24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tô Mai Hương
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chứng khoán lập đỉnh lịch sử: Đáng mừng hay đáng lo?

Màn lập đỉnh mới của thị trường chứng khoán với hơn 1.200 điểm đã khiến không ít nhà đầu tư phấn khởi và kỳ vọng vào khả năng sinh lời lớn từ kênh đầu tư này trong tương lai.

Tuy nhiên, khi nhìn vào diễn biến thị trường giai đoạn năm 2020 và từ đầu năm 2021 tới nay, thị trường chứng khoán có quỹ đạo chuyển động lúc thăng, lúc trầm đầy biến động, đặt ra những lo ngại về sự thiếu ổn định và bền vững trong tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Chứng khoán lập đỉnh lịch sử: Đáng mừng hay đáng lo?
Phiên 18/3/2021, VN-Index đã vượt ngưỡng 1.200 điểm

Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã có những chia sẻ với Reatimes xoay quanh sự trồi sụt của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.

PV: Mới đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chính thức vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Song, nhìn lại diễn tiến từ năm 2020, thị trường chứng khoán có lúc thăng, lúc trầm. Theo ông, đâu là lý do thị trường chứng khoán trồi sụt mạnh như vậy?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đầu năm 2021, thị trường chứng khoán có thời điểm tăng mạnh, đột biến, điển hình như mới đây đã vượt đỉnh lịch sử qua 1.200 điểm. Tuy nhiên theo tôi, sự tăng điểm đột biến này không dựa vào nội lực của nền kinh tế. Nền kinh tế năm 2020 tăng trưởng GDP chỉ có 2,91%, thấp nhất trong vòng 10 năm. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, rất nhiều công ty khó khăn và trở nên thấm mệt, suy kiệt. Sự xuống, lên của thị trường chứng khoán đến từ các lý do như sau:
Thứ nhất, do lãi suất hạ nên các nhà đầu tư muốn bỏ tiền vào chứng khoán bằng các khoản vay giá rẻ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, lợi nhuận kiếm được từ chứng khoán cao hơn so với khoản tiền đi vay ngân hàng nên họ nghĩ: “Chẳng tội gì không đi vay để đầu tư”.
Thứ hai, nhà đầu tư nhận thấy các thị trường khác không hoàn toàn hấp dẫn như tiền gửi ngân hàng thì lãi suất đang giảm; bất động sản cũng chênh vênh vì dịch bệnh, biến động mạnh theo thông tin quy hoạch. Thị trường vàng biến động rất nhanh, đồng ngoại tệ cũng không hấp dẫn vì tỷ giá của tiền đồng so với đô la hầu như là đi ngang trong năm 2020. Do vậy, thị trường chứng khoán được xem là tương đối hấp dẫn so với các thị trường khác nên người ta đổ tiền vào đó.
Thứ ba, các nhà đầu tư nghĩ rằng, đây chính là thời điểm rất tốt để gom hàng, kiếm lời từ thị trường chứng khoán nhờ biến động tăng, giảm trong ngắn hạn.

Bởi những lý do đó, thị trường chứng khoán tăng mạnh mà không dựa trên nền tảng nội lực kinh tế.

Chứng khoán lập đỉnh lịch sử: Đáng mừng hay đáng lo?
TS. Nguyễn Trí Hiếu.
PV: Có ý kiến cho rằng, sự trồi sụt của thị trường chứng khoán đến từ tâm lý xuống tiền tự phát của các nhà đầu tư cá nhân. Quan điểm của ông thì sao?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là phần lớn các nhà đầu tư Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân, không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp hay tổ chức kinh tế. Với nhà đầu tư cá nhân, họ không có kiến thức về tài chính và vì thế họ bỏ tiền theo hiện tượng “bầy đàn” để kiếm lời. Nhất là khi tiền gửi ngân hàng có lãi suất xuống thấp như vậy, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận đổ tiền vào kênh có lợi nhuận cao hơn và chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn. Do đó, hiện tượng thị trường chứng khoán tăng điểm trồi sụt đến từ một phần các nhà đầu tư bỏ tiền theo cảm tính, cộng hưởng với việc lãi suất ngân hàng giảm.

PV: Liệu sự trồi sụt của thị trường chứng khoán có phải là dấu hiệu cho thấy tính không ổn định, thiếu bền vững của kênh đầu tư này, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là thị trường chứng khoán không có tính ổn định. Bởi thị trường trong vòng một năm tăng một cách đột biến từ 700 điểm năm 2020 lên đến hơn 1.200 điểm khi kết thúc phiên ngày 18/3/2021, trong khi nền kinh tế mới đang ở mức phục hồi. Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán tăng mạnh đến từ hiện tượng đầu cơ mang tính ngắn hạn nên tính ổn định thấp.

Hiện tượng như hiện tại gần như tương tự diễn biến của thị trường chứng khoán hơn 10 năm về trước, khi nhà đầu tư dễ dàng vay ngân hàng. Dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán nhưng khi có biến động, ngay lập tức, dòng tiền được rút ra với tốc độ nhanh chóng. Một thị trường chứng khoán bất ổn đang được lặp lại.

PV: Ông dự báo như thế nào về chuyển động của thị trường chứng khoán trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường chứng khoán đi về đâu và có sự ổn định hay không tùy thuộc vào tình hình kiểm soát được dịch bệnh cũng như diễn biến của các thị trường khác.

Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát dịch bệnh ở thời điểm hiện tại rất quan trọng. Nếu như khả năng kiểm soát dịch tốt, nền kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Ngược lại, nếu như dịch bệnh chưa được kiểm soát, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục rơi vào vòng xoáy xuống như thời điểm năm 2020.

Tín hiệu khả quan nhất hiện nay, đó là chương trình tiêm vắc xin đã được triển khai. Việt Nam cũng chủ động sản xuất vắc xin phòng ngừa Covid-19. Nếu miễn dịch cộng đồng được tạo ra, đây chính là tín hiệu tốt cho thị trường phát triển ổn định.

Một tác động khác đến thị trường chứng khoán là sức hút của các kênh đầu tư khác. Ví dụ, tiền gửi ngân hàng tăng lãi suất, chắc chắn một lượng tiền sẽ lại đổ vào ngân hàng. Hay như hiện tại, thị trường bất động sản phục hồi tốt cũng thu hút một lượng tiền từ chứng khoán đổ vào đây. Ngoài ra, sức hút từ kênh đầu tư vàng sẽ khiến cho các nhà đầu tư quan tâm.

PV: Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng nóng, nguy cơ vỡ bong bóng liệu có xảy ra không, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra nếu như nghịch lý sức khoẻ của nền kinh tế không tốt còn VN-Index không ngừng tăng điểm.

PV: Có chăng cần sự can thiệp từ cơ quan quản lý Nhà nước để điều chỉnh diễn tiến của thị trường chứng khoán, thưa ông?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hãy để cho thị trường chứng khoán được chuyển động theo đúng quy luật kinh tế. Thị trường sẽ tự điều chỉnh. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải có sự thanh tra giám sát tất cả những giao dịch nội gián hoặc giao dịch tăng đột biến, nhất là với những tổ chức phát hành mua cổ phiếu, trái phiếu chứng khoán của đơn vị phát hành không có kết quả kinh doanh ổn định. Những cảnh báo về bất ổn của thị trường nên được đưa ra.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả