Chứng khoán Mỹ giằng co khi giới đầu tư lo gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD chậm trễ
Thị trường vừa lạc quan về kết quả kinh doanh của các công ty lớn, vừa lo lắng về quy mô và thời điểm của kế hoạch kích cầu
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ không giữ được toàn bộ thành quả tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (25/1), nhưng S&P 500 và Nasdaq vẫn đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới.
Phiên này, nhà đầu tư vừa lạc quan về loạt báo cáo kết quả kinh doanh mà các công ty lớn dự kiến công bố trong tuần này, nhưng đồng thời cũng lo lắng về quy mô và thời điểm của kế hoạch kích cầu.
Theo hãng tin Reuters, sự chú ý của giới đầu tư đang hướng tới Thượng viện Mỹ. Các thượng nghị sỹ đặt mục tiêu thông qua gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của tân Tổng thống Joe Biden trước khi cuộc xét xử về luận tội cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu diễn ra vào đầu tháng 2. Tuy nhiên, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện, nghị sỹ Dân chủ Chuck Schumer, ngày 25/1 cảnh báo rằng gói kích cầu khó có thể được thông qua trong khoảng thời gian 4-6 tuần tới.
Thông tin này ngay lập tức kéo các chỉ số chứng khoán Phố Wall đi xuống.
Ngoài ra, các quan chức trong chính quyền của ông Biden cũng đang cố gắng xoa dịu mối lo của một số nghị sỹ Cộng hòa cho rằng kế hoạch 1,9 nghìn tỷ USD là quá đắt đỏ.
"Nhân tố thực sự hỗ trợ thị trường hiện nay chính gói kích cầu. Thị trường yêu thích việc bơm tiền, dù đó là chính sách tài khóa hay tiền tệ. Hiện giờ, họ có cả hai thứ này. Nếu thiếu đi một thứ, đó sẽ là vấn đề", nhà giao dịch Joe Saluzzi thuộc Themis Trading phát biểu với Reuters.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,12%, còn 30.960 điểm. S&P 500 tăng 0,36%, đạt 3.855,36 điểm. Nasdaq tăng 0,69%, đạt 13.635,99 điểm.
Trong phiên, có lúc Nasdaq tăng tới 1,4%, đạt mức kỷ lục trong phiên. Kết quả kinh doanh khả quan mà Netflix công bố vào tuần trước đến phiên này vẫn phát huy hiệu ứng đưa các cổ phiếu công nghệ lớn khác gồm Microsoft, Facebook và Apple tăng giá mạnh.
Dù có lúc đuối đi, S&P và Nasdaq vẫn giữ được sắc xanh vào cuối phiên và chốt ở mức cao kỷ lục, sau khi ông Biden công bố kế hoạch thúc đẩy ngành sản xuất trong nước thông qua hoạt động mua hàng của Chính phủ Mỹ.
Tuần trước, các chỉ số chính của Phố Wall đều lập kỷ lục nhờ lạc quan về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế và tiến trình phân phối vaccine Covid-19 diễn ra trơn tru trên toàn nước Mỹ - đất nước hiện có hơn 175.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày và hàng triệu người mất việc vì đại dịch.
Phiên đầu tuần, những nhóm cổ phiếu ngành thuộc S&P 500 có các cổ phiếu tăng trưởng vốn hóa lớn, như công nghệ và dịch vụ truyền thông, đều đóng cửa ở mức kỷ lục. Trái lại, những nhóm gần đây tăng mạnh nhờ hy vọng kinh tế hồi phục - như tài chính, năng lượng và nguyên vật liệu cơ bản - lại là những nhóm giảm mạnh nhất.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,33 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,12 lần.
Có tổng cộng 16,37 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành cộng, so với mức bình quân 13,21 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận