Chuyện chưa kể sau vụ tấn công vào căn cứ Mỹ của Iran
Tập mới được phát sóng của chương trình 60 Minutes trên kênh CBS News đã hé lộ những chuyện chưa kể về cuộc tấn công của Iran vào căn cứ Mỹ tại Iraq hồi đầu năm ngoái.
Vào tháng 1/2020, thời điểm tướng Qassem Soleimani mới bị ám sát, 2.000 lính Mỹ tại căn cứ không quân Al Asad ở Iraq đã thấp thỏm lo sợ một cuộc tấn công trả đũa từ phía Iran.
Kết quả là, Iran đã đưa đến dàn tên lửa đạn đạo mang đầu đạn với cân nặng gần nửa tấn, và thực hiện một cuộc bắn phá toàn diện vào căn cứ của Không quân Mỹ. Một sĩ quan tình báo quân đội đã nêu đánh giá của mình trước Thiếu tá Alan Johnson về mối đe dọa này rằng: "Ý định của họ là san bằng căn cứ này, và chúng ta có thể sẽ không còn sống sót".
Giống như nhiều lính Mỹ khác tại căn cứ, Thiếu tá Johnson, 51 tuổi, đã nhấc điện thoại để nói lời từ biệt với gia đình mình. "Chỉ cần ghi nhớ trong trái tim con rằng bố yêu con rất nhiều", ông nói với cậu con trai 6 tuổi trong nước mắt. "Tạm biệt con trai".
Quyết định “sinh tử”
Cùng thời điểm trên, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ ở Tampa, bang Florida, Đại tướng Frank McKenzie đã lên kế hoạch sơ tán một nửa số binh lính và gần như toàn bộ các máy bay chiến đấu ra khỏi căn cứ Al Asad. Tuy nhiên, vị đại tướng 64 cũng không muốn thực hiện việc di tản quá sớm để tránh những tổn thất ngoài dự kiến.
"Làm được điều này cũng là một nghệ thuật. Nếu di tản quá sớm, họ (Iran) sẽ kịp làm mới và điều chỉnh kế hoạch của mình. Còn nếu quá muộn, bạn sẽ giống như các chỉ huy ở Trân Châu Cảng", ông McKenzie cho biết. “Điều này giống như một sự lựa chọn giữa chiến tranh và hòa bình, bởi nếu có lính Mỹ nào bị giết, thì Mỹ sẽ phải trả đũa Iran”.
Trong khi giới tình báo Mỹ vẫn đang nín thở theo dõi phía Iran đổ đầy nhiên liệu lỏng vào từng tên lửa của mình, tướng McKenzie vẫn đợi cho đến khi ông chắc chắn rằng, Iran đã tải xuống bức ảnh vệ tinh cuối cùng mà họ thu thập hàng ngày để quan sát căn cứ Không quân Mỹ ở Iraq.
Bên trong Al Asad lúc này, Trung sĩ Không quân John Haines đã chia các binh sĩ theo giới tính và độ tuổi, rồi đưa những binh sĩ trẻ nhất ra khỏi căn cứ, bởi theo ông, họ chính là lực lượng nòng cốt cho tương lai của Không quân Mỹ.
Khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ đã được sơ tán khỏi Al Asad, trong khi số khác vẫn phải ở lại để bảo vệ căn cứ trước một cuộc tấn công tiềm tàng. Trong số này có Trung tá Staci Coleman, Tư lệnh Lực lượng Không quân tại Al Asad. Cô tin rằng mình vừa đưa ra "những quyết định sinh tử", và cho biết: "Tôi nghĩ đây sẽ là ngày cuối cùng chúng tôi có thể thức dậy, nhìn thấy ánh Mặt Trời và hít oxy căng tràn lồng ngực".
Chạy trốn hoặc chết cháy
Lúc 1 giờ 34 phút sáng (giờ địa phương) ngày 8/1/2020, Trung sĩ John Haines, người đứng đầu lực lượng bảo vệ căn cứ, đang kiểm tra chiếc xe bọc thép của mình thì đúng lúc đó, quả tên lửa đầu tiên của Iran rơi thẳng xuống Al Asad, cách chỗ ông đứng chỉ gần 70m. Trung sĩ Haines miêu tả ánh sáng rực rỡ và những đám mây bụi từ quả tên lửa sau khi phát nổ “giống như một đoạn phim cũ về vụ nổ ở Hiroshima”.
Vụ nổ đầu tiên khiến Thiếu tá Alan Johnson bị bất tỉnh tạm thời. "Điều tiếp theo mà tôi còn nhớ được là bị viên Thượng sĩ hạng nhất hét vào mặt rằng: "Mọi thứ đang lâm nguy. Chúng ta phải ra khỏi đây!" Và đó là lúc tôi nhận ra lửa đang bắt đầu lan vào phía trong boongke. Chúng tôi buộc phải thoát ra khỏi nó, bằng không sẽ bị chết cháy".
Sau khi thoát ra được bên ngoài, Johnson đã chạy thục mạng để tìm chỗ trú ẩn, trong lúc loa phóng thanh bên ngoài căn cứ liên tục phát cảnh báo nguy hiểm. Ông cho biết, tiếng tên lửa rơi xung quanh nghe như tiếng những đoàn tàu chở hàng đang gầm rú bên cạnh mình.
"Chúng tôi chạy đến boongke tiếp theo và nhận ra có tới 40 người đang cố nhét mình vào nơi vốn chỉ chứa được khoảng 10 người”, vị Thiếu tá kể lại. “Tuy nhiên, tôi vẫn túm lấy một binh sĩ phía trước mình, giục cậu ta phải vào trong boongke, đồng thời cố xô đẩy tất cả những người khác vào bên trong".
Trong khi đó, Trung sĩ Lục quân Kimo Keltz vẫn giữ nguyên vị trí của mình trong một tháp canh phía bên ngoài căn cứ. Khi một mảnh đạn phát nổ chỉ cách tháp canh khoảng 27m, Keltz đã cuộn người trong tư thế bào thai để bảo vệ cơ thể mình. Dù vậy, dư chấn từ vụ nổ vẫn khiến anh bị nảy khỏi sàn nhà khoảng 5cm.
“Như búa đập vào đầu”
Khi mọi chuyện kết thúc, Trung sĩ Keltz cùng các binh sĩ khác đã rời khỏi vị trí của họ, và ăn mừng trước điều mà họ xem như một phép màu - không ai thiệt mạng và dường như không có thương tích gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày, hơn 100 binh sĩ và phi công tại Al Asad đã phải điều trị y tế do gặp phải các chấn thương ở phần sọ não.
Kimo Keltz cũng nằm trong số này. Vụ nổ xảy ra trong bán kính rất gần vị trí của Keltz đã khiến anh gặp phải các triệu chứng như thể "bị ai đó dùng búa đập vào đầu liên tục". Các bác sĩ chẩn đoán Keltz đã mắc phải "hội chứng chấn động", tình trạng có thể khiến anh phải chịu đựng trong suốt phần đời còn lại của mình.
Cuộc tấn công của Iran vào căn cứ Al Asad kéo dài trong khoảng 80 phút, với tổng cộng 16 quả tên lửa đã được bắn ra, trong đó có 11 quả rơi trúng căn cứ. Giới lãnh đạo Iran sau đó tuyên bố rằng, họ đã cố tình đổi hướng bắn tên lửa để tránh gây thương vong. Tuy nhiên, Đại tướng Frank McKenzie nhận định nếu ông không ra lệnh sơ tán, sẽ có từ 100 đến 150 lính Mỹ thiệt mạng hoặc bị thương, và từ 20 đến 30 máy bay sẽ bị phá hủy.
Theo Thiếu tá Lục quân Robert Hales, y sĩ hàng đầu tại Al Asad, đây là cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo lớn nhất nhằm vào quân Mỹ từ trước đến nay. “Chưa bao giờ trong lịch sử, một lực lượng trên mặt đất lại phải đương đầu với 11 quả tên lửa đạn đạo trong cùng một lúc”, ông Robert Hales khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận