Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc vì biểu tình ở Hong Kong và xung đột thương mại leo thang
Trong bối cảnh tình hình ở Hong Kong ngày càng đáng lo ngại, mối quan hệ Mỹ - Trung và Nhật - Hàn trở nên tồi tệ hơn, thị trường tiếp tục phản ứng tiêu cực.
Kết thúc phiên giao dịch sáng thứ Hai, chứng khoán Hong Kong đồng loạt đi xuống khi các doanh nghiệp đang chứng kiến hoạt động kinh doanh bị gián đoạn mạnh, trong bối cảnh biểu tình căng thẳng khiến cả thành phố bị đình trệ. Theo đó, Hang Seng Index giảm 2,9% chỉ trong phiên giao dịch sáng ngày hôm nay.
Bà Carrie Lam, trưởng đặc khu Hong Kong, cho biết bà thấy rằng thành phố đang ở trên bờ vực của tình trạng nguy hiểm. Sự bất ổn ở Hong Kong bắt đầu bùng lên từ đầu tháng 6 khi người dân xuống đường biểu tình phản đối dự luật dẫn độ - hiện tại đã bị tạm dừng, nhưng đến nay vẫn chưa kết thúc.
Theo Reuters, cuộc biểu tình vẫn tiếp tục nóng lên vào ngày thứ Hai sau những ngày cuối tuần đầy bạo lực. Hơn 100 chuyến bay đã bị huỷ khi các nhà điều hành của hãng đường sắt MTR Corp. tuyên bố tạm dừng cung cấp dịch vụ ở nhiều khu vực.
Các thị trường khác ở châu Á cũng có diễn biến tiêu cực tương tự, giữa bối cảnh mối lo ngại về mâu thuẫn thương mại của Bắc Kinh và Washington ngày càng sâu sắc.
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm tuyên bố Mỹ sẽ áp mức thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9.
Các nhà phân tích của JPMorgan viết trong một bản lưu ý: "Chúng tôi dự đoán rằng phản ứng chính sách của Trung Quốc sẽ được điều chỉnh theo tác động của thuế quan, họ cũng chú trọng vào những rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách tài khoá và tiền tệ nhưng theo cách tránh sự mất cân đối tài chính."
Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 2,35%, tiếp tục đà giảm hơn 2% từ ngày thứ Sáu tuần trước. Trong đó, cổ phiếu SoftBank giảm tới 4,31%. Chỉ số Topix cũng rớt 2,4%.
Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,04%, khi những "cái tên" lớn của ngành công nghệ và sản xuất trượt dốc. Cổ phiếu Samsung mất 2,22%, HK Hynix sụt 0,53%, nhà sản xuất thép Posco giảm 2,3% và Hyundai Steel giảm 2,91%.
Mới đây, Seoul tuyên bố kế hoạch đầu tư khoảng 7,8 nghìn tỷ KRW (6,48 tỷ USD) vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy sản xuất vật liệu và thiết bị tại địa phương trong 7 năm tới, Reuters đưa tin. Động thái này nhằm giảm sự phụ thuộc của Hàn Quốc vào các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, sau khi Tokyo tuần trước đã loại quốc gia này ra khỏi "danh sách trắng" - những đối tác được hưởng đặc quyền thương mại của họ.
Tại Úc, S&P/ASX 200 giảm 1,25%, với hầu hết các lĩnh vực đầu giao dịch tiêu cực. MSCI Asia (không bao gồm Nhật Bản) sụt 1,5%.
Tại đại lục, Shanghai Composite mất 0,5% và Shenzen Component giảm điểm nhẹ, còn Shenzhen Composite gần như đi ngang.
Những biến động này diễn ra khi Chỉ Số PMI Dịch Vụ của Caixin Trung Quốc của tháng 7 được công bố, ở mức 51,6 trong khi tháng 6 là 52,0 - đây là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.
Tỷ giá hối đoái của đồng NDT giảm 1,2% xuống còn 7.0256 đổi 1 USD vào lúc 10 giờ 19 phút (giờ địa phương) sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày ở mức thấp hơn 6,9 lần đầu tiên kể từ tháng 12/2018. Đồng NDT giao dịch ở nước ngoài đã giảm 1,9% xuống mức thấp kỷ lục.
Chỉ số đồng USD ở giao dịch quanh mức 97,912 sau khi vượt 98,7 vào tuần trước. Đồng yen Nhật giao dịch ở mức 105,95 đổi 1 USD sau khi tăng mạnh ở mức trên 108,8 vào tuần trước. Đồng AUD giao dịch trao tay giao dịch ở mức 0,6763 USD sau khi giảm từ mức đỉnh của tuần trước là 0,688.
Sáng thứ Hai, giá dầu cũng giảm trong giờ giao dịch châu Á, dầu thô Brent giảm 0,68% xuống 61,47 USD/thùng. Hợp đồng tương lai của dầu thô Mỹ cũng sụt 0,49% xuống 55,39 USD/thùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận