Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm, cổ phiếu công nghệ bị bán tháo
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm, nối gót phiên giao dịch tiêu cực tại Mỹ.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm sau phiên giao dịch 12/5, nối gót đà giảm điểm trên thị trường chứng khoán Mỹ ngày trước đó, sau khi nền kinh tế số 1 thế giới công bố dữ liệu lạm phát cao trong tháng 4.
Chỉ số Hang Seng (Hong Kong) giảm 444,23 điểm, tương đương 2,24%, còn 19.380,34 điểm.
Tại Trung Quốc đại lục, tín hiệu tích cực trong phiên giao dịch buổi sáng không được duy trì tới cuối phiên. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,12% còn 3.054,99 điểm. Chỉ số Shenzhen Component giảm 0,13% còn 11.094,87 điểm.
Trung Quốc trong hôm qua công bố lạm phát tháng 4 ở ngưỡng 2,1%, cao hơn so với dự báo của giới chuyên gia.
“Chúng tôi không quá bi quan về thị trường chứng khoán Trung Quốc ở thời điểm hiện tại”, Selina Sia, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc đại lục tại Credit Suisse Wealth Management, chia sẻ trong chuyên mục “Street Signs Asia” ngày 12/5.
“Chúng ta có thể thấy số ca nhiễm Covid-19 tại Thượng Hải đã chạm đỉnh, và hy vọng rằng biến chủng Omicron sẽ sớm được kiểm soát. Những dấu hiệu khả quan đang xuất hiện tại đây”, Sia chia sẻ. “Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách cũng đã cam kết hỗ trợ thị trường bất động sản và các nền kinh tế nền tảng, gia tăng đầu tư cơ sở hạ tầng theo tinh thần cuộc họp bộ Chính trị Trung Quốc hồi cuối tháng 4”.
Trong khu vực, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,77%, còn 25.748,72 điểm. Giá cổ phiếu của Fast Retailing (chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo) giảm 4,59%. Chỉ số Topix giảm 1,19%, còn 1.829,18 điểm.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,63% xuống 2.550,08 điểm.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 1,75% xuống 6.941,00 điểm.
Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 2,46%.
Cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo.
Giá cổ phiếu của Alibaba giảm 3,36%, trong khi giá cổ phiếu của Meituan giảm 2,73%, JD.com giảm 7,78%.
Cổ phiếu các doanh nghiệp công nghệ tại Đài Loan cũng rơi vào trạng thái giảm điểm. Giá cổ phiếu của Taiwan Semiconductor Manufacturing Company giảm 3,07%, trong khi giá cổ phiếu của Pegatron giảm 1,17%.
Trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, giá cổ phiếu của SoftBank Group giảm 8,03%. Kakao và Krafton của Hàn Quốc giảm lần lượt 5,87% và 2,33%.
“Chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán Mỹ và châu u sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn và bị tác động mạnh hơn bởi quyết sách của các ngân hàng trung ương nếu đem so sánh với Nhật Bản và châu Á”, Gareth Nicholson, Giám đốc đầu tư về quản lý tải sản quốc tế tại Nomura, chia sẻ. “Châu Á có Trung Quốc là trụ đỡ, trong khi ngân hàng trung ương Nhật bản lại ưa chuộng nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông nói. Chốt phiên, chỉ số Hang Seng Tech giảm 2,24%, chỉ số Taiex của Đài Loan giảm 2,43%.
Trong ngày 11/5, Mỹ cũng công bố dữ liệu lạm phát trong tháng 4 ở ngưỡng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, tiệm cận mức cao nhất 40 năm. Chỉ số lạm phát tháng 4, giảm nhẹ so với tháng trước, cao hơn dự báo 8,15 của Dow Jones.
Đêm qua, thị trường chứng khoán Mỹ rung lắc mạnh. Chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 326,63 điểm, tương đương 1,02%, xuống 31.834,11 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 65,87 điểm, hay 1,65%, xuống 3.935,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 373,44 điểm, tương đương 3,18%, còn 11.364,24 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận