Chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương trái chiều
Chứng khoán châu Á rơi vào trạng thái trái chiều vào chiều ngày thứ Sáu (14/06) khi giá dầu leo dốc vì các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Ô-man trong ngày hôm qua (13/06).
Tính tới lúc 14h35 ngày thứ Sáu (14/06 – giờ Việt Nam), chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 227.78 điểm (tương đương 0.83%) khi căng thẳng vẫn còn leo thang vì dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc biến động liên hồi, chỉ số Shanghai Composite quay đầu giảm 0.99% và Shenzhen Component hạ 1.58%. Shenzhen Composite lùi 1.809%.
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0.4%, còn Topix tiến 0.3%. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 0.37%.
Chỉ số ASX 200 của Australia tiến 0.18% khi phần lỡn lĩnh vực đều đi lên.
Phố Wall khởi sắc
Chứng khoán Mỹ khởi sắc vào ngày thứ Năm (13/06) nhờ vào đà tăng mạnh của cổ phiếu Disney và nhóm cổ phiếu năng lượng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tháng này, CNBC đưa tin.
Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 101.94 điểm lên 26,106.77 điểm khi cổ phiếu Disney có thành quả vượt trội. Chỉ số S&P 500 tiến 0.4% lên 2,891.64 điểm, dẫn đầu là đà tăng của lĩnh vực năng lượng. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.6% lên 7,837.13 điểm.
Các chỉ số chứng khoán chính đã giảm nhẹ trong 2 phiên trước đó khi đà tăng khởi động tháng 6 tạm ngừng. Tuy nhiên, các chỉ số này đều vọt hơn 4% từ đầu tháng đến nay sau khi lao dốc hồi tháng 5.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại kéo dài đã khiến nhà đầu tư lo ngại. Kỳ vọng rằng các quan chức thương mại từ Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận bên thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka vào ngày 28-29/06 đã mờ nhạt dần trong những ngày gần đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông vẫn có kế hoạch gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, vào cuối tháng này; vốn đã nhiều lần đe dọa sẽ khiến cuộc chiến thương mại leo thang bằng cách áp thuế đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc còn lại chưa chịu thuế.
Giá dầu tăng mạnh giữa căng thẳng ở vùng Trung Đông
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu tăng mạnh vào ngày thứ Năm (13/06), khi một cuộc tấn công vào 2 tàu chở dầu ở gần eo biển Hormuz đã làm gia tăng lo ngại về khả năng gián đoạn đối với nguồn cung dầu toàn cầu, nhưng đã không thể bù đắp đà sụt giảm trong phiên trước đó.
Cụ thể, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex tiến 1.14 USD (tương đương 2.2%) lên 52.28 USD/thùng, sau khi chạm mức cao trong phiên là 53.45 USD/thùng.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn cộng 1.34 USD (tương đương 2.2%) lên 61.3 USD/thùng, sau khi chạm mức cao trong phiên là 62.64 USD/thùng, đạt được vào đầu phiên khi các báo cáo và cuộc tấn công tàu chở dầu xuất hiện.
Vẫn chưa rõ ai đã thực hiện các đợt tấn công trên, nhưng chúng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông đang leo thang và xung đột giữa Mỹ và Iran cũng leo thang.
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch châu Á ngày thứ Sáu (14/06), hợp đồng dầu Brent tương lai tăng 0.11% lên 61.38 USD/thùng, còn hợp đồng dầu WTI tương lai tiến 0.25% lên 52.15 USD/thùng.
Một chuyên gia cho biết, trọng tâm nên là đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
“Tôi nghĩ, rõ ràng chúng ta đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ tăng trưởng hiện tại và do đó, tôi không dự báo giá dầu tăng mạnh được”, John Woods, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Credit Suisse, cho hay trên chương trình “Squawk Box” trong ngày thứ Sáu (14/06).
Chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 97.017 sau khi dao động quanh 96.9 trong ngày hôm qua.
Đồng JPY được giao dịch ở mức 108.19 đổi 1 USD sau khi dao động ở mức gần 108.40 đổi 1 USD trong phiên trước, đồng AUD được “sang tay” ở mức 0.6904 USD sau khi chạm mức 0.7 USD trước đó.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận