Chứng khoán trên thị trường Mỹ ghi nhận tuần giao dịch khởi sắc
Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,33%, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,38%, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,13%.
Tuần qua, chứng khoán Phố Wall đã có một tuần khởi sắc giữa những hy vọng kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng tăng lãi suất.
Tính chung cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,33%, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,38%, kéo dài chuỗi tăng điểm lên bốn tuần, thời gian dài nhất kể từ giai đoạn tháng 7-8/2022. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi nhận tuần tăng thứ bảy liên tiếp, với mức tăng 0,13%.
Sau khi giảm điểm trong phiên đầu tuần 5/6, chứng khoán Phố Wall lấy lại đà tăng trong phiên 6/6. Phiên này, tâm lý của nhà đầu tư đã được cải thiện khi các nhà lập pháp Mỹ đồng ý thỏa hiệp về gói tài khóa để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu tài chính cũng ổn định sau sự sụp đổ của bốn ngân hàng khu vực hồi đầu năm.
Sang phiên 7/6, chứng khoán Mỹ biến động trái chiều sau khi Ngân hàng Trung ương Canada bất ngờ tăng lãi suất, làm giảm hy vọng về việc Fed sẽ ngừng tăng lãi suất vào cuối tháng này. Trong khi đó, số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và xuất khẩu của Mỹ giảm, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên 8/6, nhờ tâm lý lạc quan hơn của giới đầu tư về kinh tế Mỹ và quan điểm đồng thuận rằng Fed sẽ không nâng lãi suất vào tuần tới. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm 2023 đã giảm xuống.
Chứng khoán tăng điểm nhờ giới đầu tư lạc quan về kinh tế Mỹ
Theo công cụ Fedwatch của CMEGroup, giới giao dịch đang dự đoán xác suất Fed giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp sẽ diễn ra trong hai ngày 13-14/6 là 73%, nhưng xác suất Fed nâng lãi suất vào tháng Bảy là 50%.
Chứng khoán nối tiếp đà tăng trong phiên cuối tuần (9/6), sau khi một thỏa thuận tài chính lưỡng đảng liên quan đến trần nợ đã chấm dứt khả năng vỡ nợ của Mỹ. Chuyên gia Chris Low của tổ chức tài chính FHN Financial cho rằng thế bế tắc về trần nợ đã đè nặng lên thị trường nhiều hơn những gì mọi người có thể nhận ra.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,1% lên 33.876,78 điểm; chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,1% lên 4.298,86 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,2% lên 13.259,14 điểm.
Nhà phân tích Patrick O'Hare của trang phân tích thị trường chứng khoán Briefing.com nhận định đà tăng của thị trường chứng khoán trong tuần này một phần là nhờ kỳ vọng Fed sẽ không tăng lãi suất nữa vào tuần tới. Hiện thị trường đang chờ đợi quyết sách của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại cuộc họp tuần tới.
Bên cạnh đó, báo cáo giá tiêu dùng công bố ngày 13/6 tới vẫn đóng vai trò quan trọng đối với quyết định chính sách của Fed.
Rick Meckler, đối tác tại công ty đầu tư Cherry Lane Investments, cho biết tâm lý chung của thị trường đều dựa trên dự báo Fed sẽ tạm dừng các đợt tăng lãi suất, nhờ đó, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi trên diện rộng và có thể bắt kịp cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ có mức vốn hóa lớn đã dẫn đầu đà tăng từ đầu năm đến nay.
Giới đầu tư đang chờ đợi số liệu lạm phát của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 13/6.
Các nhà giao dịch cũng đang theo dõi tình hình Trung Quốc, khi theo các báo cáo, các nhà chức trách đã yêu cầu các ngân hàng lớn nhất đất nước hạ lãi suất tiền gửi để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh Trung Quốc đang phải vật lộn để phục hồi sau nhiều năm đóng cửa vì đại dịch COVID-19.
Các nhà phân tích cho biết một động thái như vậy có thể cho thấy ngân hàng trung ương Trung Quốc đang xem xét cắt giảm lãi suất ngay trong tháng này. Điều này được đưa ra khi ngày 7/6, số liệu xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 5/2023 và là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2023.
Chuyên gia Michael Hewson tại công ty tài chính CMC Markets cho rằng sự thận trọng của nhà đầu tư là điều dễ hiểu bởi những số liệu công bố ngày 7/6 của Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy triển vọng nhu cầu yếu, tại thời điểm lãi suất dường như sẽ tiếp tục tăng thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận