Chứng khoán 10/6: Điều chỉnh để tiếp tục đi lên
Giới phân tích cho rằng, việc thị trường điều chỉnh tương đối mạnh vừa qua là diễn biến cần thiết để thị trường tiếp tục củng cố sức mạnh. Điều này phù hợp với trạng thái kỹ thuật khi VN-Index bắt đầu tiệm cận vùng kháng cự 1.120 điểm.
Sau phiên “đánh úp”, dòng tiền lại vào mạnh cổ phiếu chứng khoán
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất (9/6), loạt cổ phiếu chứng khoán lọt top thanh khoản thị trường là VND với 792,6 tỷ đồng, giá tăng 4,7%; SSI khớp 566,3 tỷ, giá tăng 3,91%; VIX khớp 245,9 tỷ, giá tăng 4,67%; VCI khớp 204,2 tỷ giá tăng 2,35%. Về biến động giá, HBS, IVS, WSS tăng kịch trần.
Không chỉ với cổ phiếu chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ vừa bị xả mạnh hôm qua cũng bất ngờ đảo chiều thành công. TCD, CMG, TDC, DIG, PDR, NLG, HBC… đảo chiều từ đáy với biên độ 4% tới 6%. Tuy nhiên, nhóm này không có thanh khoản cao, đủ để tạo tác động rõ rệt tới thị trường.
Thị trường vẫn dựa vào các trụ cột như MSN, VCB, TCB, DGC, SSI, VIB để đi lên. MSN dẫn đầu nhóm này với mức tăng 2,82%, kế đó là TCB tăng 2,05%. VCB tuy tăng nhẹ 0,5% nhưng có lợi thế vốn hóa lớn nhất thị trường. Hiện, “anh cả” nhóm ngân hàng -VCB đã có vốn hoá vượt mức 20 tỷ USD, cao nhất toàn sàn.
Giao dịch trên HoSE trầm lắng hơn đáng kể những phiên gần đây. Trong khi đó, “sóng” penny trở lại mạnh mẽ trên HNX, UPCoM. HNX đang ghi nhận nhiều cổ phiếu có đà tăng khủng. CET (CTCP HTC Holding) tăng trần ở cả 5 phiên giao dịch tuần qua. Cũng từ đầu tháng 6 đến nay, CET liên tục tăng trần. Trong bối cảnh cổ phiếu tăng mạnh, cổ đông lớn tại CET có nhiều giao dịch đáng chú ý. Ngày 1/6, cổ đông lớn là bà Lê Thị Tuyết Vân và ông Huỳnh Tấn Thọ lần lượt bán ra 1,23 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 20,3%) và 70.000 cổ phiếu. Sau giao dịch, bà Vân không còn là cổ đông của CET trong khi ông Thọ vẫn nắm giữ 457.865 cổ phiếu (tỷ lệ 7,57%).
Ở chiều ngược lại CTCP Magnolia Investment mua vào 1,3 triệu cổ phiếu trong phiên 1/6 qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 0 lên 21,49%
Ngày 2/6, một cổ đông lớn khác là ông Trần Hoàng Cường đã bán ra 542.135 cp qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 23,97% xuống còn 15,01% (tương đương 907.865 cổ phiếu).
Cùng ngày, CTCP Đầu tư Vian Hà Nội mua vào 1 triệu cổ phiếu CET nâng tỷ lệ sở hữu lên mức 16,53% và trở thành đông lớn của HTC Holding.
VC7 của CTC BGI cũng đang có chuỗi phiên tăng giá mạnh. Tuần qua, VC7 tăng 26,6%, và tính sau 1 tháng đã lên hơn 126%.
Trên UPCoM, cổ phiếu nhỏ (penny) đang “làm mưa, làm gió”. Kết phiên 9/6, 76 cổ phiếu penny tăng trần. PVS, DSC, KSH, PVL, DPS, SSN, ACM, DGT ghi nhận thanh khoản cao.
Kết thúc phiên 9/6, VN-Index tăng 6,21 điểm (0,56%) lên 1.107,53 điểm. HNX-Index tăng 0,82 điểm (0,36%) lên 227,6 điểm. UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (0,2%) lên 84,19 điểm. Thanh khoản giảm mạnh, lực bán chốt lời không còn mạnh như phiên trước. Giá trị giao dịch HoSE từ mức tỷ USD hôm qua, nay giảm còn 16.526 tỷ đồng.
Cần thiết điều chỉnh để tiếp tục đi lên
Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội ( SHS) cho rằng, việc thị trường điều chỉnh tương đối mạnh vừa qua là diễn biến cần thiết để thị trường tiếp tục củng cố sức mạnh. Điều này phù hợp với trạng thái kỹ thuật khi VN-Index bắt đầu tiệm cận vùng kháng cự 1.120 điểm. Với nền tảng tích lũy tốt, các chuyên gia SHS kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm sau đợt điều chỉnh này để hướng tới mục tiêu quanh 1.150 điểm.
Dưới góc nhìn trung- dài hạn, SHS cho rằng, thị trường vẫn tích lũy trong một khu vực rộng từ 1.000 điểm - 1.150 điểm và sẽ có cơ hội hình thành uptrend nếu VN-Index tiếp tục tích lũy và sau đó bùng nổ vượt 1.150 điểm. Tuy nhiên vẫn còn khá sớm để dự báo về uptrend và cũng cần thêm sự hỗ trợ từ các yếu tố vĩ mô tích cực. Với các yếu tố vĩ mô và thị trường hiện tại, SHS nhận định thị trường đã chuyển đổi sang giai đoạn hậu tích lũy và đang khởi động quá trình tạo dựng uptrend.
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để mua vào các cổ phiếu thu hút được dòng tiền và vận động tích cực. Với nhà đầu tư trung, dài hạn chúng tôi vẫn thường xuyên khyến nghị giải ngân trong thời gian vừa qua (đón đầu giai đoạn bùng nổ sau tích lũy) nên nếu cơ cấu tốt thì hiện tại hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ, trong trường hợp muốn gia tăng tỷ trọng nhà đầu tư có thể tận dụng mua vào trong nhịp điều chỉnh, mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
Trong khi đó, nhóm phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, thị trường đang ở giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn, vùng hỗ trợ của chỉ số VN-Index là 1.090 – 1.095 điểm, đây là vùng hỗ trợ quan trọng cho nhịp điều chỉnh này. Ngoài ra, theo mô hình giá, đồ thị giá đang ở giai đoạn sóng điều chỉnh 4 với hai mục tiêu cho nhịp điều chỉnh này là 1.090 – 1.095 điểm và thấp hơn là 1.080 – 1.085 điểm.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục đứng ngoài thị trường và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại, đặc biệt các nhà đầu tư chưa nên mua trở lại khi cần quan sát thêm diễn biến thị trường ở vài phiên tới”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận