Chứng khoán lên đỉnh, các cổ phiếu đời đầu giờ ra sao?
Điểm chung có thể thấy, các mã cổ phiếu đời đầu đều có mức tăng trưởng khá cao so với thời điểm chào sàn HOSE vào năm 2000 (tính theo mức giá đã điều chỉnh).
2000 là năm đầu tiên bước vào thế kỷ 21, cũng là năm đầu tiên (phiên 28/7/2000) thị trường chứng khoán đi vào hoạt động với 2 mã SAM và REE niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE). Trong năm, HOSE tiếp tục đón nhận thêm các mã khác gồm: HAP, TMS và LAF.
Sau gần 21 năm hình thành và phát triển, số lượng cổ phiếu niêm yết trên HOSE đã đạt con số 368 với tổng vốn hóa hơn 5 triệu tỷ đồng.
SAM-REE: 28/7/2000
Bộ đôi phải kể đến đầu tiên là SAM của CTCP Sam Holdings và mã REE của CTCP Cơ điện lạnh. Đây là 2 cổ phiếu giao dịch đầu tiên trên thị trường vào ngày 28/7/2000.
SAM gắn liền với tên tuổi của vị "cá mập" nổi tiếng - ông Trần Anh Vương (Shark Vương). Shark Vương là người gắn bó với SAM từ những ngày đầu. Tuy nhiên, vào đầu năm 2018, ông đã xin từ nhiệm khỏi vị trí Tổng giám đốc SAM. Đồng thời, không lâu sau đó, ông cũng đã thoái toàn bộ hơn 15 triệu cổ phiếu SAM vì nhu cầu tài chính cá nhân.
Trong quý I/2021, doanh thu thuần SAM đạt 443,4 tỷ đồng, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí vốn giảm sâu hơn 10,6% nên nhuận gộp tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ lên 31 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ doanh thu tài chính tăng cao gấp 3,8 lần so với cùng kỳ lên 20 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế SAM tăng mạnh gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước lên mức 9,5 tỷ đồng.
Năm 2021, SAM đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 3.260,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 300 tỷ đồng. Như vậy, sau quý I, công ty đã hoàn thành gần 13,6% chỉ tiêu doanh thu và 7,3% kế hoạch lợi nhuận năm.
Chốt phiên giao dịch 11/6, thị giá SAM đạt 10.600 đồng/cp, tức tăng gấp 4,61 lần so với thời điểm mới chào sàn (đã tính theo mức giá điều chỉnh).
Với REE, mã này vẫn khẳng định vị thế khi nằm trong nhóm VN30.
Trong quý I/2021, doanh thu thuần REE đạt 1.183 tỷ đồng tăng không đáng kể so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 472 tỷ đồng tăng 70% so với quý 1/2020.
Năm 2021, REE đặt mục tiêu doanh thu 6.933 tỷ đồng, lãi ròng 1.769 tỷ đồng, hoàn thành 17,1% kế hoạch doanh thu và 26,7% chỉ tiêu lợi nhuận.
Chốt phiên giao dịch 11/6, thị giá REE đạt 54.900 đồng/cp, tăng gấp gần 35 lần so với thời điểm mới niêm yết (theo mức giá điều chỉnh).
HAP - TMS: 4/8/2000
Cũng là một trong các cổ phiếu niêm yết sớm nhất trên thị trường, mã HAP của CTCP Tập đoàn Hapaco từng một thời là cổ phiếu gây chú ý trên sàn chứng khoán. Dù vậy, từ những năm 2007, 2008, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh đa ngành, đầu tư dàn trải sang lĩnh vực chứng khoán đã dẫn đến việc HAP thua lỗ gần 70 tỷ đồng.
Trong quý I/2021, doanh thu thuần công ty đạt 88 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lãi ròng hơn 5 tỷ đồng, gấp 2,4 so với cùng kỳ năm trước.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, cổ đông HAP đã thông qua mục tiêu doanh thu 470 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng. Như vậy, HAP mới hoàn thành 19% doanh thu kế hoạch và 8% đối với lợi nhuận.
Ngày 2/6/2021, do vấn đề nghẽn lệnh trên HOSE, HAP đã có công văn về việc chuyển giao dịch tạm thời cổ phiếu từ HOSE sang HNX. Theo đó, ngày 17/6 tới đây, HAP sẽ có phiên giao dịch đầu tiên tại HNX. Mức giá tham chiếu là giá đóng cửa tại ngày giao dịch cuối cùng trên HoSE và được làm tròn lên 100 đồng gần nhất.
Chốt phiên giao dịch 11/6/2021, thị giá HAP đạt 13.600 đồng/cp, tăng gấp khoảng 10 lần so với thời điểm mới chào sàn (tính theo giá điều chỉnh).
Chào sàn HOSE cùng ngày với HAP, TMS của CTCP Transimex Saigon gây ấn tượng khi luôn giữ được đà tăng trưởng ổn định về doanh thu, lợi nhuận.
Trong quý I/2021, doanh thu thuần công ty đạt 1.084 tỷ đồng, cao gấp gần 2 lần so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 101,2 tỷ đồng, tăng 75,7% và cũng là mức cao nhất trong lịch sử niêm yết của TMS.
Năm 2021, TMS đặt mục tiêu 3.315 tỷ đồng doanh thu và 425 tỷ đồng lãi trước thuế. Như vậy, công ty đã hoàn thành 33% mục tiêu về doanh thu và 27% mục tiêu về lợi nhuận.
Chốt phiên 11/6, thị giá TMS đạt 41.400 đồng/cp, tăng gấp gần 14,4 lần so với thời điểm mới chào sàn.
LAF: 15/12/2000
Hiện tại, CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An (Lafooco – HoSE: LAF) là công ty con do CTCP Tập đoàn PAN nắm 51% vốn.
Trong quý I/2021, doanh thu thuần công ty đạt 57 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, việc giá vốn hàng bán giảm mạnh khiến lợi nhuận gộp công ty đạt 12,3 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần.
Năm 2021, LAF đặt mục tiêu doanh thu đạt 490 tỷ đồng và 29 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, LAF đã hoàn thành được 11,6% mục tiêu về doanh thu và 19% kế hoạch lợi nhuận.
Hiện tại, cổ phiếu LAF vẫn đang trong diện cảnh báo do công ty chưa hết thời hạn 1 năm kể từ thởi điểm xử lý lỗ lũy kế. Do đó, HOSE tiếp tục giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu LAF, và xem xét hướng xử lý tiếp theo sau khi có BCTC kiểm toán năm 2021.
Chốt phiên 11/6, thị giá LAF đạt 15.800 đồng/cp, tăng gấp 4,6 lần so với thời điểm chào sàn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận