24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Hà
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần được xác định là một quá trình thường xuyên để nền kinh tế luôn năng động

GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân góp ý dự thảo Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiến kịp xu thế 4.0 còn yếu

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần được xác định là một quá trình thường xuyên để nền kinh tế luôn năng động, liên tục có cải thiện về năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài, từ nội tại nền kinh tế luôn tạo ra được những “dư địa” tăng trưởng mới.

Nhưng trên thực tế, tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua đã cao hơn giai đoạn trước nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách về thu nhập với các nước trong khu vực, tăng năng suất lao động chủ yếu vẫn do tăng vốn đầu tư và sử dụng lao động chi phí thấp.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp và tăng trưởng năng suất lao động chưa bền vững.

Hơn nữa, đối với các ngành được coi là thế mạnh của Việt Nam hiện nay (điện tử, dệt may, da giày, du lịch, thủy sản), chúng ta vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp.

Khi so sánh với các mô hình phát triển kinh tế thành công trong khu vực, ba chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh hiệu quả của nền kinh tế (hiệu quả đầu tư ICOR, năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp TFP) của Việt Nam cho thấy có sự cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng vẫn đang ở mức thấp so với các nước. Nền kinh tế vẫn có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và tụt hậu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Sức cạnh tranh của nền kinh tế, mặc dù có sự cải thiện khá ấn tượng là 10 bậc vào năm 2019, nhưng vẫn chỉ đứng khoảng giữa bảng xếp hạng theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Những chỉ số quan trọng như năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng, sự năng động trong kinh doanh hay thị trường sản phẩm... của Việt Nam đều thấp. Như vậy, các động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo để tiếp kịp xu thế 4.0 còn yếu, chưa hiệu quả.

Rõ ràng, thế mạnh nhân công giá rẻ cùng các nguồn lực sản xuất khác như đất đai, cơ sở hạ tầng với chi phí thấp không còn phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đã có những thay đổi và bản thân nền kinh tế Việt Nam cũng đã bước vào một giai đoạn phát triển mới. Do vậy, việc tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tận dụng cơ hội để nuôi dưỡng và khai thác các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy gia tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực luôn là thách thức đặt ra mà chúng ta cần vượt qua.

Kinh tế số, xã hội số và chính phủ số là những định hướng trúng và đúng

Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tăng trưởng để tăng sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế vẫn tiếp tục là sự lựa chọn, là định hướng, là việc phải làm hiện nay và giai đoạn tới.

Các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế hiện đại và thực tiễn tăng trưởng của các “con rồng châu Á” cho thấy mỗi nước có con đường và mô hình riêng để hiện đại hóa nền kinh tế, đạt mức tăng trưởng cao và liên tục trong nhiều năm. Có nước áp dụng chiến lược thay thế nhập khẩu, hoặc hướng đến xuất khẩu, vai trò của nhà nước trong quá trình này cũng rất khác nhau và không giống nhau trong các giai đoạn phát triển của từng nước.

Tuy nhiên, nhìn chung đó là quá trình chuyển từ tăng trưởng dựa chủ yếu vào các yếu tố đầu vào truyền thống là vốn, lao động sang sử dụng ngày càng nhiều các yếu tố như vốn con người, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong quá trình đổi mới vừa qua ở nước ta, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi cấu trúc của nền kinh tế, nhưng cơ cấu kinh tế Việt Nam hiện tại vẫn chỉ tương đương một số quốc gia ASEAN đầu thập kỷ 1980. Kinh tế Việt Nam có khả năng sẽ tụt hậu nữa so với thế giới.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế chịu chi phối bởi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng sự lan tỏa của của khu vực FDI đến các khu vực khác của nền kinh tế trong những năm qua rất hạn chế.

Hiện tại, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Ngay cả FDI - vốn được coi là nguồn đầu tư mang lại yếu tố học hỏi về mặt công nghệ, tác phong làm việc, kỹ năng và tay nghề chuyên môn - thực tế không mang lại hiệu quả.

Hơn nữa, dù đã được ưu tiên phát triển, nhưng hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam vẫn chỉ đứng ở nửa sau trên bảng xếp hạng quốc tế các chỉ số năng lực cạnh tranh.

Vì thế, một mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số, đó là những định hướng rất trúng và đúng về mô hình tăng trưởng của ta trong thời gian tới để đảm bảo duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Nhà nước cần là một bên tham gia “chủ động và đi đầu”

Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, sớm có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển của những ngành mới, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính phủ số để làm cơ sở duy trì tăng trưởng cao trong một thời gian dài.

Trong vai trò dẫn dắt phát triển của kinh tế số, có hai nhiệm vụ quan trọng là chiến lược phát triển kinh tế số và quản lý nhà nước về kinh tế số. Nhà nước cần là một bên tham gia “chủ động và đi đầu”, một người dùng tiên phong trong nền kinh tế số quốc gia.

Chúng ta cần có quyết tâm và nỗ lực cao hơn trong xây dựng chính quyền điện tử, cải tiến quy trình nghiệp vụ, bồi dưỡng năng lực chuyên môn “tinh thông nghiệp vụ” và phẩm chất đạo đức “tận tâm phục vụ nhân dân” đối với công chức.

Việt Nam với một nền kinh tế năng động và dễ thích ứng, và với lợi thế của người đi sau sẽ có cơ hội có thể “đi tắt, đón đầu” trong việc chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số…

Đồng thời, chúng ta cần khắc phục những hạn chế yếu kém của kinh tế nhà nước.

Để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, cần thúc đẩy việc thực thi quản trị theo chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước. Cần đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu của doanh nghiệp.

Tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn tập trung nên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia, hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành then chốt.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân, dù được thừa nhận là động lực của nền kinh tế, nhưng hiện tại chủ yếu vẫn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh không cao. Điều này chủ yếu do thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, khiến khối doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều rào cản gia nhập thị trường cũng như hạn chế trong khả năng tiếp cận các nguồn lực, do vậy cần có một thể chế thực sự hiệu quả với vai trò kiến tạo và thực thi của nhà nước.

Cần khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần chuyển trọng tâm chính sách thu hút, hợp tác từ số lượng sang chất lượng, khuyến khích các dự án có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, chú trọng bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, quản trị hiện đại, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả