Chứng khoán ngày 18/3: Nhọc nhằn chạm mốc 1.200 điểm
Lần đầu tiên kể từ khi xác lập đỉnh lịch sử vào ngày 9/4/2018, VN-Index kết phiên ở mốc 1.200 điểm, dù từng có vài lần chạm đến ngưỡng này nhưng không thể duy trì đến lúc đóng cửa.
Phiên ATC làm nên lịch sử: Cổ phiếu hai ông lớn vốn hóa vọt tăng
Chưa đến 13h30, số lượng lệnh vào được hệ thống đã có dấu hiệu chậm lại. Trong khi thanh khoản sàn HoSE cả ngày đạt 15.407 tỷ đồng, giá trị giao dịch trong hơn một tiếng cuối cùng chỉ đạt vỏn vẹn hơn 900 tỷ đồng, riêng phiên ATC là 400 tỷ đồng. Dù thanh khoản thấp trong khoảng thời gian này, một số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm đã đẩy VN-Index từ mức 1.197 điểm (kết thúc phiên khớp lệnh định kỳ) lên 1.200,94 điểm vào thời điểm đóng cửa.
Đây cũng là mức giá cao nhất phiên, đồng thời, là lần đầu tiên chỉ số đóng cửa đạt ngưỡng tâm lý 1.200 điểm trong gần ba năm qua.
Cổ phiếu của hai tổ chức vốn hóa thị trường lớn nhất trên sàn và một loạt cổ phiếu ngân hàng là yếu tố chính kéo chỉ số tăng. Cổ phiếu Vingroup (VIC) bất ngờ nhảy tăng thêm 600 đồng so với mức giá phiên khớp lệnh liên tục liền trước, đóng cửa tại 106.600 đồng/cổ phiếu. VCB đóng cửa tại 97.500 đồng/cổ phiếu, tăng 1,99%. Đây đều là mức cao nhất trong phiên của hai ông lớn này.
Tính trong cả phiên 18/3, top 5 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào mức tăng của VN-Index là VCB, BID, VIC, TCB và VNM.
Hầu hết các cổ phiếu ngành tài chính gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm đều tăng giá. 15/18 cổ phiếu ngân hàng tăng giá, trừ VIB, tân binh BacABank (BAB) giảm và HDB đứng giá tham chiếu. Trong nhóm VN-30, 3 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất đều là các ngân hàng, gồm TCB (+4,09%), BID (+3,93%), VPB (+2,8%).
HNX-Index tăng 0,34% lên 277,48 điểm cũng phần lớn nhờ cổ phiếu SHB tăng 3,17% lên 19.500 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản ở mức cao với giá trị giao dịch trên HNX đạt 2.715 tỷ đồng.
Dù phần lớn dựa vào cú bật bất ngờ của một số trụ cột trong phiên ATC, VN-Index chính thức có một phiên giao dịch đóng cửa ở mốc 1.200 điểm sau gần 3 năm. Nhiều lần chỉ số này chạm được vào ngưỡng tâm lý nhưng không duy trì được đến thời điểm đóng cửa.
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 20 liên tiếp
Thanh khoản trên sàn HoSE giảm nhẹ, có thể do tâm lý thận trọng ở vùng giá cao. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 20 liên tiếp tại sàn giao dịch này, nhưng điểm tích cực là giá trị bán ròng đã thu hẹp (349,73 tỷ đồng). Cùng đó, khối ngoại cũng mua ròng trên HNX (120 triệu đồng) và UPCoM (5 tỷ đồng).
Các cổ phiếu bị bán ra mạnh nhất là CTG (159 tỷ đồng), MSB (112 tỷ đồng), VNM (92 tỷ đồng) hay HPG (53 tỷ đồng). Tuy nhiên, dòng tiền khối nội vẫn đủ cân lực bán chốt lời từ các nhà đầu tư nước ngoài. Toàn bộ 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất đều tăng giá, như CTG tăng tới 2,4%.
Một thông tin được giới đầu tư chú ý gần đây liên quan đến kịch bản tín dụng mà NHNN xây dựng. Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, trong kịch bản dịch Covid tại Việt Nam dừng ngay trong quý I và tiêm chủng vaccine đại trà, tăng trưởng tín dụng được dự báo ở mức 12-13%, tối đa có thể lên 14%. Còn kịch bản 2 là trường hợp Covid kéo dài đến tháng 6 mới kết thúc, Việt Nam vẫn tiếp tục phải thực hiện giãn cách xã hội, phải chờ tiêm vaccine thì tín dụng có thể tăng khoảng 10-12%. Kịch bản 3 là Covid kéo dài đến hết năm, tín dụng tăng 7-8%.
Bất chấp một năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh ngành ngân hàng vẫn đạt được kết quả khả quan, khiến giới đầu tư có cơ sở cho một mùa đại hội cổ đông “hái trái ngọt” của ngành thời gian tới. Theo tài liệu họp được công bố những ngày qua, khá nhiều ngân hàng đã mạnh tay chia cổ tức cao như VIB chia cổ phiếu thưởng 40%, MSB dự định chia cổ tức tối đa 30% cho năm 2020, ít nhất 15% năm 2021 (trả vào năm 2022); OCB chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%; ACB cũng chia cổ tức 25% cho cả năm 2020 và 2021; SHB chi trả cổ tức 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020… Cổ tức của BIDV năm nay vừa được duyệt tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên là 12,2%, trong khi các năm trước chỉ quanh mức một con số.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận