24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Quyết
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn rút vốn

Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc ổn định trở lại sau cú lao dốc 1.3 ngàn tỷ USD, mọi thứ dần dần lộ rõ: Ngành quỹ tương hỗ chính là tâm điểm của đợt biến động này.

Giới truyền thông Nhà nước đề cập tới lĩnh vực này trong ngày 11/03. Trong bài bình luận trên trang nhất, tờ Securities Times kêu gọi nhà đầu tư mới hãy lý trí và các nhà quản lý quỹ phải cân bằng giữa tăng trưởng tài sản và thành tích dài hạn. Mặt khác, các nhà bảo hiểm lớn không thực hiện rút tiền quy mô lớn trong đợt bán tháo, theo một báo cáo khác.

Các quỹ tương hỗ nhận được nhiều tiếng tốt sau khi đạt hiệu suất đánh bại thị trường trong 2 năm liên tiếp. Đồng thời, các nhà điều hành khuyến khích sự phát triển của các sản phẩm nuôi dưỡng văn hóa đầu tư dài hạn. Hơn 240 tỷ USD sản phẩm tập trung vào cổ phiếu đã được bán ra trong năm 2020, một mức kỷ lục trong ngành quỹ tương hỗ. Xu hướng này càng được đẩy nhanh trong năm 2021, trong đó các quỹ cổ phiếu được tung ra trong tháng 1-2/2021 huy động được 83 tỷ USD, theo Z-Ben Advisors.

Ngành công nghiệp 3 ngàn tỷ USD này dường như chẳng thể miễn nhiễm với tâm lý làm giàu nhanh chóng, trong đó các quỹ rót vốn vào cùng một nhóm cổ phiếu và đẩy định giá của chúng lên “tận cung trăng”. Chiến lược này mang lại hiệu suất cao khi thị trường tăng. Chỉ số CSI 300 đã leo dốc gần 20% trong 2 tháng và gần sát mức kỷ lục. Tuy nhiên, khi thị trường đi xuống, mức giảm cũng rất nhanh chóng và nặng nề.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc, nhà đầu tư cá nhân hoảng loạn rút vốn

Việc tập trung vào một nhóm nhỏ cổ phiếu không chỉ diễn ra ở Trung Quốc. Tại Mỹ, mức độ co cụm trên thị trường cổ phiếu quá cao trong những năm gần đây, tập trung chủ yếu vào 5 ông lớn công nghệ và Internet, nhóm FAANG. Điều này làm gia tăng sức nặng của các đại gia công nghệ.

Mối nguy cơ của việc đổ hết tiền vào một vài kẻ chiến thắng trong quá khứ có thể được thấy rõ qua hiệu suất từ quỹ Ark Investment Management của bà Cathie Wood. So với đỉnh ngày 12/02, quỹ ETF chính của Ark Investment Management đã giảm 23% sau khi tăng hơn 100% trong năm 2020.

Thế nhưng, ở Trung Quốc, cứ như thể hầu hết các quỹ đều theo một chiến lược duy nhất: Mua cổ phiếu vốn hóa của các hãng rượu lớn. Khi các cổ phiếu như Kweichow Moutai tăng vọt, hiệu suất của nhà đầu tư cũng tăng mạnh, tạo ra làn sóng mua theo từ một số nhà quản lý quỹ. Đây là một mảng kinh doanh tốt: Một quỹ cổ phiếu do E Fund Management tung ra hồi tháng 1/2021 thu hút 237 tỷ Nhân dân tệ (37 tỷ USD) vốn của nhà đầu tư – mức kỷ lục đối với một sản phẩm cổ phiếu tại Trung Quốc, theo Securities Times.

Khi thị trường bắt đầu đảo ngược, nhà đầu tư lại trở mặt. Zhang Kun được ca ngợi trên mạng xã hội như “Bạch mã Hoàng tử” và “anh trai Kun” sau khi quỹ E Fund Blue Chip Selected Mixed Fund của anh đạt hiệu suất 95% trong năm 2020, chủ yếu là nhờ đặt cược vào các nhà sản xuất rượu Trung Quốc. Khi quỹ của anh lao dốc – mất 21% trong tháng vừa qua – các nhà đầu tư bắt đầu chửi anh thậm tệ, gọi anh là “Kun the dog”.

Qi Youdi, một người nội trợ ở Ninh Ba, đầu tư 35,000 Nhân dân tệ vào quỹ đầu tàu của Kun vào đầu tháng 1/2021, trước khi bán ra toàn bộ chứng chỉ quỹ khi thị trường lao dốc.

“Tôi không mua bất kỳ sản phẩm quỹ nào ngay lúc này”, Qi cho biết. “Ai mà biết được thị trường có thể giảm tới đâu? Tôi chẳng biết điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới. Liệu thị trường con bò đã tới hồi kết? Thị trường con gấu đang tới? Thị trường con gấu thường kéo dài tại Trung Quốc và nếu còn kẹt hàng, bạn sẽ thua lỗ nặng”.

Chỉ số CSI 300 tăng 2.5% trong ngày 11/03, thu hẹp đà giảm so với đỉnh ngày 10/02 xuống gần 12%. Chứng khoán Trung Quốc đã lao dốc sau khi các quan chức cảnh báo về bong bóng tài sản và làm dấy lên lo ngại Trung Quốc sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong tương lai gần. Kweichow Moutai đã tăng 30% trong 6 tuần và lên mức định giá hơn 500 tỷ USD, nhưng sau đó đã giảm hơn 25% và nằm trong nhóm giảm mạnh nhất thế giới.

“Nhà đầu tư hoảng loạn khi thị trường lao dốc, nhất là những ai vừa mua sản phẩm quỹ cổ phiếu”, Anson Zhang, Chuyên viên quản lý đầu tư tại China Merchants Bank ở Thượng Hải, cho hay. “Một số rút tiền lại ngay khi thị trường giảm”.

Tâm lý mong manh của các khách hàng càng tạo thêm thách thức cho các nhà quản lý quỹ - vốn phải công bố thành tích hàng tuần. Khoảng 30% nhà đầu tư nắm giữ chứng chỉ quỹ chưa tới 1 tháng và 21% bán ra sau 1-3 tháng, theo một cuộc khảo sát từ tập chí tài chính Caixin.

Ant Group – vốn bán sản phẩm quỹ tương hỗ tới hơn 500 ngàn người trên ứng dụng Alipay – kêu gọi nhà đầu tư kiên nhẫn trong ngày 09/03 khi chỉ số CSI 300 chính thức giảm trong năm 2021.

“Nhà đầu tư nên bình tĩnh khi đối mặt với biến động”, Alipay cho biết trong lá thư đăng trên ứng dụng. “Sự dao động ngắn hạn của thị trường sẽ không làm ảnh hưởng tới giá trị dài hạn của khoản đầu tư cổ phiếu”.

He Qi tại quỹ Huatai-PineBridge Fund Management cho biết các nhà quản lý quỹ chẳng thể làm gì ngoài việc “để khách ra đi” khi nhà đầu tư phàn nàn về thành tích của quỹ.

Thế nhưng, dường như sức hấp dẫn của quỹ tương hỗ đã bị giảm đi phần nào.

“Niềm tin của nhà đầu tư đã vụn vỡ”, nhà quản lý quỹ này cho biết. “Tôi không cho rằng sẽ có thêm đợt đăng ký mua sản phẩm quỹ điên cuồng trong thời gian tới”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả