24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Thế Kiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chung tay đưa nông sản Việt vươn tầm

Để có thể chuyển đổi xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển một cách hiệu quả, cần có quyết tâm, ngoài thay đổi tư duy, còn là việc tìm kiếm bạn hàng, thiết lập lại mạng lưới bán hàng...

Bộ Công thương thông tin, ngày 12/1/2022, chính quyền Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã chính thức khôi phục thông quan nhập khẩu các mặt hàng trái cây tươi, bao gồm thanh long, hàng đông lạnh tại cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Kim Thành II, tỉnh Lào Cai).

Việc tỉnh Vân Nam khôi phục thông quan nhập khẩu trái cây tươi (bao gồm thanh long), hàng đông lạnh qua cửa khẩu này sẽ góp phần giảm áp lực ách tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam), nhất là trong bối cảnh chính quyền Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) đang tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh (Việt Nam) 4 tuần kể từ ngày 29/12/2021.

Thống kê của Hải quan Việt Nam cho hay, lượng thanh long xuất khẩu đi Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai chiếm gần 35% tổng lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Trung Quốc, qua các cửa khẩu đất liền và cảng biển năm 2020.

Cùng ngày, UBND tỉnh Lạng Sơn đã thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi Việt Nam đến cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu. Cụ thể, từ cuối tháng 11/2021 đến nay, lượng hàng hoá từ nội địa lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh rất lớn trong khi khả năng thông quan hàng xuất khẩu trong ngày chưa tăng thêm, cửa khẩu trọng điểm xuất khẩu hoa quả là Tân Thanh vẫn đang tạm dừng hoạt động. Trung bình một ngày số lượng xe xuất khẩu chỉ đạt 80-100 xe (trong đó có 50-60 xe hoa quả).

Tính đến sáng ngày 11/1/2022, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 1.721 xe, trong đó 749 xe chở hoa quả. Với tốc độ thông quan như trên, để giải phóng hết hàng hóa là hoa quả đang tồn ở các bến bãi cửa khẩu của tỉnh sẽ cần 13-15 ngày, chưa kể hàng hóa đang tiếp tục đưa lên chờ xuất khẩu. Trong bối cảnh phía Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện chiến lược "Zero Covid", tăng cường kiểm soát dịch tại các địa phương có cửa khẩu biên giới, cộng với năng lực bốc dỡ tại cửa khẩu rất hạn chế do nhiều công nhân về quê ăn tết, nên hoạt động xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ, trong điều kiện hiện nay nhiều nông sản, đặc biệt rau quả các loại ở nhiều địa phương đang bước vào cao điểm thu hoạch chính vụ, cần đẩy nhanh tiêu thụ để giải tỏa, giảm thiểu thiệt hại. Khi xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới phía Bắc gặp khó làm nổi lên bài toán chuyển đổi hình thức vận chuyển sang đường biển, ngoài việc phải chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch, đồng thời phải theo quy định của phía Trung Quốc về mã số vùng trồng rất khắt khe hay thủ tục thông quan, logistics… Trong khi đó, Việt Nam cần xây dựng trung tâm bảo quản, sơ chế tại nguồn; cải tiến công nghệ quản trị sau thu hoạch (làm lạnh, làm sạch, phân loại, đóng gói).

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, đây là tín hiệu rất mừng vì các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm chuyển sang đường biển. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của vận tải biển trên toàn thế giới, các chủ tàu thường ưu tiên hàng khô hơn hàng lạnh vì hàng khô giá trị cao hơn, lại không phải bảo quản nghiêm ngặt như hàng lạnh.

Theo đó, để có thể chuyển đổi xuất khẩu từ đường bộ sang đường biển một cách hiệu quả, cần có quyết tâm, ngoài thay đổi tư duy, còn là việc tìm kiếm bạn hàng, thiết lập lại mạng lưới bán hàng.

Cùng với đó, các địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động trong thông tin, hướng dẫn cho nông dân và thương lái để thay đổi phương thức giao dịch theo hướng bền vững, ổn định, giảm rủi ro. Đồng thời, xây dựng các kho lạnh, kho mát cho nông sản.

Chuẩn hóa là con đường duy nhất để đương đầu với những khó khăn hiện tại. Những doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường hãy giữ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để đưa rau, quả Việt Nam tới xa hơn trên trường thế giới. Hy vọng, công nghệ chế biến rau củ quả sẽ chiếm một thị phần ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, phấn đấu đạt 30-40% tổng giá trị, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả