Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc khi Ukraine bên miệng hố chiến tranh
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 18/2 đồng loạt đi xuống khi nguy cơ chiến tranh Nga - Ukraine đang cận kề, khiến nhà đầu tư rời bỏ những tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 233 điểm, tương đương 0,68%, và đóng cửa ở 34.079 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite đi xuống mạnh hơn với mức giảm lần lượt là 0,72% và 1,23% trong phiên cuối tuần.
Tính chung cả tuần qua, ba chỉ số cùng mất hơn 1%. Như thể hiện trong biểu đồ sau đây, thị trường chứng khoán Mỹ thiệt hại nặng nề nhất trong hai phiên gần đây. Ngày 17/2, Dow Jones có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu năm 2022.
Theo CNBC, căng thẳng tiếp diễn giữa Nga và Ukraine tiếp tục là nhân tố chi phối diễn biến thị trường. Tờ Wall Street Journal giữa ngày 18/2 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Nga có thể sẽ tấn công trong vài ngày tới. Theo NBC News, Tổng thống Joe Biden có thể sẽ đưa thêm quân đội tới gần Ukraine.
"Chúng tôi có lý do để tin rằng các lực lượng Nga đang lên kế hoạch và dự định tấn công Ukraine trong tuần tới, trong vài ngày tới", ông Biden phát biểu tại Nhà Trắng. "Chúng tôi tin rằng Nga sẽ nhắm tới thủ đô Kiev của Ukraine, một thành phố với 2,8 triệu dân thường vô tội".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu tại Liên Hợp Quốc ngày 17/2 đã cảnh báo tình hình hiện đang ở trong "thời khắc sinh tử".
CNBC dẫn lời ông Edward Moya, nhà phân tích tại công ty môi giới Oanda nhận xét: "Các nhà đầu tư đang không dám nắm giữ tài sản rủi ro khi căng thẳng giữa Phương Tây và Nga có nguy cơ dẫn tới chiến tranh trên mặt đất. Wall Street sẽ biến động thất thường cho đến khi các bên xuống thang đáng kể".
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 18/2 biến động đặc biệt mạnh khi lượng quyền chọn và hợp đồng tương lai với cổ phiếu, chỉ số và quỹ ETF trị giá hàng nghìn tỷ USD đồng loạt đáo hạn. Hợp đồng quyền chọn thường đáo hạn vào ngày thứ Sáu thứ 3 của tháng và có thể khiến các chỉ số lên xuống thất thường khi các vị thế được đóng lại.
Cổ phiếu của hãng sản xuất chip Intel là mã giảm mạnh nhất Dow Jones khi mất 5,3%. Bank of America tiếp tục đưa ra khuyến nghị kém khả quan về cổ phiếu này.
Công nghệ là nhóm cổ phiếu đi xuống mạnh nhất thị trường phiên 18/2 khi giảm 1,1%. Như thể hiện trong biểu đồ sau, 10/11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều giảm điểm, chỉ có một ngành tăng nhẹ.
Bên cạnh biến động địa chính trị, nhà đầu tư cũng đang e sợ vì chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ông James Bullard, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, mới đây đã kêu gọi Fed mạnh tay nâng lãi suất và cảnh báo nếu không làm vậy thì lạm phát có thể "vượt khỏi tầm kiểm soát".
Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York thì cho rằng không có lý do nào thực sự thuyết phục để tăng lãi suất quá mạnh trong giai đoạn đầu nhưng Fed có thể tăng tốc về sau. Biểu đồ sau đây cho thấy lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Ông Rich Bernstein, CEO của công ty tư vấn Richard Bernstein Advisors nói: "Cho dù nhà đầu tư có nhìn vào địa chính trị, thị trường lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng thì rồi cuối cùng mọi thứ đều dẫn đến một tâm điểm duy nhất là lạm phát".
Nếu chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, giá dầu khí, lương thực, phân bón và nhiều loại hàng hóa khác sẽ tăng vọt, làm trầm trọng thêm vấn đề làm phát và khiến nhiệm vụ của Fed càng thêm khó khăn.
Theo Vietnambiz
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận