Chứng khoán toàn cầu tiếp tục biến động mạnh khi đánh giá tác động của biến thể Omicron
Thị trường toàn cầu đã có một tuần khó khăn và sự biến động dự kiến sẽ vẫn tiếp tục diễn ra khi các thị trường đánh giá tác động của biến thể Omicron có ảnh hưởng như thế nào đối với tăng trưởng, lạm phát và cuối cùng là chính sách của ngân hàng trung ương.
Francois Savary, giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản Prime Partners của Thụy Sĩ cho biết: “Chúng ta cần đợi 10 ngày tới để xem điều gì xảy ra với biến thể Omicron trước khi đưa ra bất kỳ động thái nào. Thị trường đã bị giáng một đòn mạnh và sẽ cần thời gian để phục hồi”.
Biến thể Omicron đã xuất hiện ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông và châu Âu và đã đến được bảy trong số chín tỉnh của Nam Phi. Nhiều quốc gia đã thắt chặt các quy tắc đi lại để kiểm soát sự lây lan của biến thể này.
Trong khi đó, dữ liệu về số việc làm tạo ra trong tháng 11 sẽ xác nhận rằng Cục Dự trữ Liên bang liệu sẽ đẩy nhanh tốc độ giảm dần chương trình mua trái phiếu như Chủ tịch Jerome Powell đã đề xuất trong tuần này.
Raphaël Gallardo, nhà kinh tế tại Carmignac cho biết: “Thị trường đang đánh giá ảnh hưởng của việc Mỹ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng chúng tôi tin rằng nền kinh tế thực tế ít nhạy cảm hơn vì bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình rất vững chắc”.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết ECB có thể đưa ra chính sách trong một thời gian tương đối ngắn tại cuộc họp tháng này do sự không chắc chắn tăng cao nhưng không nên trì hoãn quyết định vì thị trường cần xác định một xu hướng rõ ràng.
Tin tức về việc Didi bị hủy niêm yết tại New York cũng đã đè nặng lên tâm lý thị trường, đặc biệt là sau khi một gã khổng lồ gọi xe châu Á khác là Grab giảm 20% vào ngày đầu tiên niêm yết trên sàn Nasdaq. Cổ phiếu công nghệ Hồng Kông cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng.
Chủ tịch Fed đã bắt đầu thay đổi quan điểm về chính sách tiền tệ khi cho biết rằng Fed sẽ thảo luận về việc cắt giảm chương trình mua tài sản nhanh hơn tại cuộc họp trong tháng này. Điều đó đã làm dấy lên dự báo vào các đợt tăng lãi suất ngắn hạn và điều này có thể hạn chế tăng trưởng và lạm phát trong tương lai.
Bên cạnh đó, kỳ vọng về chính sách tiền tệ mang tính diều hâu hơn và Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6/2022 tới đã nâng chỉ số đồng USD với tuần tăng thứ sáu liên tiếp.
Đáng chú ý, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống gần mức thấp kỷ lục. Điều đó đã kích hoạt sự can thiệp của ngân hàng trung ương khi bán ra đồng USD sau khi cơ quan xếp hạng Fitch sửa đổi triển vọng của Thổ Nhĩ Kỳ từ "ổn định" thành "tiêu cực" trước những rủi ro do chính sách tiền tệ nới lỏng gần đây tạo ra.
Giá dầu cũng hồi phục trở lại sau khi nhóm các nhà sản xuất dầu OPEC+ cho biết có thể xem xét lại chính sách tăng sản lượng trong thời gian ngắn nếu nhu cầu dầu giảm do ảnh hưởng của các biện pháp phong toả ngày càng tăng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận