Chứng khoán tiếp tục rung lắc tích lũy, cổ phiếu BĐS phân hóa mạnh
Hàng loạt cổ phiếu bất động sản giảm giá sau khi công bố kết quả kinh doanh không được tốt.
Sau phiên giảm mạnh hôm 20/7, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra khá thận trọng và bước vào phiên giao dịch ngày 21/7. Các cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường đều có sự phân hóa mạnh và khiến các chỉ số biến động giằng co, tích lũy. Tuy nhiên, cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM đều kết thúc phiên giao dịch trong sắc xanh nhẹ.
Các cổ phiếu góp phần quan trọng trong việc giữ được sắc xanh của VN-Index và HNX-Index có VCB, VNM, ACB, VJC, NVL…, tuy vậy, mức tăng của các cổ phiếu này đều không quá mạnh, trong đó, VCB tăng 0,4% lên 82.500 đồng/cp, VNM tăng 0,3% lên 116.000 đồng/cp, ACB tăng 0,4% lên 24.600 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, áp lực vẫn còn rất lớn và đến từ các cổ phiếu như VHM, PLX, SAB, MSN, OCH, IDC… Đây là điều khiến VN-Index và HNX-Index đều không thể biến động tích cực hơn. VHM giảm 0,5% xuống 78.800 đồng/cp, PLX giảm 1,1% xuống 45.900 đồng/cp, SAB giảm 0,4% xuống 190.300 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra rất rõ nét ở ngay 4 “ông lớn” trong ngành. VRE và NVL tăng lần lượt 0,4% và 0,8%, trong khi đó, VHM giảm 0,5% còn VIC đứng giá tham chiếu.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, các mã như PFL, CII, NRC, KBC,… đều diễn biến tích cực, trong đó, NRC tăng 4,3%, CII tăng 3,4%, KBC tăng 2%, IDJ tăng 1,7%, SJS tăng 1,4%, TIG tăng 1,4%. Dù vậy, rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này lại giảm sâu như OCH, CIG, DXG, LDG, HQC, CEO… Trong đó, DXG giảm đến 5,1% xuống 10.150 đồng/cp và khớp lệnh 8,2 triệu cổ phiếu. DXG đã công bố BCTC quý II/2020 với việc lỗ ròng hơn 29 tỷ đồng – Quý lỗ đầu tiên của doanh nghiệp này sau gần 4 năm.
LDG giảm 3,8% xuống 5.900 đồng/cp. Về kết quả kinh doanh quý II, LDG cũng chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm đến 99% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp sau phiên giao dịch tích cực trước đó thì đến phiên 21/7 điều chỉnh trở lại. ITA giảm 1,4%, SNZ giảm 0,8%, SIP giảm 0,1%...
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,29 điểm (0,03%) lên 861,69 điểm. Toàn sàn có 164 mã tăng, 196 mã giảm và 66 ma đứng giá. HNX-Index tăng 0,37 điểm (0,32%) lên 116,09 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 71 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,12%) lên 57,36 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn giảm nhẹ so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 4.975 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 282 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.016 tỷ đồng. Dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh là TCH với 13 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, HQC, DXG, ITA và LDG là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất toàn thị trường phiên 21/7.
Khối ngoại tiếp tục gia tăng bán ròng với khoảng hơn 350 tỷ đồng trên hai sàn HoSE và HNX. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã VHM với giá trị 77,3 tỷ đồng. Ngoài ra, DXG, VRE và VIC là các cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh. Chiều ngược lại, KDC được mua ròng mạnh nhất với 12,4 tỷ đồng. Trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại có một cổ phiếu bất động sản là NVL với 4,7 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó chuyển basis âm lên thành basis dương nhẹ 0,3 điểm, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng diễn biến của thị trường phái sinh như trên cho thấy nhà đầu tư phái sinh đang lạc quan hơn về triển vọng thị trường.
SHS dự báo trong phiên giao dịch tiếp theo 22/7, VN-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục để hướng dần đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 890 điểm (MA200). Nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu tiếp tục quan sát thị trường và có thể canh bán ra nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 860 điểm (MA20-50) trong các phiên tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và chưa nên vội giải ngân do đây đã là sóng tăng cuối của chu kỳ hồi phục từ quanh ngưỡng 650 điểm đến nay.
Về thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,7% và 1,4%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,2% và 0,6%. Hang Seng của Hong Kong tăng 2,3%. ASX 200 của Australia tăng 2,6% trong khi NZX 50 của New Zealand tăng 1,6%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 0,5%, SET 50 của Thái Lan tăng 1,4%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 1,2% và KLCI của Malaysia tăng 0,4%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận