24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bá Phú
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chuyển dịch đầu tư: (Kỳ 2) Hàng loạt cuộc tháo chạy khỏi Trung Quốc chưa hẹn ngày trở lại

Trên thực tế, không phải bây giờ - khi có dịch bệnh xảy ra, các công ty, tập đoàn đa quốc gia mới tháo chạy khỏi Trung Quốc. Mà trước đó, trong cuộc thương chiến Mỹ - Trung thì tình trạng này cũng đã xảy ra, tuy nhiên, còn manh mún và chưa thực sự ồ ạt.

Khi mà chuỗi cung ứng của "đại công xưởng" Trung Quốc bị ngưng lại do dịch cúm corona (COVID-19) bùng phát, các công ty đa quốc gia đang chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi đất nước này…

Chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc đồng nghĩa là với việc chấp nhận chi phí tạm thời gia tăng và đó không phải là một sự lựa chọn dễ dàng. Nhưng giới phân tích cho biết một số công ty Nhật Bản không thể chờ cho đến khi cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 được khống chế.

Không thể cứ ngồi chờ…

Công ty sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu có trụ sở chính tại Tokyo đã mua linh kiện và phụ tùng từ nhiều nhà máy trong và ngoài Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất các linh kiện sang nhiều địa điểm như Nhật và Việt Nam. Công ty này đang muốn ngăn tình trạng chậm trễ của các đơn hàng lan sang toàn thế giới.

Công ty Daikin Industries của Nhật cũng đang cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất máy điều hòa thương mại sang Malaysia. Công ty có nhà máy sản xuất máy điều hòa tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và cũng là tỉnh tâm dịch cúm corona. Công ty này mới đây đã mở lại nhà máy tại Tô Châu và Thượng Hải vào hôm 10/2 sau khi giới chức công bố kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết nếu tình trạng cách ly tại Vũ Hán tiếp tục, họ sẽ phải đưa ra nhiều biện pháp giảm thiểu tác hại lên hoạt động của họ. Nhiều phụ tùng quan trọng sẽ có thể được sản xuất tại Nhật hay Thái Lan.

Mặc dù một số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán tại Trung Quốc từ hôm 10/2 nhưng chỉ hoạt động một phần nhỏ. Và tại tỉnh Hồ Bắc, nơi tập trung khoảng 80% trường hợp lây nhiễm virus corona ở Trung Quốc đại lục, việc các công ty có thể mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 21/02 như dự kiến hay không vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp rõ ràng. Tỉnh này là một trung tâm cho các ngành công nghiệp bao gồm ô tô, thép và chất bán dẫn, và việc ngừng hoạt động kéo dài có thể siết chặt chuỗi cung ứng toàn cầu.

Meiko Electronics – vốn sản xuất bảng mạch ô tô – đặt trung tâm sản xuất lớn nhất của họ tại Vũ Hán. Với các hoạt động tạm dừng đến ngày 20/02, công ty Nhật Bản này đang cân nhắc sản xuất các bộ phận tại các cơ sở cũng có các chứng nhận cần thiết, chẳng hạn như Quảng Châu, Nhật Bản hoặc Việt Nam.

Hãng sản xuất trang phục thể thao hàng đầu Nhật Bản Asics cũng dự tính chuyển hoạt động sản xuất gia công từ Vũ Hán sang Việt Nam và Indonesia.

Theo tờ Nikkei Asian Review, các công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon (Mỹ) không còn hào hứng với thị trường Trung Quốc khi dịch virus corona bùng phát từ Vũ Hán và lan rộng.

"Đề phòng virus corona, xin vui lòng không bắt tay. Xin cảm ơn", cửa văn phòng tại trụ sở của Andreessen Horowitz - công ty đầu tư mạo hiểm thành công nhất nước Mỹ - ghi rõ.Những cái bắt tay không phải là điều duy nhất các công ty đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon đang lẩn tránh.

"Chúng tôi đã tạm dừng mọi giao dịch tại Trung Quốc và thậm chí một số ở các nước châu Á khác", một nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng nói với Nikkei Asian Review.

Trước đó, hàng loạt các tên tuổi lớn như McDonald và Starbucks cũng đóng hàng ngàn cửa hàng trên khắp Trung Quốc nhằm tuân thủ các yêu cầu của Chính phủ nước này.

Áp lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc

Các công ty Nhật Bản từ lâu đã xây dựng một chuỗi cung ứng tại Trung Quốc, với nhiều sản phẩm hoàn chỉnh được xuất khẩu sang Mỹ. Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang kéo dài, nhiều công ty của Nhật bản đang đứng trước “ngã ba đường”. Đến hiện nay, họ đã và đang ồ ạt dời khỏi Trung Quốc.

"Đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng", Edward Alden, chuyên gia thương mại thuộc Hội đồng cao cấp về quan hệ đối ngoại, chia sẻ. "Đã có áp lực rất lớn đối với nhiều công ty và buộc họ phải đa dạng hóa khỏi Trung Quốc" khi tiền lương và chi phí sản xuất tại nước này tăng lên, ông nói.

Ông Alden cho rằng vì thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc đã không thể loại bỏ hầu hết các mức thuế, các công ty phải đưa ra kết luận rằng "chi phí của việc nhập nguồn cung ứng từ Trung Quốc cho các sản phẩm có liên quan đến Mỹ giờ đây dường như sẽ cao hơn vĩnh viễn chứ không còn là tạm thời nữa”.

Và với sự giám sát ngày càng tăng của Mỹ đối với thương mại công nghệ với Trung Quốc, cộng với cuộc khủng hoảng virus corona, "không còn nghi ngờ gì nữa, điều này sẽ đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc".

Các chuyên gia cho rằng các động thái di dời hoạt động sản xuất Trung Quốc để tránh tác động của dịch COVID-19, dù chỉ là tạm thời, có thể khiến các công ty đa quốc gia thẩm định lại chuỗi cung ứng của họ tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc.

Dù rằng hiện tại chỉ là những khoảng thời gian ngưng lại nhất định để tính cách đưa hoạt động trở lại, các tập đoàn đa quốc gia này cũng đang đánh giá lại về việc liệu các địa điểm mới có mang đến lợi thế chi phí tốt hơn Trung Quốc hay không...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả