Chứng khoán giảm mạnh nhất lịch sử, người mua có nên ‘bắt đáy’?
Nhà đầu tư có nên đổ tiền mua trong lúc chứng khoán giảm mạnh nhất lịch sử, nhiều cổ phiếu “bốc hơi” 30 - 40% so mức đỉnh.
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 28/1, hàng loạt tài khoản kích hoạt bán tháo, VN-Index chốt phiên đóng cửa ở mức 1.023,94, giảm tới 6,67%, tương đương “bốc hơi” 73,23 điểm - đây là tỷ lệ giảm cao nhất trong vòng 20 năm thị trường chứng khoán đi vào hoạt động.
Theo nhận định của nhóm chuyên gia thuộc Công ty Chứng khoán Asean (AseanSC), trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.000 – 1.020 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 960 – 980 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN - Index dự báo ở mức 040 – 1.060 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1080 – 1100 điểm.
Dù nhìn nhận bên bán đang tạm chiếm ưu thế nhưng AseanSC cho rằng nhà đầu tư không nên quá bi quan trong giai đoạn hiện tại, nhất là khi Việt Nam đã có kinh nghiệm kiểm soát dịch COVID-19 rất tốt, tình hình chính trị ổn định, kinh tế xã hội phục hồi tốt trong 2020, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Vẫn theo các chuyên gia của AseanSC, trong phiên giao dịch hôm nay 29/1, sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp các chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Trong khi đó, dưới góc nhìn khá bi quan, các nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng nhiều khả năng VN-Index sẽ có thêm nhịp lao dốc trong phiên 29/1 và thử thách vùng hỗ trợ trung hạn tại 960 - 980 điểm trước khi có thể cho phản ứng hồi phục.
Do đó, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư duy trì vị thế trung hạn, nâng dần tỷ trọng của các vị thế ngắn hạn khi chỉ số lùi xuống vùng hỗ trợ 960 - 980 điểm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng lý do giảm là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong những phiên gần đây, sau một thời gian tăng điểm dài và mạnh, nhất là khi VN-Index tiếp cận vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm. Trên thế giới, các thị trường tài chính quốc tế cũng chung diễn biến tiêu cực.
Tuy nhiên, một lý do khác là thông tin về số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư. Theo Ủy ban chứng khoán, một số tin đồn không chính xác về diễn biến dịch khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là những người chưa trải qua các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường thêm phần hoang mang và bán ra bằng mọi giá.
Nhận định về xu hướng thị trường, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán trong nước có thể vẫn còn chịu áp lực giảm điểm.
Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Kinh tế vĩ mô tăng trưởng dương, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, giá trị xuất nhập khẩu tăng ấn tượng…Việt Nam cũng đã rất thành công kiểm soát và chống dịch COVID-19 qua hai lần bùng phát trong năm 2020. Đợt bùng phát dịch lần này, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cũng như người dân, chúng ta sẽ sớm vượt qua... Do đó thị trường chứng khoán sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng trong ngắn hạn và phục hồi trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch, trong khi VN-Index giảm 73,23 điểm thì HNX - Index cũng giảm đến 17,74 điểm, tức 8,03%, xuống 203,05 điểm. UPCoM - Index giảm 5,41 điểm xuống 69,05 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận