Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, triển vọng
Trong 2 tuần đầu tiên của tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm gần 50 điểm. Nếu tính cả phiên ngày 19/9, VN-Index đã “bay” gần 80 điểm từ đầu tháng 9 đến nay, thanh khoản thị trường cũng có dấu hiệu sụt giảm sau khi phục hồi khá tích cực trong tháng 8. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và dòng tiền đang chờ cơ hội thuận lợi để quay lại.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect, trong ngắn hạn, những lo ngại của thị trường về việc Fed tăng lãi suất đã được phản ánh phần lớn vào diễn biến thị trường thời gian vừa qua. Do đó, tâm lý thận trọng của thị trường có thể được cởi bỏ phần nào sau cuộc họp lãi suất của Fed ngày 20 - 21/9 tới và dòng tiền, thanh khoản thị trường có khả năng phục hồi trong tuần cuối tháng 9.
Trong khi đó, Dragon Capital cho rằng, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài đến kinh tế Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi và không mang tính hệ thống. Đồng thời, TTCK Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi với độ rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.
Theo bà Nguyễn Bỉnh Thanh Giao, Phó phòng Phân tích ACBS, nội tại vĩ mô Việt Nam hiện nay khá vững chắc. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế còn được hỗ trợ bởi gói tài khóa tiền tệ ước tính trên 300.000 tỷ và gói phát triển cơ sở hạ tầng trên 100.000 tỷ dự kiến sẽ được giải ngân trong quý 3 và quý 4/2022. Ngoài ra, những con số cho thấy lạm phát và lãi suất tại Việt Nam vẫn chưa đáng lo ngại.
Còn theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu Dịch vụ thông tin tài chính Fiin Group đánh giá: “Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn”. Bà Vân phân tích, nếu so sánh tương quan với các kênh đầu tư khác, thời điểm này có thể nói chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, triển vọng. Dù nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng trong giai đoạn thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh từ tháng 4 đến nay nhưng tín hiệu tích cực là lượng tiền lớn vẫn nằm trên tài khoản.
Dữ liệu của một số công ty chứng khoán cho thấy, tính đến cuối quý 2/2022, vẫn còn khoảng 70.000 tỷ đồng vẫn nằm trong tài khoản của các nhà đầu tư. Nếu so với thanh khoản thị trường thời gian gần đây, mỗi ngày giao dịch khoảng 10.000 tỷ đồng, thì lượng tiền vẫn nằm trong tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư và chưa giải ngân là số tiền rất lớn. Và theo khảo sát của ACBS, lượng tiền lớn trong tài khoản nhà đầu tư đang tìm kiếm, chờ đợi cơ hội để quay trở lại thị trường.
Tại chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital, ông Tuấn Anh, nhà sáng lập Finpeace cho rằng, trong đầu tư có ba thời điểm đi tiền quan trọng. Thứ nhất là khi thị trường ra tín hiệu. Thời điểm lệnh đầu tiên vào là ta cần rất hung hăng, mua là phải mua khi nó “eak”.
Nếu cổ phiếu diễn biến thuận, tăng tiếp thì đó là bình thường và sau đó nó sẽ có đoạn thứ hai mà mình phải giải ngân đó là đoạn “retest”.
Ở đoạn “retest” này, thanh khoản thị trường thường thấp vì không có gì chứng minh rằng nó sẽ lên.
Lần thứ ba giải ngân sẽ là lần vượt luôn tất cả khu vực đỉnh mà ta vừa nhìn thấy. Khi thị trường đang lên, tiền và hàng là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau bởi không ai có hàng như nhau cả.
Nếu ta đã định ăn một con sóng dài, ta không thể nào cầm một tuần mà đã bay hàng. Trong nội bộ của một con sóng lớn luôn luôn tồn tại những sóng điều chỉnh và chúng ta phải sống qua được sóng điều chỉnh đó thì mới có thể trở thành nhà đầu tư ăn dày.
Các chuyên gia cho rằng, cơ hội lúc này sẽ hướng vào những cổ phiếu, ngành có câu chuyện tăng trưởng ở phía trước; cổ phiếu, ngành chưa được thị trường chú ý thời gian qua và mức giá chưa tăng tương xứng…
Điện, dược phẩm, bán lẻ là những ngành được đánh giá sẽ có lợi nhuận dự kiến tăng tốc hoặc phục hồi đáng chú ý từ nay đến cuối năm. Ngược lại, một số ngành có triển vọng phía trước kém khả quan hoặc đi ngang như bất động sản dân cư, thép, nhóm ngành hàng hóa và xuất khẩu (thủy sản, phân bón, dệt may…).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận