Chưa vội kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất của Fed
Theo chuyên gia, nếu Fed cắt giảm lãi suất trong khi lạm phát vẫn còn cao thì cuối cùng có thể cần phải thắt chặt hơn nữa. Việc nới lỏng chỉ có khả năng xảy ra nếu nền kinh tế chậm lại đáng kể.
Kinh tế Mỹ tăng tốc trở lại
Dữ liệu hàng tháng về hoạt động sản xuất ở Trung Quốc và Hoa Kỳ gần đây đã tạo ra nhiều sự quan tâm hơn bình thường đối với giới đầu tư. Tháng trước, thước đo sản lượng sản xuất của Trung Quốc lần đầu tiên bước vào vùng mở rộng kể từ tháng 9/2023, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ổn định.
Mặc dù sự phục hồi của Trung Quốc là chủ đề quan trọng trên các sàn giao dịch nhưng nó không tác động đến thị trường như cách dữ liệu kinh tế Mỹ diễn ra, đặc biệt là trong một năm mà ngân hàng trung ương có ảnh hưởng nhất thế giới dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Một báo cáo đầu tuần này cho thấy, hoạt động của các nhà máy ở Mỹ bắt đầu mở rộng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022, không chỉ vượt quá mong đợi của các nhà phân tích, mà còn gây thêm nghi ngờ về sự thay đổi chính sách đang được mong đợi nhất trong năm nay, đó là tín hiệu cắt giảm lãi suất 0,75 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chuyên gia kinh tế Nicholas Spiro tại công ty tư vấn Lauressa Advisory phân tích, vào cuối năm 2023, thị trường trái phiếu đã định giá gói nới lỏng tiền tệ trị giá 1,5 điểm phần trăm trong năm 2024, với mức giảm đầu tiên dự kiến vào tháng 3. Tuy nhiên, đến cuối tháng trước, thời điểm cắt giảm đầu tiên đã bị đẩy lùi sang tháng 6. Sau khi công bố dữ liệu tốt hơn mong đợi, khả năng cắt giảm lãi suất trong tháng 6 tiếp tục giảm xuống còn 50%. Dữ liệu từ Bloomberg cũng chỉ ra, các thị trường hiện kỳ vọng việc nới lỏng tiền tệ trong năm nay sẽ ít hơn một chút so với chính Fed.
“Có thể thấy, các nhà đầu tư đã liên tục đánh giá sai thời điểm cắt giảm lãi suất của Mỹ. Trong khi báo cáo của Deutsche Bank vào tháng 11/2023, các thị trường đã định giá chính sách xoay trục ôn hòa của Fed ít nhất 7 lần. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Fed có thực sự giảm lãi suất trong năm nay hay không? Thời điểm Fed phát tín hiệu đã hoàn tất chính sách thắt chặt, nhiều ý kiến cho rằng chi phí đi vay sẽ không thay đổi trong năm nay có vẻ vô lý, nhưng nó đang dần trở thành sự thật”, ông Nicholas Spiro bày tỏ.
Thị trường giảm kỳ vọng
Ba tháng đầu năm đã trôi qua và khả năng cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay đang được xem xét nghiêm túc hơn. Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management có góc nhìn khá bi quan khi đưa ra quan điểm không cắt giảm lãi suất vào năm 2024 của Fed.
Trong một báo cáo vào ngày 1/3, ông Slok nhấn mạnh: “Fed sẽ vẫn dành phần lớn thời gian của năm 2024 để chống lạm phát. Nền kinh tế không hề chậm lại mà đang tăng tốc”.
Các nhà kinh tế khác lưu ý rằng, Fed đã trở nên chia rẽ hơn trong đánh giá về tốc độ nới lỏng. Cụ thể, vào ngày 22/3, công ty đầu tư toàn cầu tại Mỹ - Franklin Templeton nhận định, dưới 50% các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến chi phí đi vay sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm hoặc ít hơn trong năm nay. Fed đang trở nên khó khăn hơn trong việc giải thích cho chính sách nới lỏng.
Thứ nhất, cuộc suy thoái được mong đợi từ lâu vẫn chưa thành hiện thực. Thay vào đó, nền kinh tế đã tăng tốc nhờ thị trường lao động có khả năng phục hồi đáng kể với tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%.
Sự kích thích hào phóng do đại dịch gây ra và thị trường việc làm linh hoạt đã giúp củng cố sự tăng trưởng tương đối nhanh chóng. Khu vực tư nhân đã tạo thêm 184.000 việc làm trong tháng trước - mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 7/2023, trong khi mức tăng lương đối với những người thay đổi công việc tăng với tốc độ hàng năm là 10%.
Thứ hai, lạm phát đang giảm với tốc độ chậm hơn và theo một số thước đo thì đang tăng tốc trở lại. Thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi đã đạt được động lực mới trong những tháng gần đây, đứng ở mức 3,5% trong quý đầu tiên. Điều này củng cố thêm quan điểm rằng, chặng đường cuối cùng trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed là rất khó khăn.
Trước đó, giới phân tích đều chỉ ra rằng, viễn cảnh chi phí đi vay tăng cao trong thời gian dài sẽ khiến thị trường chao đảo. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay. Nếu lãi suất vẫn ở mức cao vì nền kinh tế mạnh thì đó không hẳn là điều xấu.
Tăng trưởng mạnh mẽ là điều tốt cho thu nhập của doanh nghiệp. Ngay cả các thị trường mới nổi, vốn phải hứng chịu gánh nặng từ chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ của Fed do đồng đô la Mỹ tăng vọt cũng có thể được hưởng lợi, đặc biệt là những thị trường phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu của Mỹ.
Mặc dù vậy, cũng có những rủi ro trong việc giữ lãi suất ở mức cao. Bank of America cảnh báo, các điều kiện tài chính có thể thắt chặt mạnh nếu Fed đợi đến năm sau mới nới lỏng chính sách.
“Nếu chi phí đi vay không giảm vào tháng 6 tới, Fed có thể không có lựa chọn nào khác ngoài việc đợi đến năm 2025, do những tác động cơ bản không thuận lợi đối với thước đo lạm phát ưa thích của họ trong nửa cuối năm, điều này được gọi là “rủi ro nhảy vọt”, Bank of America dự báo.
Trên thị trường, dường như các nhà đầu tư chưa sẵn sàng cho kết quả “không cắt giảm” trong năm nay. Các thị trường đã đánh giá một sự hạ cánh nhẹ nhàng đối với nền kinh tế Mỹ, theo đó lạm phát tiếp tục giảm, Fed bắt đầu giảm chi phí đi vay và tăng trưởng được duy trì. Thực tế, Fed cũng muốn có được điều tốt nhất gồm cả ngăn chặn lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Chuyên gia tại Lauressa Advisory khuyến nghị, nhà đầu tư nên cẩn thận với những gì họ mong muốn. Nếu Fed cắt giảm lãi suất trong khi lạm phát vẫn còn khá cao thì cuối cùng có thể cần phải thắt chặt hơn nữa. Việc nới lỏng chính sách chỉ có khả năng xảy ra nếu nền kinh tế chậm lại đáng kể.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận