Chứng khoán năm 2023: Những điều đọng lại
Thị trường chứng khoán đang bước vào tháng cuối cùng của năm 2023. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhận diện những điểm nhấn ấn tượng nhất của năm này trong mắt các nhà đầu tư.
“Cổ đất khởi nghĩa”
Theo bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, có hai diễn biến để lại ấn tượng lớn.
Thứ nhất là thanh khoản vẫn được duy trì tốt: Trung bình 10.000 tỷ đồng/phiên, với trung bình 800 triệu cổ phiếu khớp lệnh/phiên. Cao điểm là 20.000 tỷ đồng với 1,2 tỷ cổ phiếu/phiên. Tuy con số này là chưa cao như năm 2022, nhưng đây là vùng thấp của chỉ số và với giá trị giao dịch và thanh khoản này, thì đây là điều tích cực, vì nguyên tắc của thị trường là điểm số càng tăng, giá cổ phiếu tăng thì nhiều nhà đầu tư mới quan tâm và tham gia vào thị trường, từ đó giá trị giao dịch và thanh khoản tăng. Như vậy, trong năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được sự quan tâm của các tổ chức, các quỹ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thứ hai là câu chuyện “Cắm cờ trên đất Mỹ" với sự kiện niêm yết thành công bước đầu của Vinfast (VFS). Đây là tiền đề cho các doanh nghiệp Việt Nam khác vươn tới quy chuẩn quốc tế, niêm yết nước ngoài với mục đích tiếp cận được các thị trường vốn lớn trên thế giới.
Về nhóm ngành, năm qua, nhóm cổ phiếu địa ốc đã cho thấy được vai trò quan trọng của mình, khẳng định vị thế của nhóm có vốn hoá lớn thứ 2. Cụ thể, thị trường trải qua 12 tháng từ tháng 11/2022 đến tháng 11/2023 đã có một nhịp tăng của chỉ số VN-Index từ 874 điểm lên 1245 điểm. Trong đó, dẫn dắt của đợt tăng giá này là sự phục hồi rất ấn tượng về giá của nhóm cổ phiếu bất động sản, sau khi giảm rất mạnh mất đến 80% - 90% thị giá trong nửa cuối năm 2022. Các đợt tăng, giảm điều chỉnh của chỉ số VN-Index trong năm 2023 cũng đi theo sự tăng giảm của nhóm cổ phiếu này.
Bà Lan Anh cho rằng, với việc đang có một đáy đôi dài hạn được kéo dài trong 12 tháng (tháng 11/2022 - 11/2023), trong 2 - 3 năm tới, thị trường sẽ có những diễn biến tích cực, đặc biệt là khi triển vọng nâng hạng thị trường được kỳ vọng đến trong năm 2025.
“Cổ chứng” đột khởi
Cũng đưa ra góc nhìn về ấn tượng thị trường năm 2023, TS. Hồ Sỹ Hoà, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, năm 2023 có khá nhiều điểm nhấn. Tháng 3, chứng kiến lượng tài khoản chứng khoán vượt mốc 7 triệu tài khoản. Đến tháng 8, giao dịch trên thị trường diễn ra rất sôi động khi thanh khoản giao dịch trên HOSE lần đầu vượt mốc 20.000 tỷ đồng/phiên sau hơn 1 năm, VN-Index tăng hơn 23%. Cũng trong tháng 8, đánh dấu một doanh nghiệp Việt Nam, Vinfast lần đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế (sàn Nasdaq của Mỹ), vươn tầm ảnh hưởng lên phạm vi toàn cầu sau nhiều năm nỗ lực.
Ảnh: Shutterstock.
Tuy nhiên theo ông Hoà, điều làm ông ấn tượng hơn cả đó chính là độ nhạy của thị trường với chính sách tiền tệ trong năm. Thị trường “hưng phấn” tăng mạnh sau động thái cắt giảm lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, thị trường cũng phản ứng tiêu cực hơn khi có động thái hút tiền từ Ngân hàng Nhà nước để ổn định tỷ giá. Giai đoạn hiện tại, sau khi Ngân hàng Nhà nước ngừng hút tiền, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã ổn định trở lại, diễn biến thị trường chứng khoán tiếp tục có sự hồi phục tích cực.
Về diễn biến nhóm ngành, theo ông Hoà, năm 2023 là một khoản thời gian rực rỡ nhất của nhiều nhóm ngành, với mức tăng mạnh mẽ so với đầu năm. Trong đó, chứng khoán tăng 120%, xây dựng dân dụng tăng 86%, thép tăng 60% và cảng biển tăng 62%…
Trong số này, ông Hoà ấn tượng nhất với diễn biến của nhóm chứng khoán với mức tăng lên đến hơn 80% - 120%.
“Với bối cảnh vĩ mô được dự báo tích cực trong năm 2024, chúng ta kỳ vọng sẽ còn nhiều dư địa cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung, cũng như nhóm ngành này nói riêng”, ông Hoà cho biết thêm.
Dòng tiền kỳ vọng
Theo ông Đình Chương, Giám đốc DC Stock, năm 2023, hai nhóm ngành đem lại mức tăng ấn tượng đó là nhóm chứng khoán và nhóm bất động sản.
Đặc điểm của 2 nhóm này thường mang tính đầu cơ cao và biến động thường cùng với xu hướng với thị trường. Đa phần các cổ phiếu trong 2 nhóm ngành này đều có mức tăng rất ấn tượng, nhiều cổ phiếu như VCI, DIG tăng hơn 200% từ vùng đáy. Tuy nhiên, thị trường cũng nhanh chóng giảm điểm khi có nhiều những áp lực từ các yếu tố trong nước và thế giới. Xu hướng chung trong khoảng 3 tháng qua đối với 2 nhóm ngành này cũng giảm khá lớn, có lúc giảm sâu nhất khi mất đến 30% giá trị.
Ảnh: Shutterstock.
“Hai nhóm này tăng mạnh chủ yếu đến từ tâm lý kỳ vọng của nhà đầu tư sẽ có một đợt uptrend như năm 2021 - 2022 nên dòng tiền đổ dồn vào các nhóm ngành này rất nhiều và cũng đến từ tâm lý kỳ vọng ngành bất động sản được giải cứu. Tuy nhiên, thực tế tình hình hoạt động kinh doanh của nhóm chứng khoán và bất động sản cũng chưa có nhiều sự cải thiện, nên khi tâm lý không đúng như kỳ vọng ngay lập tức sẽ bị bán tháo. Điều này thường xuyên diễn ra tại thị trường chứng khoán Việt Nam vì có đến hơn 85% là nhà đầu tư cá nhân”, ông Chương lý giải thêm.
Nhìn nhận về triển vọng thị trường thời gian tới, ông Chương cho rằng, chỉ còn khoảng 1 tháng cuối năm nên khả năng cao sẽ không có nhiều thông tin ảnh hưởng đến thị trường, có thể thị trường sẽ rơi vào vùng trũng thông tin với xu hướng đi ngang trong biên độ 1.120 - 1.020 là chủ đạo.
Trong năm 2024, khi nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn khó khăn, chính sách tiền tệ dễ thở hơn, sẽ tốt cho nền kinh tế và từ đó sẽ tác động tích cực đến thị trường.
Về thị trường trong năm 2024, theo ông Chương, câu chuyện nâng hạng và KRX chắc hẳn sẽ được nhiều nhà đầu tư chờ đợi khi đây là động lực tăng trưởng chính cho toàn thị trường và hướng tới quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách của các nhà quản lý, yếu tố công nghệ thì mới có thể được triển khai nhanh.
“Với những định hướng như hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng song hành với tín dụng ngân hàng. Do vậy, khả năng năm 2023 sẽ là năm bản lề và năm 2024 sẽ là năm thị trường chứng khoán ổn định khi nhiều yếu tố về tiền tệ, vĩ mô đang ủng hộ”, ông Chương nhận định.
“Cá con” làm nên chuyện
Ở một góc nhìn khác khi đánh giá về diễn biến thị trường năm qua, Trung tâm Phân tích Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, sự trở lại của nhà đầu tư cá nhân là điểm nhấn đáng chú ý nhất của năm.
Trong giai đoạn đầu năm, nhóm nhà đầu tư cá nhân chủ yếu bán ròng thì bước sang tháng 5, nhóm này đã mua ròng 20.954 tỷ đồng và chiếm 86% tỷ trọng giao dịch của toàn thị trường, tăng 5,95% so với khoảng thời gian trước. Sự hưng phấn của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp VN-Index kéo dài chuỗi tăng điểm đi kèm thanh khoản quý III/2023 cải thiện rõ rệt với mức giao dịch trung bình cả 3 sàn đạt 24.509 tỷ đồng/phiên, tăng 117% so với quý I/2023.
Theo BSC, dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân đang là động lực và là điểm sáng trong việc dẫn dắt thị trường chứng khoán từ tháng 5 năm 2023, trong khi khối ngoại đảo chiều bán mạnh từ quý II năm nay. Dòng tiền nội cũng giúp giao dịch diễn ra sôi động, thanh khoản trên VN-Index tính đến tháng 10 năm 2023 đã ghi nhận 47 phiên đạt giá trị giao dịch trên 20.000 tỷ đồng/phiên. Đặc biệt, trong phiên giao dịch gần nhất ngày 9/11, giá trị giao dịch trên HOSE đã hồi phục và đạt 21.951 tỷ đồng, sau nhịp điều chỉnh mạnh của VN-Index khiến thanh khoản suy giảm.
Dự báo triển vọng thị trường, BSC cho rằng, bước sang năm 2024, trong kịch bản tích cực, VN-Index trên 1.360 điểm; trong kịch bản tiêu cực, VN-Index dưới 1.200 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận