Chứng khoán của quốc gia châu Á này có thể trở thành "hầm trú ẩn an toàn" trong trường hợp kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái?
Một quốc gia châu Á đang tỏ ra ít bị tác động trước hàng loạt biến cố trên thị trường tài chính toàn cầu thời gian qua.
Việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ tăng lãi suất và Cục Dự trữ Liên bang sẵn sàng đưa quyết định cắt giảm lãi suất vào tháng 9 “lên bàn cân” đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đối diện đợt bán tháo quy mô lớn.
Sau đó, báo cáo việc làm đáng thất vọng của Mỹ đã thực sự hạ đo ván thị trường, với hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo. Thậm chí, Nikkei 225 của Nhật Bản còn có phiên tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Nó đã thực sự phá nát bữa tiệc của các nhà đầu tư.
Trong khi thị trường chứng khoán giảm mạnh, với Nikkei mất 12% còn S&P 500 giảm 3%, Nifty của Ấn Độ giảm khiêm tốn hơn, chỉ có 2,7%. Thậm chí, chỉ số chuẩn của Ấn Độ cũng bắt đầu vượt trội hơn so với S&P 500 kể từ đầu năm tới nay.
Về phương diện kinh tế, trong khi châu Âu gặp khó khăn còn kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, Ấn Độ vẫn tiếp tục bùng nổ. Một bức tranh kinh tế toàn cầu rời rạc như vâỵ có nghĩa là một cuộc khủng hoảng kinh tế vĩ mô ở Mỹ sẽ không trở thành một sự kiện toàn cầu.
Theo Venugopal Garre, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Ấn Độ tại Bernstein, các vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ và châu Âu năm 2023, cuộc suy thoái nhà ở kéo dài nhiều năm của Trung Quốc là bằng chứng cho thấy tác động của những cú sốc lớn đang được cục bộ hoá thay vì có thể lan rộng ra toàn thế giới.
Các bài học lịch sử cho thấy suy thoái bắt nguồn từ Mỹ thường dẫn đến dòng tiền chảy vào các tài sản chú ẩn an toàn, chẳng hạn như USD, trái phiếu kho bạc và vàng. Ngược lại, các tài sản được coi là rủi ro như cổ phiếu và tiền tệ của các thị trường mới nổi sẽ giảm. Đồng rupee của Ấn Độ đã chạm xuống đáy mọi thời đại trong tuần này so với đồng bạc xanh. Điều đó sẽ làm tổn hại lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất do quyết định của Ngân hàng trung ương Ấn Độ khi giữ lãi suất ở mức 6,5% ngay cả khi lạm phát giảm và GDP tăng mạnh có thể bù đắp những thiệt hại nghiêm trọng của đợt bán tháo đồng rupee hiện nay.
Đồng rupee cũng có thể hưởng lợi một phần từ sự suy thoái của Mỹ nếu giá hàng hoá giảm mạnh. Là quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng, Ấn Độ rất nhạy cảm với giá dầu thô. Một cuộc suy thoái ở Mỹ sẽ làm giá dầu giảm, yếu tố có thể hỗ trợ đồng tiền của Ấn Độ.
Nội lực và thách thức của nền kinh tế đông dân nhất thế giới
Nhìn rộng hơn, nền kinh tế Ấn Độ cũng được thúc đẩy bởi chính người tiêu dùng, không giống như sự phụ thuộc của Nhật Bản và Trung Quốc vào xuất khẩu. Dữ liệu cho thấy Mỹ không phải điểm đến chính cho hàng xuất khẩu mà Ấn Độ sản xuất. Các dịch vụ như gia công phần mềm…, chiếm tới 75% kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ, sẽ không đột ngột có đối thủ.
Garre của Bernstein nhấn mạnh: “Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Ấn Độ không đổi ngay cả khi Mỹ rơi vào suy thoái. Do đó, một đợt điểm chỉnh ngắn hạn không nhất thiết gây ra những hậu quả lâu dài và chúng tôi đánh giá những rủi ro từ suy thoái của Mỹ (nếu nó diễn ra) cũng rất hạn chế".
Ở diễn biến khác, Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã thực hiện các bước đi để nền kinh tế trưởng thành hơn. Các nhà đầu tư hoan nghênh dự báo thâm hụt ngân sách thấp hơn và các hạn chế tự áp đặt trong các cam kết chi tiêu mới nhất. Điều này có thể giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với quan điểm cho rằng Ấn Độ có thể trở thành hàng rào phòng hộ khi Mỹ rơi vào suy thoái. John Ewart, nhà quản lý danh mục đầu tư tại quỹ Global Emerging Markets trị giá 600 triệu đô la của Aubrey Capital, cho rằng: “Tôi không nói Ấn Độ có thể tách biệt hoàn toàn với suy thoái ở Mỹ nhưng tôi nghĩ quốc gia này đang ở một vị thế rất tốt để vượt qua những biến động”.
Theo Garre, “kẻ thù” lại ở chính cổ phiếu Ấn Độ. Rủi ro chính với các nhà đầu tư là cổ phiếu đã được định giá quá cao trong bối cảnh hiện tại. Cổ phiếu Ấn Độ đã phá đỉnh mọi thời đại ngay cả khi các nhà phân tích hạ kỳ vọng thu nhập 1% đối với gần một nửa trong số 200 công ty lớn nhất Ấn Độ.
Ngay cả khi trải qua đợt bán tháo kéo dài 2 ngày, các cổ phiếu Ấn Độ vẫn tiếp tục có “định giá cao” và thiếu hỗ trợ tích cực từ kết quả kinh doanh. Hiện tại, Nifty của Ấn Độ tăng 11,8% kể từ đầu năm tới nay, cao hơn so với mức 9% của S&P 500. Các nhà phân tích còn cho rằng chỉ số này có thể tăng cao hơn nữa. Tiềm năng FED giảm lãi suất vào tháng 9 cũng có thể thúc đẩy cổ phiếu Ấn Độ.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã yêu cầu các ngân hàng hỗ trợ đồng rupee bằng việc ngừng gia tăng vị thế hiện tại của họ với đồng nội tệ.
Ở một diễn biến khác, Ấn Độ dự kiến sẽ có sự tăng trưởng nhanh nhất thế giới về lượng người siêu giàu. Theo Knight Frank, số lượng cá nhân có giá trị tài sản ròng cực lớn dự kiến sẽ tăng gấp rưỡi trong vài năm tới ở Ấn Độ. Hồi đầu năm, trung tâm tài chính Mumbai đã vượt qua thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc để trở thành trung tâm tỷ phú hàng đầu châu Á. Trên toàn cầu, thành phố này chỉ đứng sau New York và London về số lượng tỷ phú.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận