.
Muốn chuyển đổi số đạt được hiệu quả, điều đầu tiên doanh nghiệp cần thay đổi tư duy và kỹ năng ứng dụng công nghệ của đội ngũ, bao gồm từ nhân viên tới lãnh đạo. Để làm được điều này, người lãnh đạo cần tiên phong trong việc thay đổi nhận thức, chủ động tìm hiểu về công nghệ và xu hướng của thị trường, sau đó mới tính đến việc đầu tư nâng cao năng lực của nhân sự.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị logistics đang rơi vào tâm lý nghi ngờ về khả năng chuyển đổi số, lo sợ rằng với nguồn lực kém, các phương án được tiến hành muộn sẽ không thể theo kịp sân chơi với các doanh nghiệp lớn.
Tuy nhiên, ông Lễ khẳng định, nếu tìm ra được mô hình phù hợp, nắm bắt được công nghệ mới, doanh nghiệp hoàn toàn có thể trở thành người “đi tắt đón đầu”, nhanh chóng bắt nhịp được với xu thế của thị trường.
Để làm được điều này, doanh nghiệp phải có kế hoạch dài hạn, bài bản và cẩn trọng trong từng bước như lựa chọn quy trình, tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp về cả uy tín, chất lượng lẫn khả năng tài chính để tạo ra một hệ thống số liên hoàn, cùng chung chuẩn mực, có tính liên kết cao và dễ dàng truy xuất số liệu.
Trong quá trình ứng dụng công nghệ, sẽ không có một mô hình nào là phù hợp với mọi doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics. Theo các chuyên gia VLA, hiện nay có khoảng 17 loại hình dịch vụ logistics được cung cấp. Mỗi sự kết hợp dịch vụ đều hoạt động hiệu quả trên những mô hình số nhất định, chưa kể tới khác biệt về văn hóa doanh nghiệp, nguồn lực tài chính…
Như vậy, việc lựa chọn mô hình chuyển đổi số cần được nghiên cứu tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Về điều này, ông Lễ cho rằng việc liên kết chặt chẽ với nội bộ ngành cũng như tìm kiếm tư vấn từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp xác định được hướng đi phù hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận