Chứng khoán Mỹ sập có thể khiến ông Trump chùn bước
Ông Trump coi thị trường chứng khoán là thước đo thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên. Một số chuyên gia cho rằng nếu thị trường phản ứng dữ dội với các chính sách có nguy cơ gây lạm phát, ông Trump có thể sẽ chùn bước hoặc từ bỏ những kế hoạch đó.
Áp lực từ thị trường chứng khoán
Ông Donald Trump đang chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ hai với những đề xuất táo bạo về thuế quan, chính sách nhập cư và ngân hàng trung ương. Nhiều khả năng các kế hoạch của ông Trump sẽ nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ, bởi Đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện từ năm 2025.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ quy mô 50.000 tỷ USD có thể khiến ông Trump ngần ngại tiến hành những ý tưởng gây tranh cãi nhất.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump chú ý cao độ đến các động thái của thị trường, coi chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones là thước đo thời gian thực cho thành công của bản thân. Ông thường xuyên đăng tweet về các cột mốc của chứng khoán Mỹ, bất kể chúng nhỏ nhặt hay quan trọng.
Gần đây hơn, các nguồn tin chia sẻ với CNN rằng ông Trump “cực kỳ phấn khích” khi thị trường tăng vọt sau khi ông tái đắc cử.
Theo tờ CNN, nếu chứng khoán mất đà do một đề xuất của ông Trump - ví dụ như thuế quan cao không tưởng đối với hàng hoá Trung Quốc hay nỗ lực can thiệp mạnh mẽ vào Cục Dự trữ Liên bang (Fed) - có thể khiến ông chùn bước hoặc từ bỏ hoàn toàn kế hoạch đó.
Ông Isaac Boltansky, Giám đốc viện nghiên cứu chính sách tại BTIG, bình luận: “Tôi không nghĩ Quốc hội hay các tòa án sẽ hạn chế quyền hành của ông Trump. Thực thể duy nhất có sức ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của ông Trump là thị trường chứng khoán”.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chứng khoán Mỹ từng nhiều phen náo loạn, một phần do lo ngại của nhà đầu tư về chính sách thương mại của vị tổng thống.
Ví dụ, trong tháng 12/2018 thị trường rúng động bởi nỗi lo về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Các nguồn tin nói với CNN rằng diễn biến đó đã khiến ông Trump nóng lòng đạt được thỏa thuận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp mặt ở Argentina.
Và khi thấy giá cổ phiếu vẫn chưa phục hồi, ông Trump trở nên lo lắng rằng đà lao dốc của thị trường có thể gây thiệt hại cho ông về mặt chính trị.
Câu chuyện trên có thể tái diễn vào năm 2025 bởi ông Trump hứa hẹn sẽ áp thuế quan 60% lên Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và là nguồn cung cấp quan trọng cho các doanh nghiệp nước này.
Hàng loạt nhà kinh tế cảnh báo rằng mức thuế quan đề xuất 60% với Trung Quốc và 10 - 20% với mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ gây áp lực lạm phát đáng kể.
Ông Ed Mills, nhà phân tích chính sách của ngân hàng đầu tư Raymond James, nhận xét: “Ông Trump chú ý tới các thước đo độc lập. Và thước đo độc lập lớn nhất với thành công của ông ấy là thị trường chứng khoán. Thị trường giống như cơ chế bầu cử hàng ngày, có tiềm năng kiềm chế các chính sách mạnh bạo nhất của ông ấy”.
Nhưng không phải ai cũng tin rằng thị trường sẽ trở thành rào cản đối với các tham vọng của ông Trump.
Ông Jeffrey Sonnenfeld, nhà sáng lập Yale Chief Executive Leadership Institute, nhận xét: “Khả năng ông Trump dao động bởi phản ứng tiêu cực của thị trường chứng khoán là 0%. Nếu chuyện xấu xảy ra, ông ta sẽ đổ lỗi cho những người khác - Đảng Dân chủ, các công ty dược phẩm, công ty công nghệ”.
Nguy cơ trái phiếu Mỹ mất giá
Lúc này, tâm điểm của sự chú ý đang chuyển sang thị trái phiếu. Khác thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu không ăn mừng kết quả cuộc bầu cử tổng thống. Giá trái phiếu sụt giảm kéo lợi suất lên cao, một phần bởi nỗi lo các chính sách của ông Trump sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng thêm hàng nghìn tỷ USD và hâm nóng lạm phát.
Nếu lợi suất tăng quá cao, chúng có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm tốc bởi doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều chi phí vay nợ hơn.
Tuy ông Trump muốn mạnh tay hạ thuế suất và gia hạn chương trình giảm thuế doanh nghiệp từ năm 2017, thị trường trái phiếu có thể có kế hoạch khác. Nếu các nhà đầu tư trái phiếu phản ứng dữ dội với rủi ro thâm hụt ngân sách tăng vọt, nỗ lực thu hút sự ủng hộ từ Quốc hội của ông Trump có thể gặp thất bại.
Nhà nghiên cứu chính sách Boltansky bình luận: “Các nhà đầu tư sẽ lên tiếng, bắt đầu từ thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư sẽ cho chúng ta biết họ có sẵn sàng mua những khoản nợ mà Mỹ phát hành hay không”.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra nếu giới đầu tư và các CEO phản đối kế hoạch trục xuất hàng triệu lao động nhập cư trái phép của ông Trump. Tuy nhiên, không ai có thể nói trước thị trường phải phản ứng dữ dội đến mức nào thì ông Trump mới đổi ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận