24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chương trình phục hồi kinh tế: Lo ngại không sai nhưng cứ 'bới bèo ra bọ' thì sẽ không còn kịp

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô dự kiến gần 350.000 tỷ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình lên Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường ngày 4/1.

Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô dự kiến gần 350.000 tỷ để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình lên Quốc hội trong phiên khai mạc kỳ họp bất thường ngày 4/1.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt tại phiên họp thảo luận tại, đa số các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết và nội dung trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít những băn khoăn khi triển khai chương trình phục hồi kinh tế này.

Có đại biểu lo ngại về chính sách tài khóa, tiền tệ để triển khai chương trình hỗ trợ sẽ ảnh hưởng tới các cân đối vĩ mô, gây áp lực tới lạm phát. Cũng có đại biểu cho rằng, quy mô chương trình phục hồi kinh tế chưa đủ lớn như kỳ vọng và chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn,….

Xung quanh câu chuyện này, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đã chia sẻ quan điểm khi trao đổi cùng PV Dân Việt.

Trước khi Chính phủ công bố Chương trình phục hồi kinh tế, có nhiều gợi ý đã được đưa ra về quy mô của Chương trình này, thậm chí lên tới 800.000 tỷ đồng, tuy nhiên phương án Chính phủ để xuất chỉ gần 350.000 tỷ đồng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

- Quy mô chương trình này 800.000 tỷ hay 350.000 tỷ hoặc một con số nào khác, tôi cho rằng đã có khoa học tính toán.

Có rất nhiều đề xuất phương án khác nhau có thể là phương án do Chính phủ chuẩn bị, có thể là do các chuyên gia gợi ý để xem xét tham khảo. Tuy nhiên, các đề xuất, gợi ý đều thông nhất với nhau trên tinh thần: đủ lớn, đủ rộng, đồng thời có trọng điểm, trúng đúng, kịp thời hiệu quả.

Vậy chương trình phục hồi kinh tế theo dự kiến này có đủ lớn hay không, thưa ông?

Có 2 vế cần xem xét.

Vế thứ nhất là phần tác động tích cực, chương trình phải thực sự đem lại tác động tích cực đáng kể, ở đây cơ bản là tăng trưởng, phục hồi sản xuất kinh doanh, việc làm và một phần là bắt nhịp với xu hướng phát triển mới.

Vế thứ hai rất quan trọng, tức là khi thực hiện chương trình này có những tác động không mong muốn như tăng áp lực lạm phát, nợ công tăng, thâm hụt ngân sách tăng và nguy cơ dòng tiền không chảy vào nơi mình muốn (tức là đúng và trúng), tạo dòng tiền đầu cơ tài chính quá mức chẳng hạn.

Tất cả những vấn đề này đều đã được đặt ra trong dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế Chính phủ vừa trình Quốc hội. Chính phủ đã cân đối 2 vấn đề nêu trên để đề xuất chương trình phục hồi kinh tế với quy mô hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng. Chúng ta nên tin tưởng vào quyết định đó và tại thời điểm này tinh thần là làm sao hỗ trợ nhanh và hiệu quả.

Hơn nữa, dù quy mô khác nhau nhưng đầu tư vào những lĩnh vực nào thì các quan điểm khá thống nhất. Đó là các lĩnh vực: y tế, đặc biệt là trong năng lực phòng chống dịch; an sinh xã hội, chú trọng các nhóm bị tổn thương trong đại dịch; hỗ trợ doanh nghiệp và tập trung phát triển hạ tầng. Vấn đề là tiền phải đến được đúng và trúng đối tượng, nhanh và hiệu quả, đặt ra nền móng cho sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Chương trình phục hồi kinh tế: Lo ngại không sai nhưng cứ 'bới bèo ra bọ' thì sẽ không còn kịp
Chính phủ đề xuất chương trình phục hồi kinh tế với quy mô hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng. (Ảnh: Thanhnien)

Như ông có nói, sẽ có những tác động không mong muốn và cũng là lo ngại của nhiều người khi đề cập đến Chương trình phục hồi kinh tế này sau khi Chính phủ chính thức trình Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Các tác động đã được đề cập trong dự thảo Chương trình. Từ bài học lần khủng hoảng trước, tôi cho rằng câu chuyện hiện nay là có những giải pháp nào để kiểm soát những rủi ro không mong muốn đấy, để thực hiện cho tốt cho hiệu quả.

Cái gì cũng có 2 mặt, nên mục tiêu chính là chúng ta hãy làm và cố gắng kiểm soát rủi ro. Bây giờ không thể bàn mãi mà chỉ quyết xem "có chơi hay không?". Không có cái gì hoàn hảo 100% bởi đó là tương lai, hơn nữa trong quá trình thực thi chúng ta còn giám sát, điều chỉnh.

Một thực tế đáng buồn đó là, chương trình này được xây dựng kể từ tháng 8, tháng 9 nhưng đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất triển khai. Chúng ta không nên "lúc thì ào theo cực đoan này, lúc lại ào theo cực đoan khác", vì điều đó mà Việt Nam lỡ nhịp, lỡ bao nhiêu cơ hội trong thời gian qua. Tất nhiên, lo ngại là không sai nhưng phải xác định chúng ta muốn gì và có dám làm, dám chịu trách nhiệm làm điều ấy hay không – đó mới là vấn đề quan trọng nhất.

Ví dụ như việc cải tổ doanh nghiệp Nhà nước, ai cũng nói rằng cần phải cải tổ nhưng tại sao cải tổ doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm thế. Người thì lo rút ruột Nhà nước, đất đai bán rẻ… những cái đó đều đúng hết và cuối cùng vì thế chúng ta không cải cách? Hay như bây giờ bảo phát triển tư nhân, nhưng lại nói rằng tư nhân toàn như Việt Á và không làm gì cả?

Tôi nói như vậy là để nhấn mạnh rằng, quan điểm của chúng ta phải rõ ràng. Về cơ bản chúng ta vẫn phải hỗ trợ mặc dù chậm, dù lỡ nhịp ít nhiều nhưng nếu cứ tiếp tục kéo dài "bới bèo ra bọ" và không đi đến thống nhất thì sẽ không còn kịp. Tất nhiên trong trường hợp đó, nền kinh tế vẫn sống, doanh nghiệp vẫn sống nhưng có nhanh và tốt hay không mà thôi.

Tóm lại, dù khác nhau về con số nhưng chúng ta cố gắng tin tưởng vào sự lựa chọn, tính toán của Chính phủ để cùng thực hiện cho tốt, làm sao hạn chế được rủi ro, đem lại thành quả phục hồi tốt.

Bên cạnh việc nhanh chóng đi đến thống nhất về Chương trình phục hồi kinh tế, những "nút thắt" nào cần gỡ bỏ để chương trình phục hồi kinh tế đạt được hiệu quả cao nhất?

- Trong kỳ họp bất thường này, Quốc hội cũng được kỳ vọng sẽ điều chỉnh khung pháp luật, cụ thể là thông qua dự án luật "1 luật sửa 8 luật" để khai thông những điểm nghẽn pháp lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh doanh.

Tiếp đó, những việc đã và đang làm cần phải tiếp tục một cách dứt khoát hơn, quyết liệt hơn, đó là chuyển mạnh sang Chính phủ số, minh bạch hóa quá trình ra quyết định quản lý; thẳng tay trừng trị tệ tham nhũng, vứt bỏ những thủ tục rườm rà gây tốn kém chi phí thực thi.

Nếu có chương trình hỗ trợ tốt, cộng với nỗ lực của doanh nghiệp thì kinh tế Việt Nam vẫn có thể tạo đột phá trong thời gian tới.

Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả