menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Anh Thơ

Chứng khoán trồi sụt bất thường: Để chứng khoán là kênh dẫn vốn thật sự

Cần thêm những giải pháp mang tính thị trường từ cơ quan quản lý để thị trường chứng khoán thật sự trở thành nơi huy động vốn của nền kinh tế, "chia lửa" với kênh tín dụng ngân hàng

Trong phiên giao dịch ngày 17-5, thị trường chứng khoán hồi phục mạnh, đem lại kỳ vọng cho nhà đầu tư và phản ánh phần nào những giải pháp gần đây của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xử lý nghiêm vi phạm về thao túng giá cổ phiếu... Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa đủ mà cần tiếp tục áp dụng biện pháp mang tính thị trường hơn.

Phát triển chứng khoán cơ sở, kiểm soát phái sinh

Những động thái kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán của cơ quan quản lý gần đây cần quan sát thêm để có cái nhìn thực chất. Có thể nói, trong 2 năm 2020 và 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá rất triển vọng và lạc quan, đặc biệt chứng khoán phái sinh được cơ quan quản lý ủng hộ và khuyến khích phát triển. Thậm chí, ở những thời điểm thị trường chứng khoán cơ sở "sập", dòng tiền đã chảy ồ ạt qua phái sinh.

Chứng khoán phái sinh ở nước ngoài là một công cụ tài chính nhằm phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo thêm lợi nhuận cho nhà đầu tư, một sản phẩm tạo thêm giá trị gia tăng cho nhà đầu tư. Ở Việt Nam, chứng khoán phái sinh cho phép nhà đầu tư đặt cược vào cửa tăng hoặc giảm của chỉ số VN30 (rổ có 30 mã cổ phiếu blue chips) - hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Thời gian qua, dường như chứng khoán phái sinh đang lấn lướt chứng khoán cơ sở, bị nhà tạo lập điều tiết khá nhiều, từ đó tác động tiêu cực ngược trở lại chứng khoán cơ sở.

Trước đây, việc chốt giá cổ phiếu cuối ngày ở phiên ATC là bình thường. Song, từ khi thị trường phái sinh bùng nổ, đã có những dấu hỏi rất lớn ở việc chốt giá ATC để đánh lướt sóng phái sinh, với một bên là số ít nhà đầu tư và một bên là nhóm công ty chứng khoán hoặc nhà tạo lập, có sự điều tiết chưa được công bằng mà phần thiệt nghiêng về nhà đầu tư cá nhân...

Với mục tiêu phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại là trở thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp và "chia lửa" với kênh tín dụng trung - dài hạn của ngân hàng, chứng khoán phái sinh chưa nên được phát triển quá mức. Bởi lẽ, nhà đầu tư đang dùng phái sinh để cá cược rủi ro, thay vì quản lý rủi ro đúng nghĩa của sản phẩm này. Do đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần nghiên cứu, có giải pháp kiểm soát chặt chứng khoán phái sinh, tránh tác động "vạ lây" tới thị trường cơ sở.

Đưa trái phiếu doanh nghiệp lên sàn

Với những đặc thù của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này, thay vì phát triển quá mức chứng khoán phái sinh, nên tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp và cho niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên sàn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, cung cấp vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế, thay vì phải dựa vào tín dụng ngân hàng. Thị trường này trước hết phải bảo đảm tính an toàn, có sự giám sát và không nên là những dạng phát hành riêng lẻ mà hướng tới đại chúng. Bởi lẽ, doanh nghiệp niêm yết rất cần vốn, cần được phát hành rộng rãi cho đại chúng để dần phát triển thành trái phiếu được trao đổi, mua bán trên sàn như cổ phiếu.

Bất cứ một sản phẩm đầu tư tài chính nào cũng phải có tính thanh khoản nên trái phiếu doanh nghiệp nếu niêm yết trên sàn sẽ bảo đảm lành mạnh. Ở Mỹ, lượng trái phiếu doanh nghiệp niêm yết gấp 3 lần cổ phiếu; còn Việt Nam dường như đang bỏ quên thị trường này. Nếu chỉ tạo ra một thị trường để mua đi bán lại cho nhà đầu tư kiếm lời thì chưa làm tròn vai trò của thị trường vốn. Trong năm 2021, có phiên giao dịch trên cả 3 sàn vượt 50.000 tỉ đồng nhưng số lượng phát hành cổ phiếu mới chỉ chiếm khoảng 3% tổng vốn hóa thị trường là quá ít ỏi, cần có giải pháp để cải thiện.

Đặc biệt, cần sớm cho phép giao dịch T0 trên chứng khoán cơ sở, để tạo sự công bằng và tránh thiệt hại cho nhà đầu tư cá nhân từ những thông tin bất cân xứng như hiện tại. Cụ thể, trong khi Việt Nam đang áp dụng giao dịch T3 cho chứng khoán cơ sở (mua cổ phiếu, 3 phiên sau mới bán được), nhà đầu tư có thể gặp rủi ro trong lúc chờ hàng về. Ngược lại, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nhà tạo lập... lại luôn có sẵn hàng trong kho vì quy mô vốn lớn, có thể bán bất cứ lúc nào.

Cần tách bạch giữa tự doanh và môi giới, bởi đây cũng là một dạng thông tin bất cân xứng. Khi công ty chứng khoán được giao dịch tự doanh, mỗi môi giới có hàng trăm, hàng ngàn nhà đầu tư, họ sẽ tư vấn cho nhà đầu tư mua vào một cổ phiếu - trong khi chính cổ phiếu đó đã được công ty này gom dần từ trước. Khi cổ phiếu được kéo giá lên, nhà đầu tư mua cuối sẽ là người "ôm bom" khi gặp rủi ro vì có thể bị "xả" bất cứ lúc nào. Do đó, để thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, cần hạn chế thông tin bất cân xứng này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
4 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại