'Chưa thấy trục lợi trong vụ thu sai bảo hiểm bắt buộc'
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi trong vụ 4.240 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH bắt buộc trái quy định.
Trong hơn 40 câu hỏi chất vấn sáng 6/6, nhiều đại biểu dành thời gian "truy" Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung về trách nhiệm các bên và biện pháp xử lý quyền lợi cho hơn 4.240 chủ hộ kinh doanh bị thu BHXH sai quy định từ năm 2003 đến 2021.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Phó đoàn Tuyên Quang) cho rằng dư luận rất bức xúc trước việc 4.240 chủ hộ bị thu sai BHXH bắt buộc trong thời gian dài. "Quan điểm Bộ trưởng thế nào và sẽ xử lý ra sao?", bà chất vấn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá số lượng người bị thu sai BHXH không nhỏ. Sau khi phát hiện sai phạm, Bộ đã chấn chỉnh Bảo hiểm xã hội Việt Nam. "Cơ quan công quyền làm sai thì phải xin lỗi và xử lý theo quy định, tinh thần là vậy", ông nêu quan điểm.
Theo lãnh đạo ngành lao động, hiện có ba hướng xử lý là xin ý kiến Quốc hội cho phép chuyển toàn bộ chủ hộ sang diện đóng bắt buộc để hưởng quyền lợi; chuyển sang BHXH tự nguyện nếu đồng ý; trường hợp xấu nhất mà không đồng ý thì phải thoái thu.
"Liệu có tiêu cực trong thu BHXH luật hay không và trách nhiệm thuộc cơ quan nào, hướng xử lý sai phạm ra sao?", đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Phó đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề. Bà cho rằng cần nói rõ lộ trình xử lý quyền lợi cho các chủ hộ.
Ông Dung khẳng định việc thu sai BHXH bắt buộc là sai về chủ trương và trách nhiệm thuộc về Bảo hiểm xã hội Việt Nam lẫn cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành. Sau phát hiện sai phạm, các địa phương đã xử lý linh hoạt quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh. Có người đồng ý chuyển sang đóng tự nguyện, người muốn thoái thu; có nơi còn vướng mắc do chưa có cơ chế giải quyết.
8 đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã làm việc với các địa phương. Có nơi báo cáo 62 trường hợp nhưng sau xử lý thực tế còn 8 chủ hộ. "Tôi xin báo cáo rõ là chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi trong vụ việc, nhưng sai thì chắc chắn phải xử lý", ông Dung nhắc lại.
Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội bổ sung vào Nghị quyết kỳ họp cho phép Chính phủ thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho những cá nhân bị thu sai BHXH. Điều này nhằm giải quyết căn cơ vấn đề để không xảy ra khiếu kiện.
Tham gia trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay sau khi phát hiện sai phạm và yêu cầu dừng thu, giai đoạn 2016-2020 vẫn còn 1.322 chủ hộ phải đóng BHXH bắt buộc. Theo ông, chủ hộ vừa là lao động vừa tạo ra thu nhập nên việc tham gia BHXH về bản chất là chấp nhận được, nhưng luật lại không quy định.
"Về bản chất và đạo lý thì không có gì sai, nhưng bị vướng quy định pháp luật ở chỗ không có hợp đồng giao kết", ông Phớc nói, cho rằng để khắc phục vấn đề thì khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội cần đưa nhóm chủ hộ vào diện đóng bắt buộc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận