menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngọc Bảo

Chứng khoán Việt Nam hưởng lợi trong biến động

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội rộng mở hơn khi Nga rời khỏi nhóm thị trường mới nổi.

Thị trường tài chính toàn cầu mới đây gặp xáo trộn khi đơn vị xây dựng chỉ số chứng khoán lớn nhất là MSCI thông báo loại Nga ra khỏi chỉ số các thị trường mới nổi (Emerging Markets Index) xuống còn thị trường đứng riêng một mình (Standalone). Ngay sau đó, Tổ chức FTSE Russell cho biết cũng loại bỏ chứng khoán Nga khỏi các chỉ số mới nổi.

Chiếc áo đã chật

Nga chiếm 1,5% trong những chỉ số thị trường mới nổi của MSCI, được tham chiếu bởi 1.800 tỉ USD trong các quỹ cổ phần toàn cầu. Vì vậy, một số quốc gia dự tính sẽ hưởng lợi khi các tổ chức tài chính sẽ phải tìm những thị trường tiềm năng khác để thay thế khoảng trống mà Nga để lại.

Điển hình, các nước vùng Vịnh kỳ vọng nhận được 1 tỉ USD đầu tư thụ động chảy sang; thị trường chứng khoán Hàn Quốc ước tính nhận thêm 3,4 tỉ USD trong các quỹ chủ động và bị động. Hay ở Đông Nam Á, cơ hội nâng hạng từ thị trường biên lên mới nổi của Việt Nam bỗng rộng mở hơn hẳn. “Cơ hội nâng hạng của Việt Nam sẽ cao hơn bởi trong danh sách xem xét, Việt Nam đã được đánh giá là tiềm năng rồi”, Tiến sĩ Cấn Văn lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia kiêm chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, nhận định.

Chứng khoán Việt Nam dường như không còn phù hợp với chiếc áo cận biên. Năm 2021 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của chứng khoán Việt khi quy mô giao dịch trung bình ngày lên tới 953 triệu USD, đồng thời nhảy vọt lên đứng thứ 2 khu vực chỉ sau thị trường Thái Lan (2.472,4 triệu USD) và vượt qua cả thị trường phát triển Singapore (662,5 triệu USD). Hiện tại, theo MSCI, thị trường Việt Nam xếp vị trí số 1 trong nhóm thị trường cận biên. Cuối năm ngoái, Việt Nam chiếm tỉ trọng 30,47% trong rổ chỉ số, bỏ xa thị trường xếp sau là Morocco với tỉ trọng 10,91%. Top 10 cổ phiếu lớn nhất nằm trong danh mục là HPG, VIC, VNM và MSN.

Báo cáo thường niên 2021 của MSCI đánh giá một số luật có hiệu lực đang tạo cơ sở pháp lý cho các kế hoạch phát triển thị trường, đặc biệt là kế hoạch hợp nhất HOSE và HNX thành một Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Theo Công ty Chứng khoán FPTS, dự kiến giữa năm sau, Việt Nam sẽ lọt vào danh sách chờ xét nâng hạng (watchlist) của MSCI. Đến năm 2024, sẽ được công bố nâng hạng và đến năm 2025 sẽ chính thức được nâng hạng. Nhìn chung, nếu thuận lợi, khoảng thời gian để hoàn tất việc nâng hạng thường mất khoảng 2-4 năm.

Giống như một chứng chỉ khẳng định năng lực, hiệu ứng đến từ việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ rất lớn khi kích thích sự quan tâm nhiều hơn từ giới đầu tư toàn cầu, cả các quỹ đầu tư thụ động ETF hay các quỹ đầu tư theo trường phái chủ động (Active). Ví dụ chỉ số chứng khoán Thượng Hải của Trung Quốc tăng gần 160% chỉ sau 1 năm được MSCI cân nhắc nâng hạng lên nhóm trường mới nổi vào năm 2014.

“Khó nói trước về quy mô dòng tiền, nhưng đối với lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường Việt Nam, con số có thể tăng gấp 50 lần”, ông Petri Deryng, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư của PYN Fund Management, chia sẻ với NCĐT.

Ngay từ thời điểm này, các nhà đầu tư lớn đã nhìn vào Việt Nam với thái độ lạc quan. Mới đây, VinaCapital đã tư vấn cho Jih Sun Vietnam Opportunity Fund đầu tư vào Việt Nam với quy mô khoảng 200 triệu USD và sắp tới có thể tăng thêm 150 triệu USD nữa.

Vậy cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi trong kịch bản nâng hạng? FPTS cho rằng dựa vào quan sát thị trường của một số quốc gia được nâng hạng lên thị trường mới nổi thì ngành tài chính, đặc biệt là ngân hàng được ưu tiên lựa chọn và thu hút được dòng tiền lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Các ứng viên nổi trội có thể là cổ phiếu VCB và TCB.

Hình ảnh tại Ngân hàng Techcombank. Ảnh: Quý Hòa
Hình ảnh tại Ngân hàng Techcombank. Ảnh: Quý Hòa

Lý do nằm ở chỗ Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ với gần 100 triệu dân. Các cổ phiếu ngành bất động sản và tiêu dùng - bán lẻ luôn chiếm tỉ trọng cao trong rổ chỉ số MSCI và sẽ tiếp tục là đích đến cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi thị trường Việt Nam được nâng hạng.

Ở ngành bất động sản, VHM với lợi thế nhờ quỹ đất lớn nhất, lợi nhuận cao nhất ngành. Trong khi ở ngành tiêu dùng - bán lẻ, MSN với thị phần đáng kể, liên tục triển khai các thương vụ M&A và hợp tác với các đối tác nước ngoài có thể sẽ được lựa chọn hàng đầu.

Theo ông Ismael Pili, Giám đốc Phân tích VinaCapital, Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng tốt và ít chịu ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine. Trong đó, Việt Nam là trường hợp nổi bật trong khu vực và sẽ sớm thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại trong thời gian tới.

Chiến lược đón đầu cơ hội

Mặc dù vậy, chặng đường đi đến thị trường mới nổi vẫn còn đó một số rào cản đáng kể, đặc biệt là sự tham gia tích cực của Nhà nước trong điều chỉnh khâu pháp lý sẽ đóng vai trò then chốt quyết định kết quả.

Điển hình, tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại đối với ngân hàng đang bị giới hạn bởi mức 30%. Do đó, tỉ trọng các cổ phiếu ngân hàng trong rổ MSCI Việt Nam vẫn ở mức thấp. Và dù đã có quy định cho phép các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện được nới room tối đa 100% nhưng khá ít doanh nghiệp thực hiện. Trong khi đó, chứng chỉ không có quyền biểu quyết NVDR vẫn chưa được vận hành.

Đối với nhà đầu tư quốc tế, Stock Connect bổ sung hơn 1.400 công ty vào danh mục có thể đầu tư. Ảnh: Quý Hòa
Đối với nhà đầu tư quốc tế, Stock Connect bổ sung hơn 1.400 công ty vào danh mục có thể đầu tư. Ảnh: Quý Hòa

Thực tế, các quốc gia khác đã phải nỗ lực rất lớn để đạt được những tiêu chí về thanh khoản và sự tự do trong giao dịch nhằm nâng hạng. Trung Quốc năm 2014 đã xây dựng đề án Kết nối chứng khoán (Stock Connect) giữa thị trường đại lục và Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông để nới lỏng các hạn chế giao dịch.

Đối với nhà đầu tư quốc tế, Stock Connect bổ sung hơn 1.400 công ty vào danh mục có thể đầu tư. Những động thái này giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc, tăng hiệu quả giao dịch trong các công ty Trung Quốc được niêm yết kép và tăng khả năng cổ phiếu Trung Quốc được đưa vào chỉ số chứng khoán chuẩn toàn cầu.

Năm 2017, trước khi được đưa vào danh sách watchlist, Kuwait đã triển khai đề án Phát triển thị trường khi tập trung vào việc cải thiện hành lang pháp lý của thị trường, bao gồm việc loại bỏ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với các ngân hàng niêm yết, đơn giản hóa những yêu cầu đăng ký nhà đầu tư, cải thiện cơ chế thanh toán bù trừ để giúp ngăn chặn giao dịch thất bại. Điều này mang lại nhiều cải tiến về quy định và hoạt động cho chứng khoán Kuwait, mở cửa đáng kể cho các nhà đầu tư tổ chức quốc tế gia nhập.

Tuy cơ hội nâng hạng đang mở ra thuận lợi nhưng Việt Nam sẽ cần một động thái mạnh mẽ và một kế hoạch tổng thể để khắc phục các hạn chế đang có và trở nên hấp dẫn hơn nữa. Trong năm nay, giới đầu tư đang mong đợi một hệ thống công nghệ đồng bộ cho thị trường được cung cấp bởi nhà thầu KRX sẽ sớm được triển khai. Bên cạnh đó, việc triển khai đề án biến TP.HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực cũng là động lực thúc đẩy dòng vốn thế giới tìm đến Việt Nam.

Thị trường chứng khoán thường có xu hướng đi lên mạnh mẽ từ khi được vào watchlist đến khi được công bố nâng hạng hoàn toàn. Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, đây có lẽ là thời điểm các nhà đầu tư ngoại cân nhắc tham gia thị trường từng bước và ngay từ bây giờ nhằm đảm bảo chỗ đứng của mình khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi: một triển vọng sớm đạt được trong vài năm tới.

VinaCapital cho rằng VN-Index có thể tiếp tục tăng trong năm nay, mặc dù không nhảy vọt giống như năm ngoái. Hiện rủi ro lớn nhất cho thị trường là dòng vốn ngoại đang chịu ảnh hưởng bởi quyết định nâng lãi suất để chống cơn sốt giá cả của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Nhưng đối với các nhà đầu tư đặt cược vào tiềm năng dài hạn của thị trường Việt Nam, rủi ro này không phải là rào cản quá lớn khi lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng đều đặn.

“Việc FED tăng lãi suất có thể khiến chứng khoán Mỹ giảm và làm suy giảm tâm lý chung ở mọi nơi, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong 2 năm qua, vì vậy giờ đây họ không cần phải cắt giảm. Việt Nam đang ở vị trí độc nhất hiện nay, có lãi suất tham chiếu ở mức 4% và lạm phát ở mức 2%, nghĩa là lãi suất thực là dương 2%, câu chuyện hoàn toàn ngược lại ở Mỹ và châu Âu”, ông Petri Deryng nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại