'Chuyển đổi số ngành bất động sản còn khá chậm so với các lĩnh vực khác'
Ông Lê Ngọc Trí, Giám đốc công ty EM&AI cho rằng, hiện nay, tình hình chuyển đổi số trong ngành bất động sản vẫn khá chậm so với các lĩnh vực khác. Vì vậy, hiệu quả trong kinh doanh sẽ không được cao, nhất là trong mùa dịch COVID-19 hiện nay.
Thời gian gần đây, chuyển đổi số trong các lĩnh vực đời sống, kinh doanh không còn là điều xa lạ với người dân Việt Nam. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thực hiện chuyển đổi số đang là xu hướng của doanh nghiệp, trong đó có ngành bất động sản.
Là một doanh nghiệp công nghệ đang phát triển ứng dụng (ứng dụng Voicebot AI), đưa trí tuệ nhân tạo (AI) áp dụng vào ngành bất động sản, ông Lê Ngọc Trí, Giám đốc công ty EM&AI cho rằng, hiện nay, tình hình bất động sản hiện có những bước chuyển đổi số khá chậm so với các lĩnh vực khác. Trong đó, đa phần nhân viên bán hàng phải trực tiếp tư vấn và bán hàng cho khách.
Vì vậy, hiệu quả trong kinh doanh sẽ không được cao. Bên cạnh đó, với tình hình dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, đội ngũ bán hàng và tư vấn khách hàng gặp không ít mối lo về dịch bệnh và doanh số bán hàng.
Qua số liệu thu thập, ông Trí cho biết, trung bình mỗi nhân viên telesale bất động sản gọi ít nhất 100 khách hàng mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 2-3 khách hàng thực sự quan tâm đến dự án được nói đến. Một doanh nghiệp bất động sản quy mô vừa có 50 nhân viên có thể gọi đến 5,000 cuộc gọi ngày mỗi ngày để giới thiệu những dự án, ưu đãi khác nhau.
Nhìn rộng hơn, mỗi ngày sẽ có hàng trăm ngàn, hàng triệu cuộc gọi diễn ra. Vậy tại, doanh nghiệp bất động sản hiện nay cũng đang cần một phương pháp chuyển đổi số. Qua đó, phương pháp này phải vừa đảm bảo triển khai nhanh chóng, vừa tối ưu chi phí đến hơn 50% so với sử dụng nhân sự. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thêm thời gian, nhân lực chất lượng cao để chăm sóc, tư vấn khách hàng thực sự có nhu cầu.
“Theo tôi, chuyển đổi số trong ngành bất động sản sẽ đi theo xu thế kết nối nhà đầu tư và nhà cung cấp bất động sản, dù là hình thức tiếp cận qua Telesale tự động, hay marketplace, leasing, thì đây cũng sẽ là xu hướng làm nóng lĩnh vực này. Đặc biệt, giai đoạn bất động sản đang có dấu hiệu chững lại như hiện nay do ảnh hưởng của COVID-19.
Cùng với đó, trong thời điểm dịch COVID-19 hiện nay, đa số nhân sự đều làm việc tại nhà, khó kiểm soát năng suất, cũng như đẩy nhanh triển khai các chiến dịch thì tự động hóa sẽ là bước đà chuyển đổi số để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhiều khách hàng hơn qua hình thức telesale”, Giám đốc công ty EM&AI nhận định.
Ngoài ra, Giám đốc công ty EM&AI cũng cho biết thêm, chuyển đổi số trong bất động sản đồng nghĩa với việc hợp lý hóa quy trình, làm cho quy trình trở nên minh bạch nhất có thể. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tạo thêm niềm tin cho người mua, nâng cấp chất lượng, hiệu quả cho mọi hoạt động trong ngành.
Bên cạnh đó, hoạt động số hóa cũng nên tập trung trên một hệ thống, theo vòng đời của dự án, từ phát triển, xây dựng, cho thuê đến quản lý vận hành sau này. Quan trọng là cải thiện việc lưu trữ và truyền tải thông tin, giảm thiểu những đặc tính đã trở nên lỗi thời trong ngành bất động sản như việc quá phụ thuộc vào các loại giấy tờ. Khi các loại giấy tờ được số hóa thì thông tin không chỉ được truyền tải hiệu quả hơn, mà còn mang lại tính bảo mật cao hơn.
Ông Anthony Couse, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của JLL cho biết, công nghệ và bất động sản đang kết hợp theo những cách rất thú vị, việc phân tích số liệu, trí thông minh nhân tạo, Internet of Things (mạng lưới thiết bị kết nối Internet), công nghệ thực tế ảo và blockchain (công nghệ chuỗi - khối) sẽ làm thay đổi cách đầu tư và làm chủ thị trường bất động sản trong tương lai.
Theo đó, ứng dụng công nghệ được cho là xu hướng tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong mô hình kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Với việc người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các đô thị thông minh, cơ hội phát triển của các công ty bất động sản công nghệ đang rất lớn.
Mặc dù chuyển đổi số đang xu hướng tạo ra sự thay đổi nhanh chóng trong mô hình kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình chuyển đổi số hiện nay trong lĩnh vực này vẫn khá chậm so với các lĩnh vực khác.
Đánh giá về việc áp dụng chuyển đổi số vào ngành bất động sản, ông Vũ Cao Giang, Giám đốc công ty CP Đầu tư Chu Lai Hội An cho rằng, việc chuyển đổi số trong ngành bất động sản dường như có bước đột phá ít hơn so với các lĩnh vực khác. Thay vì áp dụng ứng dụng công nghệ vào hoạt, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn sử dụng con người là chủ yếu.
Chính vì sử dụng con người là chủ yếu nên khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã phải điêu đứng, gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng. Bởi các doanh nghiệp phải tuân thủ biện pháp chống dịch của nhà nước.
“Từ đó, chúng tôi nhận thấy việc chuyển đổi số trong việc quản lý mô hình hoạt động và bán hàng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và cũng là hướng đi mà rất nhiều doanh nghiệp hiện đang có bước triển khai dần dần”, ông Vũ Cao Giang nhìn nhận.
Cũng theo ông Vũ Cao Giang, nhiều năm trở lại đây, việc áp dụng ứng dụng công nghệ vào ngành bất động sản đang trở nên phổ biến và các doanh nghiệp gần như đều tìm cách tiếp cận. Bởi các doanh nghiệp bất động sản đang thấy được lợi ích của việc chuyển đổi số cho các nhà đầu tư lẫn chủ đầu tư.
Việc áp dụng ứng dụng công nghệ ban đầu được áp dụng cho những dự án có quy mô vừa, dự án đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, nên có thể thường xuyên triển khai việc áp dụng các ứng dụng công nghệ để nhà đầu tư tham quan nhà mẫu bằng thực tế ảo.
Do chưa đồng bộ trong từng đơn vị phân phối bán hàng, các dự án có quy mô lớn hơn hoặc dự án đang triển khai gặp phải bất cập trong việc triển khai hệ thống tự động thông tin pháp lý và báo giá.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 liên tiếp qua từng đợt ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực, tài chính chưa kể hạn chế quá trình triển khai ứng dụng cập nhật tiến độ dự án. Vì vậy, doanh nghiệp phải liên tiếp đưa ra các phương án làm việc ngắn hạn, trước hết là để ứng biến với tình hình dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng cho biết, sẽ đưa vào sử dụng ứng dụng khảo sát, lấy ý kiến về mức độ sẵn sàng và nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tại địa chỉ: https://dx.danang.gov.vn từ ngày 28/8.
Mục đích của việc làm này là khảo sát, lấy ý kiến giúp doanh nghiệp nhận biết khả năng hiện tại, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, từ đó xác định lộ trình, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, điều chỉnh mô hình kinh doanh và mô hình quản trị cho phù hợp; giúp các cơ quan quản lý Nhà nước có thể tổng hợp, phân tích, đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, thành phố sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phù hợp theo yêu cầu thực tiễn. Đối tượng khảo sát, lấy kiến là toàn bộ các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, quy mô khác nhau trên địa bàn thành phố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận