Chuỗi cầm đồ F88 lấy tiền đâu để cho vay?
Vừa mới gọi vốn thành công 50 triệu USD vào ngày 02/03, F88 bất ngờ bị cảnh sát bao vây, khám xét chi nhánh tại con đường trung tâm quận Gò Vấp, TPHCM vào sáng 06/03 khiến dư luận dấy lên sự quan tâm.
Thông tin ban đầu được báo chí đưa tin rằng F88 bị khám xét do nghi vấn doanh nghiệp này đòi nợ kiểu “cưỡng đoạt tài sản”.
Trên website của mình, F88 cho biết hướng tới năm 2023, họ là “tập đoàn cung cấp dịch vụ tài chính số 1 Việt Nam, sở hữu 1,000 phòng giao dịch trên 63 tỉnh thành phố lớn trên toàn quốc”.
Ngay khi mới được thành lập, F88 đã gây tiếng vang khi Hoa hậu Mai Phương Thúy rót 10 tỷ đồng đầu tư vào các trái phiếu của Công ty này.
Theo nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT, CEO F88 Phùng Anh Tuấn, việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu trong nước nằm trong chiến lược nguồn vốn dài hạn của công ty, học tập từ sự thành công của các công ty cho vay cầm cố hàng đầu tại Mỹ (First Cash), Thái (Srisawad) và Singapore (Maxicash).
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT, CEO F88 Phùng Anh Tuấn
Thống kê của người viết ghi nhận giai đoạn 2021 – 2022, F88 đã có 20 đợt huy động vốn từ phát hành trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau, giá trị tổng cộng là gần 2,366 tỷ đồng. Các trái phiếu mà F88 phát hành chủ yếu là trái phiếu bằng đồng Việt Nam với mệnh giá 100,000 đồng/trái phiếu, trả lãi coupon, lãi suất cố định. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ vào cuối kỳ. Các trái phiếu này có thể được mua lại trước hạn. Trong đợt phát hành trái phiếu gần nhất (15/09/2022), kỳ thanh toán trái phiếu được thực hiện một lần khi đến hạn.
Danh sách các trái phiếu phát hành của F88
Nguồn: HNX
Ông Tuấn cho biết, F88 sẽ phát hành các trái phiếu trong năm 2023 với giá trị khoảng 1,000 tỷ đồng sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng ông cũng có biết kế hoạch có thể thay đổi.
Ngoài phát hành hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu, F88 còn tích cực gọi vốn trên thị trường.
Gần nhất là vào ngày 02/03, F88 huy động thành công 50 triệu USD (khoảng 1,185 tỷ đồng) từ hai quỹ đầu tư chính là Quỹ Việt Nam-Oman (VOI) và Quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV) trong vòng gọi vốn Series C. Công ty cho biết số vốn này sẽ được đầu tư vào ba trụ cột chính bao gồm phát triển công nghệ, dữ liệu và khoa học dữ liệu, xây dựng thương hiệu và gia tăng khách hàng mới và phát triển đội ngũ và thu hút nhân tài.
Theo ông Tuấn, F88 Investment có kế hoạch tìm các nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài cho đợt IPO trước cuối năm 2023. Mục tiêu vào năm 2024 có thể đạt vốn hóa thị trường khoảng 1 tỷ USD khi niêm yết trên sàn HOSE. Dự kiến trong năm nay, Công ty có thể giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, nhưng chưa rõ thời điểm cụ thể.
Giai đoạn 2017 – 2018, F88 đã gọi vốn thành công vòng Series A từ quỹ Mekong Enterprise Fund III và vòng Series B từ quỹ Granite Oak sau đó. Năm 2022, F88 nhận được khoản huy động 50 triệu USD (tương đương 1,200 tỷ đồng) từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) thông qua Lending Ark Asia Secured Private Debt Funds và 10 triệu USD (tương đương 240 tỷ đồng) từ Lendable.
Trong ba năm gần đây, tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay trung bình và tổng doanh thu của F88 đạt trên 200%/năm. Công ty đặt mục tiêu doanh thu gấp hơn 2 lần và lợi nhuận gấp 2.5 lần trong năm nay. Tổng số chi nhánh sẽ chạm mốc 1,700 vào năm 2025 từ mức hơn 800 như hiện nay.
Ai sở hữu F88?
F88 được biết đến với hoạt động cho vay tiêu dùng thông qua pháp nhân là CTCP Kinh doanh F88. Công ty được thành lập vào ngày 30/06/2016 với vốn điều lệ ban đầu 54.5 tỷ đồng, với ba cổ đông sáng lập gồm CTCP Đầu tư F88 nắm 99.99% vốn, ông Ngô Quang Hưng 0.005% và ông Phùng Anh Tuấn 0.005% vốn.
Sau nhiều lần thay đổi, tính đến tháng 10/2022 vốn điều lệ F88 đạt gần 567 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với thời điểm thành lập. Còn cơ cấu cổ đông vẫn giữ nguyên.
Về cổ đông lớn nhất của của F88 là CTCP Đầu tư F88 (F88 Investment), được thành lập vào ngày 12/11/2015 với số vốn điều lệ 31.5 tỷ đồng do 5 cổ đông sáng lập góp vốn gồm 4 cá nhân trong nước là ông Ngô Quang Hưng 35.305%, ông Trần Mạnh Công 6.228%, ông Phùng Anh Tuấn (giữ chức Chủ tịch HĐQT) 35.305%, ông Nguyễn Văn Tuyên 4.044%; và 1 cổ đông ngoại là Skydom Pte.Ltd nắm 19.118% vốn.
Sau đó, đến ngày 19/04/2016, vốn điều lệ F88 Investment tăng lên 37.6 tỷ đồng và có sự tham gia của một cổ đông nước ngoài khác là James Alan Barrom, nắm 2.43% vốn. Cùng với Skydom Pte.Ltd thì hai cổ đông nước ngoài này đã nắm hơn 32% vốn của F88 Investment.
Công ty tiếp tục có nhiều đợt tăng vốn điều lệ, đến ngày 27/11/2018, số vốn điều lệ đã tăng lên 52.6 tỷ đồng và có thêm sự tham gia của một nhà đầu tư nước ngoài khác là Bronze Blade Limited, nắm 6.7% vốn công ty.
Cho đến lần thay đổi gần nhất vào ngày 23/11/2022, tổng vốn điều lệ Công ty gần 70 tỷ đồng, trong đó nước ngoài nắm 51.3% cổ phần, còn nhà đầu tư cá nhân trong nước chỉ còn nắm 48.7%.
Kết quả kinh doanh gần nhất được Công ty công bố vào năm 2020 cho biết, Công ty đạt lãi sau thuế gần 45 tỷ đồng, gấp 2.7 lần năm 2019 và đạt 12% kế hoạch đề ra trong năm 9377 tỷ đồng). Vốn chủ sở hữu 2020 của F88 đạt hơn 434 tỷ đồng, ROE đạt 13.08%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận