menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
TS. Cấn Văn Lực

Chứng khoán Việt Nam: Đã góp phần phát triển hệ thống tài chính quốc gia bền vững hơn

TTCK đã chứng minh vai trò ngày càng quan trọng trong huy động vốn, cung ứng vốn trung dài hạn cho phát triển kinh tế.

Ngày 28/7/2020 tới sẽ đánh dấu chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết: từ một thị trường non trẻ, TTCK Việt Nam đến nay đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, trở thành kênh huy động vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế…

Dưới góc nhìn của mình, ông có thể đánh giá TTCK Việt Nam đã đóng góp gì cho nền kinh tế?

Ước tính trong 20 năm qua, vốn hóa TTCK đã tăng trưởng ở mức trung bình hơn 50%/năm. Đến 30/6/2020, tổng vốn hóa TTCK Việt Nam đạt mức 5,5 triệu tỷ đồng, tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đã tăng từ mức 0,3% năm 2000 lên mức 104% GDP tháng 6/2020. Trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 4 triệu tỷ đồng, tương ứng khoảng 64,5% GDP năm 2019. Vốn hóa thị trường trái phiếu đạt khoảng 2,3 nghìn tỷ đồng, tương đương mức 39% GDP năm 2019 (trái phiếu Chính phủ đạt 29,18%, trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,28%). TTCK phát triển mạnh mẽ đã giúp cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn. Ước tính tỷ trọng vốn hóa khu vực chứng khoán trong tổng tài sản hệ thống tài chính hiện nay ở mức khoảng 30,6%, không cách quá xa so với mức 68,7% của khu vực các TCTD và cao hơn nhiều so với tỷ trọng 21% vào năm 2010.

Không những vậy, TTCK cũng đã chứng minh vai trò ngày càng quan trọng trong huy động vốn, cung ứng vốn trung dài hạn cho phát triển kinh tế. Vào năm 2006, TTCK mới huy động được 40 nghìn tỷ đồng cho nền kinh tế thì con số này đến năm 2019 đã đạt 320 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp 8 lần so với năm 2006. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế qua TTCK vẫn đạt khoảng 107 nghìn tỷ đồng. Ước tính tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm được thực hiện qua kênh TTCK Việt Nam ở mức bình quân 16,5%/năm giai đoạn 2016-2019.

Các chuyên gia đánh giá, sau 20 năm phát triển, loại hình định chế, sản phẩm – dịch vụ trên TTCK Việt Nam ngày càng đa dạng, hướng theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Ông nhìn nhận như thế nào?

Hiện nay, thành viên tham gia TTCK ngày càng đa dạng với 83 CTCK có giấy phép hoạt động, trong đó 74 công ty là thành viên của các Sở GDCK và 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động sau quá trình tái cấu trúc. Tiếp đó là việc hình thành các quỹ đầu tư chứng khoán với 31 quỹ hiện nay, tiến tới là quỹ tín thác đầu tư sẽ hình thành nhất là sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021.

Thị trường đã phát triển các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ thành viên, quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản... qua đó thúc đẩy tính chuyên nghiệp, sự phân bổ hiệu quả nguồn lực vốn đầu tư, tạo sức cầu bền vững và độ sâu của thị trường. Cùng với đó, các trung gian hỗ trợ như Trung tâm lưu ký, ngân hàng lưu ký, công ty tư vấn, kiểm toán đã ra đời, phục vụ đắc lực cho quá trình vận hành của thị trường. Quan trọng hơn, chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán và trung gian hỗ trợ ngày càng cải thiện hơn về quy mô, an toàn vốn, quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, trong xu thế phát triển, hàng loạt các sản phẩm - dịch vụ với nhiều ưu điểm, bắt nhịp với xu hướng phát triển của toàn cầu lần lượt ra đời. Ngoài những sản phẩm truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, các sản phẩm mới gần đây như hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm; sản phẩm trái phiếu xanh đang trong giai đoạn triển khai thí điểm...

Cùng với đó, thị trường đã hình thành đội ngũ NĐT chuyên nghiệp. Đến hết tháng 5/2020, TTCK đã có 2,46 triệu tài khoản NĐT trên thị trường, gấp 820 lần năm 2000...

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông, chúng ta cần lưu tâm những vấn đề gì để phát triển và hoàn thiện TTCK trong thời gian tới?

20 năm vẫn chưa phải là dài để thị trường thực sự lớn về quy mô, trở nên chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp với thế giới, do đó vẫn còn một số điểm cần cải thiện.

Thứ nhất, mặc dù quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh qua từng năm, song vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và tính ổn định chưa cao. Giá trị vốn hóa TTCK của Việt Nam (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) năm 2019 tương đương 102,6% GDP ở mức thấp so với các nước (Nhật Bản 337%, Singapore 257%, Thái Lan 161%, Malaysia 215%, Philippines 107%...).

Thanh khoản TTCK thể hiện qua tỷ suất vòng quay chứng khoán của Việt Nam dù tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn ở mức khá thấp so với khu vực và thế giới. Tỷ suất này của Việt Nam năm 2019 là 22,3%, thấp hơn nhiều so với mức 28,3% của ASEAN-5, 29% của Ấn Độ, 130% của Hàn Quốc, 223,7% của Trung Quốc và 87% bình quân thế giới.

Thứ hai, thể chế chi phối hoạt động và tính tuân thủ, minh bạch của TTCK cần hoàn thiện, đồng bộ và tiệm cận thông lệ quốc tế hơn nữa. Nhất là các hướng dẫn triển khai Luật Chứng khoán sửa đổi (2019) và Chiến lược phát triển TTCK 2021-2030, trong đó cần chú trọng xây dựng chiến lược cấu phần về số hóa ngành chứng khoán. Ngoài ra, công cụ quản lý, giám sát vẫn chủ yếu là giám sát tuân thủ, chưa tiến đến giám sát dựa trên mức độ rủi ro; Việc thực hiện công bố thông tin, quản trị công ty theo thông lệ tốt đã có sự tiến bộ đáng kể, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một TTCK phát triển…

Thứ ba, nguồn cung hàng hóa, sản phẩm trên thị trường còn chưa phong phú, đa dạng, chất lượng các công ty niêm yết và các CTCK chưa cao. Cơ sở NĐT chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là NĐT cá nhân, các NĐT tổ chức (nhất là các quỹ đầu tư) còn chưa nhiều. Thị trường cổ phiếu vẫn dễ có những biến động lớn trước nhiều yếu tố như tâm lý, thông tin, biến động trong và ngoài nước. NĐT trên thị trường trái phiếu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào NHTM, bảo hiểm xã hội, công ty bảo hiểm… trong khi đó, vẫn còn thiếu vắng các quỹ hưu trí, công ty quản lý quỹ với tư cách là NĐT trung dài hạn…

20 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để chúng ta nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam với những bước tiến vượt bậc, từ chỗ chỉ là “đất trống” đến nay đã là một “cơ ngơi có vị thế” trong nền kinh tế thị trường nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Cơ ngơi này có khang trang, bề thế hay không còn tùy thuộc vào tầm nhìn, chiến lược, sách lược và hành động của các bên liên quan. Mặc dù vậy, chúng ta có quyền tin tưởng rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa để 20 năm sau ta nhìn lại sẽ thấy một “cơ đồ khang trang và vững chắc hơn”.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
TS. Cấn Văn Lực

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

7 Yêu thích
3 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại