Chứng khoán Việt Nam kỳ vọng động lực từ quỹ ngoại
Thị trường đang kỳ vọng dòng tiền ngoại sẽ cùng dòng tiền nội nâng đỡ chỉ số VN-Index đạt những đỉnh cao mới.
Vốn ngoại trở lại
Thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, chỉ riêng giao dịch cổ phiếu từ đầu năm 2021 tới ngày 7/4, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 18.068,7 tỷ đồng. Trong đó, tháng 1 bán ròng 3.437,8 tỷ đồng, tháng 2 bán ròng 2.953,5 tỷ đồng, tháng 3 bán ròng 12.253,9 tỷ đồng, nhưng từ đầu tháng 4 tới ngày 8/4, khối ngoại mua ròng gần 600 tỷ đồng và phiên cuối tuần qua (9/4) mua ròng hơn 2.333 tỷ đồng (tập trung vào mã VHM).
Tháng 3/2021, khối ngoại bán ròng kỷ lục trùng với giai đoạn các nước trong khu vực đều bị rút ròng trong bối cảnh lợi tức trái phiếu dài hạn tại Mỹ liên tục tăng, nỗi lo lạm phát quay trở lại khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ sớm nâng lãi suất.
Vốn ngoại rút ra khỏi các thị trường cận biên và mới nổi, quay trở lại thị trường phát triển nói chung, thị trường Mỹ nói riêng.
Tuy nhiên, sau đó, tâm lý nhà đầu tư ngoại dần ổn định khi Fed liên tục phát đi thông điệp không nâng lãi suất, duy trì mức lãi suất thấp cho đến năm 2023.
Điều này giúp dòng tiền đầu tư từ các nước phát triển với chi phí vốn thấp dần chuyển trở lại các nước mới nổi vốn có lãi suất cao để hưởng chênh lệch lãi suất, cũng như cơ hội từ thị trường chứng khoán khi kinh tế tiếp tục khởi sắc sau đại dịch Covid-19.
Một trong những dấu hiệu kinh tế hồi phục là giá nhiều nguyên liệu cơ bản - đầu vào của sản xuất công nghiệp như thép, xi măng, dầu, than… liên tục tăng kể từ đầu năm tới nay, thậm chí lập đỉnh cao mới.
Quỹ Fubon sẽ giải ngân mạnh
Mới đây, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF của Đài Loan (Trung Quốc) đã huy động được 5,28 tỷ TW, tương đương 185,15 triệu USD (khoảng 4.279 tỷ đồng) và dự kiến sẽ huy động thêm vốn, nâng quy mô lên hơn 8.000 tỷ đồng trong vòng 6 tháng từ khi niêm yết (dự kiến ngày 19/4/2021).
Dự kiến, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF sẽ giải ngân hết nguồn vốn trong đợt huy động lần 1 từ ngày 5/4 - 16/4/2020, sau đó huy động thêm để đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam.
Quỹ sẽ tập trung đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam trong rổ FTSE Vietnam 30 Index, định kỳ mỗi năm sẽ cơ cấu danh mục 2 lần vào tháng 3 và tháng 9.
Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, Quỹ Fubon sẽ mua vào cổ phiếu trong vòng 2 tuần trước thời điểm niêm yết, giải ngân 4.279 tỷ đồng từ ngày 5 - 16/4.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, cổ phiếu vốn hoá lớn sẽ được Quỹ Fubon mua vào nhiều nhất, ước tính gần 20,6 triệu USD dành cho cổ phiếu VIC; tại HPG, VHM, VNM, MSN là trên dưới 18 triệu USD mỗi cổ phiếu; tiếp theo là VRE với gần 12,9 triệu USD, VNL gần 10,3 triệu USD, VCB gần 9,8 triệu USD…
Triển vọng tháng 5
Dòng vốn ngoại dự kiến sẽ chảy mạnh hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình tăng tỷ trọng cổ phiếu của các nước trong chỉ số MSCI Frontier Markets 100 sau khi Kuwait được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Trong giai đoạn 1 năm từ tháng 11/2020 đến tháng 11/2021, MSCI sẽ giảm tỷ trọng cổ phiếu Kuwait từ 25,39% về 0% và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu các quốc gia còn lại trong chỉ số.
Cụ thể, tăng 20% tỷ trọng tăng thêm ở các quốc gia trong tháng 11/2020; tăng 25% tỷ trọng tăng thêm vào tháng 2/2021; tăng 33% tỷ trọng tăng thêm vào tháng 5/2021; tăng 50% tỷ trọng tăng thêm vào tháng 8/2021 và chính thức hoàn tất 100% tỷ trọng tăng thêm vào tháng 11/2021.
Như vậy, ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong MSCI Frontier Markets 100 được nâng dần từ 12,53% lên 15,76% trong tháng 11/2020, 16,57% trong tháng 2/2021, 17,87% trong tháng 5/2021, 20,64% trong tháng 8/2021 và 28,76% trong tháng 11/2021. Điều này đồng nghĩa với việc dòng tiền từ các quỹ ETF mô phỏng theo chỉ số MSCI Frontier Markets 100 sẽ liên tục đổ thêm vào thị trường Việt Nam.
Tính tới 31/3/2021, cổ phiếu Việt Nam chiếm 16,45% tỷ trọng trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets 100, đứng thứ hai sau Kuwait (20,26%). Trong Top 10 cổ phiếu thành phần của chỉ số, Việt Nam có hai cổ phiếu là VIC và HPG, lần lượt chiếm 2,48% và 2,4%.
Theo lộ trình, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ tiếp tục được tăng thêm trong tháng 5 tới và tăng mạnh trong tháng 8, tháng 11/2021.
Hiện tại, Quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF sử dụng bộ chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index làm chỉ số tham chiếu.
Đối với chỉ số MSCI Frontier Markets Index, Kuwait không còn nằm trong rổ chỉ số này ngay sau khi được nâng hạng. Vì thế, tính đến cuối năm 2020, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong chỉ số đã tăng lên 30,64% và có 4 mã đứng trong Top 10 cổ phiếu lớn nhất là VIC (3,96%), VNM (3,45%), VHM (3,25%), HPG (2,92%).
Có 6 quỹ đầu tư với giá trị tài sản ròng khoảng 2,4 tỷ USD đang mô phỏng đầu tư dựa trên chỉ số MSCI Frontier Markets Index, bao gồm Schroders Frontier Markets, Magna New Frontiers Fund, Coeli SICAVI - Frontier Markets Fund, T.Rowe Price Frontier Markets Equity Q GBP GBP, Morgan Stanley Institutional Fund Frontier Markets Portfolio, East Capital Global Frontier Markets Class A USD.
Theo ông Petri Deryng, Giám đốc Quỹ PYN Elite Fund, chỉ số VN-Index hiện hơn 1.200 điểm, nhưng cũng chỉ tương đương với mức điểm 3 năm trước, dù lợi nhuận các doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt và sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2021. Có cơ sở để kỳ vọng chỉ số sẽ đạt 1.500 điểm vào cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận