Chuẩn bị cho thời hậu dịch Covid-19
Cuộc sống sắp tới dự báo thay đổi nhiều mặt. Bằng không, con người sẽ phải trả giá cực đắt. Covid-19 chưa phải là dịch bệnh cuối cùng và nguy hiểm nhất. Hiểm họa vẫn rình rập và đe dọa con người.
Cả thế giới đang điêu đứng và đau đầu chống trả Covid-19, nói chuyện hậu dịch nghe như lạc quan tếu? Bàn chuyện hậu dịch không để chủ quan mà để chủ động. Chuyện gì cũng phải phòng xa. Lo hậu dịch cũng cần thiết như chống dịch, để chủ động tăng tốc, bù đắp lại những thiệt hại do ngưng trệ mấy tháng qua.
Đại dịch Covid-19 đảo lộn trật tự thế giới, phá vỡ mọi nguyên tắc, làm sụp đổ các thành trì tưởng “bất khả chiến bại”. Dù cực kỳ nguy hiểm và gây tổn thất nặng nề, Covid-19 buộc con người, từ cá nhân đến tập thể, từ mỗi gia đình đến từng công ty và các quốc gia nhìn lại, nhận ra gót chân Achilles của mình. Thảng thốt vì sự vô tâm của con người, vì sự tàn nhẫn của con người với thiên nhiên và môi trường sống.
Nếu giữ vững kết quả bước đầu như hiện nay, giãn cách xã hội ở Việt Nam có thể kết thúc sau ngày 22/4. Trễ nhất là giữa tháng 5 sẽ công bố hết dịch và đầu tháng 6, trường học mở cửa, các hoạt động dần phục hồi và trở lại bình thường. Dĩ nhiên, những cách làm không còn như trước đây. Cũng như con bệnh vừa thoát hiểm nghèo, sẽ biết giữ gìn sức khỏe, tập thể dục, ăn uống điều độ, sống chậm và tốt hơn.
Sau mỗi cơn bão dữ, vẫn còn những cây cối và nhà cửa trụ vững. Không hẳn là cổ thụ hay bê tông cốt thép. Chính là những loại cây và nhà tự phù hợp, chống được bão giông. Ước tính đến hết tháng 4, ít nhất khoảng 1/5 doanh nghiệp ngành du lịch phá sản vì Covid-19. Nếu đại dịch không được dập tắt sớm, số doanh nghiệp phá sản sẽ tăng theo cấp số nhân. Những doanh nghiệp vượt qua được sẽ cứng cáp hơn, có nhiều đổi mới về tinh gọn nhân sự, quản lý mềm và hoạt động sáng tạo. Quảng cáo và bán hàng trực tuyến ngày càng chiếm ưu thế.
Con người khác nhau ở ý chí và nghị lực vượt khó. Doanh nghiệp khác nhau ở tầm nhìn dự báo và sức chịu đựng. Có doanh nghiệp trân mình, xoay sở tìm cách giữ người giỏi, tạo sự đồng cảm và sẻ chia với nhân viên, giữ liên hệ và san sẻ khó khăn với đối tác, cố giữ những văn phòng có mặt bằng tốt. Buông bỏ thì quá dễ và nhẹ nhàng nhưng gầy dựng lại cực khó, có khi không thể.
“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai?” (Phan Bội Châu). Trong lúc khó khăn nhất, có công ty vẫn tiếp tục săn người tài. Nhiều công ty đang cùng nhân viên, bằng đủ cách, dìu nhau vượt sóng thoát lũ.
Từ những bài học đắt giá của Covid-19, các hợp đồng sẽ được điều chỉnh. Từ lao động, thuê nhà đến kinh doanh, liên kết, hợp tác. Mọi thứ phải tính toán tới những khó khăn bất khả kháng. Quản trị rủi ro sẽ trở thành môn học được quan tâm. Việc chọn ngành học, chọn nghề được cân nhắc theo thực tế, chứ không cảm tính theo thời thượng như trước. Từng công ty, từng ngành cho đến mỗi quốc gia sẽ có kế hoạch dự phòng và đối phó khi xảy ra tình trạng khẩn cấp.
Giữa tâm bão, càng hiểu nghĩa đồng bào, tô đẹp nhân cách người Việt với biết bao cách làm hay, vô số việc làm hào hiệp, tương thân, đùm bọc nhau lúc hoạn nạn. Có gian nan mới hiểu tình bạn, có hoạn nạn mới biết tri âm. Nhờ Covid-19 mới biết rõ bụng nhau, mới hay ai tốt xấu.
Covid-19 cũng nâng cao uy tín Việt Nam về năng lực y tế, về những biện pháp phòng chống đại dịch chủ động và hiệu quả, chia sẻ khó khăn với các nước, kể cả Mỹ và Trung Quốc. Đặc biệt là lòng nhân ái và tính cách người người Việt trong lúc hoạn nạn. Nếu người dân Paskistan làm việc thiện vì niềm tin tôn giáo thì người Việt làm việc nghĩa vì đạo lý dân tộc và truyền thống cha ông.
Lâu nay, dư luận rất nhiều lần kêu ca về nạn gian lận thương mại, hàng giả, về các doanh nghiệp ma. Thanh tra trầy trật xử phạt như trêu người và rất khó rút giấy phép mấy doanh nghiệp làm ăn chụp giựt, gian dối. Chỉ vài tháng hoành hoành, Covid-19, không mời mà đến, lạnh lùng sàng lọc, quét sạch hàng loạt doanh nghiệp. Đây là đợt tổng kiểm tra “sức khỏe”, từ các doanh nghiệp cho đến từng quốc gia, không thể vận động, chạy chọt.
Sau đại dịch, con người sẽ tốt với nhau và với thiên nhiên hơn. Mọi người bớt sân si, ít nhất là vài năm tới. Nhu cầu hưởng thụ cũng sẽ cao hơn và có văn hóa hơn để thư giãn, cân bằng cuộc sống giữa làm và chơi. Các sản phẩm bền vững, trách nhiệm với cộng động được ưu tiên chọn lựa. Giá cả sản phẩm sẽ minh bạch hơn. Các chương trình du lịch đang được làm mới với nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá để kích cầu và tri ân khách hàng trở lại.
Ở nhà mãi, cuồng chân lắm rồi! Hết dịch, phải đi chơi bù lại. Với những người thích khám phá, học hỏi thì “Cuộc sống là những chuyến đi. Còn đi là còn sống. Còn sống là còn đi”. Nhiều công ty du lịch đã có kế hoạch hành động, đang nóng lòng chờ nhà nước công bố hết dịch. Hỏi chi tiết cụ thể, họ chỉ cười vì đó là bí mật sống còn của doanh nghiệp.
Các điểm đến, các khu du lịch cũng tự thay đổi, thân thiện với khách và môi trường hơn. Các vấn nạn bê tông hóa, tàn phá thiên nhiên, hủy diệt núi rừng, lùng bắt muông thú có thể sẽ giảm bớt vì sự giác ngộ của con người qua đại dịch Covid-19. Cuộc sống sắp tới dự báo thay đổi nhiều mặt. Bằng không, con người sẽ phải trả giá cực đắt. Khoa học càng tiến bộ thì dịch bệnh mới càng phát triển. Covid-19 chưa phải là dịch bệnh cuối cùng và nguy hiểm nhất. Hiểm họa vẫn rình rập và đe dọa con người.
Tuy nhiên, giữa đêm tối, trời vẫn đầy sao sáng. Sau cơn mưa, trời sẽ quang hơn, nắng đẹp hơn và không khí trong lành hơn. Nhất định vậy. Nhanh hay chậm tùy thuộc vào hành xử của mỗi người.
Trong lúc chờ những ngày mai tươi đẹp, ngay lúc này, càng phải nghiêm chỉnh chấp hành giãn cách xã hội với các biện pháp phòng chống cụ thể, hợp lực với Nhà nước, tập trung chiến đấu để chiến thắng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận