“Chứng khoán Philippines bị tụt lại phía sau vì không có bán khống”
Khi binh đoàn nhỏ lẻ quyết định đối đầu với các quỹ đầu cơ Phố Wall bằng cách bán khống cổ phiếu GameStop trong năm 2021, một người đàn ông lẳng lặng dõi theo cuộc đối đầu này ở phía bên kia bán cầu. Đó là Ramon Monzon, Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Philippines (PSE).
Ông Monzon đang thúc đẩy việc cho phép bán khống (short-selling) trên thị trường Philippines để thu hút dòng tiền ngoại. Tuy vậy, các cơ quan điều hành lại lo ngại một vài vấn đề, một trong số đó là nỗi sợ cơn sốt GameStop sẽ tái diễn ở Philippines.
“Họ (Ủy ban Giao dịch Chứng khoán) lo ngại sẽ xảy ra sự vụ như GameStop”, ông Monzon chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.
Thế là Monzon phải ra sức xoa dịu các cơ quan quản lý, giải thích rằng dòng vốn nước ngoài sẽ tăng tính thanh khoản trên sàn Philippines, đồng thời hiện đại hóa các dịch vụ trên sàn. Vị lãnh đạo PSE cho rằng các dịch vụ sản phẩm của Philippines đang tụt hậu so với các thị trường cùng cấp ở Đông Nam Á.
“Chúng ta bị tụt lại phía sau khá xa vì không có bán khống”, ông nói.
Bán khống là một chiến lược giao dịch cho phép nhà đầu tư đặt cược vào đà giảm của cổ phiếu. Trong đó, nhà đầu tư sẽ vay mượn cổ phiếu và bán ra, sau đó sẽ mua lại cùng lượng cổ phiếu đó để trả lại. Chiến lược này sẽ phát huy tác dụng nếu giá cổ phiếu giảm.
Chỉ số PSE – chỉ số chứng khoán chuẩn của Philippines – khép phiên ngày 12/05 ở mức 6,578.15 điểm, gần như không thay đổi quá nhiều so với mức cuối năm 2022 và giảm 27% so với đỉnh tháng 1/2018.
Trong khi đó, kinh tế Philippines phần lớn đã phục hồi trở lại sau cuộc suy thoái vì phong tỏa COVID-19 trong năm 2020, nhưng lạm phát cao và lãi suất tăng là những rủi ro đang đeo bám nền kinh tế này.
Ông Monzon cho biết với việc không có các phương án phòng hộ rủi ro, các nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ rời thị trường. Khoảng 275 tỷ Peso (4.92 tỷ USD) vốn nước ngoài đã rời thị trường Philippines trong giai đoạn 2018-2022, “thổi bay” phần lớn đà tăng từ năm 2009, theo dữ liệu từ CEIC Data.
Dòng vốn ngoại trên thị trường Philippines
“Thị trường của Philippines ‘chỉ có vị thế mua’. Như vậy, khi xảy ra điều bất ổn, nhà đầu tư nước ngoài sẽ bán và rời đi. Nếu không thì họ sẽ bảo vệ khoản đầu tư bằng cách nào?”, Monzon nhận định.
Các sàn chứng khoán ở Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã cho phép bán khống, trong khi Việt Nam đang cân nhắc về việc này.
Cuối năm2 109, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Philippines (SEC) đã thông qua các hướng dẫn về việc quản lý hoạt động vay và cho vay chứng khoán, cũng như hoạt động bán khống. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa đến đâu.
SEC đang xem xét việc để Công ty Lưu ký và Ủy thác Philippines (PDTC) đóng vai trò là đại lý vay và cho vay chứng khoán. Đây là bước cuối cùng trước khi thông qua việc cho phép bán khống, ông Monzon chia sẻ. PSE đã sẵn sàng chấp nhận bán khống sau khi PDTC được cho phép, ông nói.
Để giải quyết mối lo ngại trước đó của SEC về việc sử dụng tài sản nước ngoài như khoản thế chấp để vay cổ phiếu, ông Monzon cho biết việc sử dụng tài sản thế chấp ở nước ngoài sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước có người giám hộ ở Philippines. Họ lo ngại nhà đầu tư trong nước sẽ gặp rắc rối để truy đòi vì tài sản thế chấp được giữ ở nước ngoài.
“Tôi nhiều lần nói với SEC rằng đây là bước đầu tiên cần phải làm để thu hút nhà đầu tư nước ngoài”, ông Monzon cho biết. “Chúng ta cần các quỹ đầu cơ tham gia thị trường. Các quỹ đầu cơ đóng vai trò rất quan trọng ở bất kỳ thị trường nào”.
Vị chuyên gia này nói thêm kịch bản kiểu như GameStop – tức bán khống vượt quá 100% lượng cổ phiếu đang lưu hành – sẽ không xảy ra ở Philippines.
Theo quy định của PSE, chỉ 30 công ty bluechip trong chỉ số PSE được phép bán khống 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Ngoài ra, còn có quy định là giá cổ phiếu phải tăng trước khi cỏ phiếu được phép bán khống. Quy định này đang được xem xét.
Hoạt động bán khống hiện đang chịu sự giám sát nghiêm ngặt ở Mỹ khi nhóm cổ phếu ngân hàng khu vực bị bán khống nặng nề và tác động tới tâm lý của giới đầu tư. Một số chuyên gia Mỹ kêu gọi cấm bán khống, nhất là với nhóm cổ phiếu ngân hàng khu vực.
Tuy nhiên, ông Monzon – từng là một kế toán có bằng MBA từ Đại học Chicago – lại có cái nhìn khác. “Những kẻ bán khống mang tới sự tỉnh táo cho thị trường. Với tôi, bán khống là một sản phẩm rất tốt”, ông nói.
Ông dẫn lại trường hợp của tập đoàn năng lượng Enron của Mỹ. Trong năm 2001, tập đoàn này sụp đổ sau khi nhà bán khống nổi tiếng Jim Chanos giúp phơi bày những hành vi gian lận kế toán. Hay ở trường hợp của tập đoàn Adani của Ấn Độ, vốn hóa sụt mạnh sau vụ tấn công của nhà bán khống Hindenburg Research. Công ty này cáo buộc Adani “thao túng cổ phiếu và gian lận kế toán”, trong khi Adani phủ nhận các cáo buộc này.
Monzon cho biết, các công ty bluechip của Philippines đều đồng ý với phương án cho phép bán khống. Phần lớn công ty này được hậu thuẫn bởi các tập đoàn gia đình có sức ảnh hưởng lớn tại Philippines.
Monzon nói: “Nếu công ty của bạn là một công ty vững chắc và chính trực, thì sao phải lo lắng”.
Việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại Manila đóng vai trò rất quan trọng đối với sàn giao dịch Philippines khi sàn này khuyến khích các công ty vừa và lớn niêm yết cổ phiếu lên sàn.
Ông Monzon dự kiến sẽ có 14 công ty niêm yết lên sàn trong năm nay, tăng từ 9 công ty vào năm 2022, bao gồm cả các công ty vốn hóa tầm trung.
Với các chuyên viên phân tích, cho phép bán khống là một động thái tích cực.
"Cho phép bán khống là một cách khác để nhà giao dịch/nhà đầu tư tham gia vào thị trường, từ đó làm tăng khối lượng giao dịch, cải thiện tính thanh khoản, đồng thời giải quyết một trong những mối quan ngại chính của nhà đầu tư nước ngoài về thị trường của chúng tôi”, Bernhard Tsai, Giám đốc điều hành của BDO Securities, chia sẻ.
Chủ tịch Maybank Securities Philippines Alexander Dauz đồng tình với quan điểm trên, nhưng cảnh báo: "Thị trường có thể biến động mạnh hơn khi các nhà đầu tư có thể đặt cược ở cả hai chiều trên thị trường”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận