Chứng khoán lo ngại tăng trưởng kinh tế quý 3 trước biến số bất định Covid-19
Chỉ số PMI và chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức thấp là dự báo sớm cho thấy tăng trưởng kinh tế của Quý 3 sẽ không khả quan. Hàng loạt công ty chứng khoán và tổ chức nghiên cứu đã điều chỉnh dự báo và dự kiến những kịch bản xấu...
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư quay lại Việt Nam từ cuối tháng 4 với tốc độ siêu lây nhiễm, số ca nhiễm theo ngày liên tục lập kỷ lục. Tính đến thời điểm hiện tại ngày 4/8, cả nước ghi nhận hơn 181.000 ca, 2.327 ca tử vong. Dù không thể định lượng chính xác thiệt hại kinh tế gây ra song nhiều con số thống kê đã cho thấy đại dịch đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Nhận định về triển vọng kinh tế, nhiều tổ chức thế giới cùng các công ty chứng khoán đồng loạt đưa ra kịch bản tiêu cực cho vĩ mô quý 3 và cả năm 2021.
LO NGẠI KINH TẾ QUÝ 3 TĂNG TRƯỞNG ÂM?
Cụ thể, trong báo cáo nhận định về kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường chứng khoán tháng 8/2021, chứng khoán Agriseco cho rằng, ba động lực tăng trưởng kinh tế đang gặp trở ngại: Tình trạng nhập siêu đang diễn ra trong các tháng gần đây; bán lẻ ảnh hưởng bởi đại dịch Covid; giải ngân đầu tư công vẫn chưa theo kịp tiến độ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang chịu ảnh hưởng mạnh nhất do ảnh hưởng của đại dịch. Dự báo xu hướng thu hẹp sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng tới. Lĩnh vực sản xuất tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn và chi phí đầu vào tăng mạnh. Dự báo tháng 8 PMI có thể tiếp tục dưới 50 điểm thể hiện sự suy thoái do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường.
Mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% là một thách thức lớn và khả năng chỉ hoàn thành nếu tình dịch bệnh sớm được kiểm soát cùng với các giải pháp đồng bộ của Chính phủ
“Làn sóng Covid lần thứ 4 khiến đà hồi phục kinh tế bị chững lại thể hiện qua nhiều chỉ tiêu. Chỉ số PMI và chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức thấp là dự báo sớm cho thấy tăng trưởng kinh tế của Quý 3 sẽ không khả quan, thậm chí đối diện với tình trạng tăng trưởng âm nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp”, Agriseco nhấn mạnh. Đồng quan điểm, trong báo cáo chiến lược thị trường 6 tháng cuối năm 2021, Chứng khoán Bản Việt cho rằng sự gia tăng của các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở các tỉnh phía Nam - đặc biệt là ở Tp. HCM - dẫn đến những biện pháp dãn cách cao hơn ở các tỉnh/thành phố này và sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế quý 3. Hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị giãn đoạn trong quý 3/2021.
Do đó, VCSC điều chỉnh mức tăng trưởng GDP năm 2021 xuống còn 5,5% từ mức 6,7% trước đây. Tuy nhiên, VCSC giả định tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý 3. Tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam sẽ nhanh hơn trong nửa cuối năm và sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang diễn ra sẽ giúp hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong báo cáo triển vọng vĩ mô vừa công bố ngày 4/8, Chứng khoán BSC cũng cho rằng, các biện pháp giãn cách theo chỉ thị 16/2020/CT-TTg duy trì tại nhiều tỉnh phía Nam, cùng thủ đô Hà Nội, tiếp tục tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. BSC điều chỉnh giảm triển vọng GDP xuống 6,08%. Nếu dịch bệnh kéo dài hơn dự kiến: kịch bản tiêu cực, GDP ước tăng 5.29%, kịch bản rất tiêu GDP ước tăng 4.85%.
Tương tự, Chứng khoán Mirae Asset cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 xuống mức 5,9% trong kịch bản cơ sở, từ mức 6,5% trong dự báo trước đó, do tình hình dịch Covid-19 kéo dài hơn so với kì vọng trước đó. Đà hồi phục của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào tốc độ kiểm soát dịch, cũng như tình hình triển khai vắc xin ở Việt Nam và các nước đối tác của Việt Nam.
Trước đó, trong báo cáo vĩ mô và thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021, SSI Resrearch cho rằng rủi ro về diễn biến của dịch Covid-19 (nếu không được kiểm soát tốt) có thể tác động phần nào tới hoạt động xuất nhập khẩu cũng như giải ngân đầu tư công do các quy tắc hạn chế đi lại và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, điều này có thể ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng chung.
Bên cạnh các công ty chứng khoán, mới đây hàng loạt các tổ chức trong nước và nước ngoài cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cuối tháng 7, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2021 của Việt Nam được điều chỉnh giảm xuống còn 5,8% so với mức 6,7% được đưa ra trước đó.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) đưa ra hai kịch bản. Với kịch bản lạc quan dịch được kiểm soát trong tháng 8, GDP tăng trưởng 5,4%-6,1%; kịch bản xấu nhất dịch kiểm soát vào quý 4/2021, tăng trưởng ở mức 3,5%-4%.
CHUYÊN GIA BÌNH LUẬN GÌ?
Bình luận về triển vọng vĩ mô tại Diễn đàn điểm đến của Kinh tế Việt Nam cuối năm 2021 diễn ra mới đây, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng kinh tế Việt Nam đang đương đầu với nhiều thách thức. Dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, chưa biết đỉnh dịch khi nào sẽ đến. Lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng vô cùng tiêu cực, tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ chỉ tăng 0,7% bởi sức cầu rất yếu trong khi trước dịch, tổng mức bán lẻ tăng từ 8-10%. Sản xuất công ngiệp tăng trưởng chậm, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng chỉ 2,2% so với cùng kỳ. Trước đây, mức này thông thường tăng 9-10%.
Bên cạnh đó, mô hình sản xuất “3 tại chỗ” đang gặp rất nhiều trục trặc và trở ngại.
Về vốn FDI, chúng ta hy vọng về dịch chuyển vốn đầu tư, nhưng vốn FDI 7 tháng của đăng ký giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào số liệu dịch chuyển từ Trung Quốc, Hồng Kông sang Việt Nam, năm ngoái tăng nhưng sang đến năm nay sự dịch chuyển dòng vốn này đang giảm gần 50%.
Trong khi đó, giải ngân đầu tư công chậm rất rõ rệt. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 7 chỉ tăng 0,7%, còn số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động rất đáng chú ý.
Cũng vì dịch bệnh nên tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế rất chậm chạp, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng lên. "Trong bối cảnh đó, chúng tôi cũng đã xây dựng kịch bản: GDP nay đến cuối năm có thể tăng trưởng 5,3-5,5%, lạm phát được dự báo ở mức đâu đó khoảng 3%, lực cầu của chúng ta còn rất yếu”, ông Lực nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, ông Lực đề xuất cần phải nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin Covid-19. Nghị quyết 52 của Chính phủ về giãn hoãn thuế, ngoài ra cần nghiên cứu về gói hỗ trợ mới. Ngoài ra, không thể chủ quan với lạm phát nhưng cùng lúc không nên bóp nghẹt quá.
Cuối cùng cũng cần phải lưu ý đến bong bóng bất động sản, chứng khoán, dù kiểm soát tốt rồi nhưng tiếp tục theo dõi lấy kinh nghiệm quốc tế để theo dõi, thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận