Chưa “sạch” F0 ngoài cộng đồng, TP.HCM xem xét các biện pháp chống dịch mạnh mẽ hơn
Lãnh đạo TP cho rằng, hiện nay mặc dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát với các ca giảm dần mỗi ngày trong khu cách ly, song thực tế có các ca F0 vẫn còn ngoài cộng đồng
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM diễn ra sáng nay (7/6), lãnh đạo TP cho rằng, hiện nay mặc dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát với các ca giảm dần mỗi ngày trong khu cách ly, song thực tế có các ca F0 vẫn còn ngoài cộng đồng, do đó phải xem xét thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để sớm dập dịch.
TP.HCM chưa đạt đỉnh dịch
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện nay dịch vẫn chưa đạt đỉnh, nếu đạt đỉnh thì sau đó từ 2-3 tuần mới giảm hẳn. Sắp tới, TP có thể phát hiện thêm 40 ca/ngày nhưng chủ yếu trong khu cách ly, phong tỏa sau khi xét nghiệm lần 2, 3. Vì vậy ông Bỉnh cho rằng khả năng sẽ không còn trường hợp tiếp xúc rộng trong cộng đồng. Tuy nhiên, với mật độ lưu thông rất lớn, dịch vẫn đang lây lan tại một số tỉnh, thành. Vì vậy, việc vận động người dân tăng cường khai báo y tế là rất cần thiết. Vừa qua, TP.HCM đã phối hợp với các tỉnh, thành phía Nam để truy vết các F1, từ đó, nhiều ca nhiễm được phát hiện kịp thời, thường chỉ lây ra một chuỗi chu kỳ.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định, TP chủ trương thực hiện việc giãn cách xã hội là kịp thời. Các địa phương cũng đã có giải pháp chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, thường xuyên và kịp thời để hỗ trợ cho người dân trong khi thực hiện giãn cách xã hội.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, số ca nhiễm phát hiện hàng ngày bình quân khoảng 30 ca đang giảm dần cho thấy tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát. Tuy nhiên, số lượng người cách ly hiện nay rất cao, các cơ sở cách ly được chuẩn bị tại các địa phương hiện đã sử dụng 70 -80% số giường. Vì vậy phải có phương án dự phòng với tỷ lệ tăng cường phải cao hơn 30 – 40% để dự kiến những tình huống phát sinh, không rơi vào thế bị động.
Đặc biệt hiện nay một số ca dương tính vẫn chưa tìm được F0, tiềm ẩn ở ngoài cộng đồng. Với chủng biến thể mới, người bệnh không có triệu chứng, nên khi tầm soát gặp rất nhiều khó khăn, sau khi phát hiện bệnh đã lây lan. Điều này buộc thành phố tuyệt đối không lơ là chủ quan, luôn chủ động tính toán phương án phòng ngừa. Đồng thời lưu ý công tác điều tra truy vết, giám sát, sàng lọc, tầm soát với từng người cụ thể phải hết sức chặt chẽ, kỹ lưỡng, chính xác; vận động người dân khai báo trung thực.
Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa sản xuất, sau khi kiểm soát dịch bệnh phải có sự nới rộng, không quá cứng nhắc nhưng cũng không chủ quan. Chống dịch nhưng phải tạo điều kiện để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh: "Doanh nghiệp như là những đơn vị chiến đấu, những người lính xung trận trong thời bình. Nhưng mà chúng ta ra lệnh dừng thì thì lúc này đây cần nhất là sự chia sẻ của lãnh đạo, tính toán bàn các phương án khi bị giãn cách, hạn chế và chuẩn bị sau giãn cách họ làm gì. Rất cần thiết phải triển khai nhanh nhất có thể".
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, hiện thành phố đang chủ động xúc tiến mua vaccine để trong thời gian nhanh nhất có số lượng vaccine để tiêm cho người dân.
Lập chốt kiểm soát y tế ở chợ đầu mối
Còn ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu duy trì các biện pháp tại Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, xử phạt nghiêm trường hợp không khai báo trung thực. Các công sở phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không tiếp khách, chú ý đối tượng tham gia họp. Các quận huyện phải tăng cường kiểm soát, lập chốt giám sát y tế tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu huy động tổng lực ngành y tế tham gia xét nghiệm, không để tồn mẫu xét nghiệm của trường hợp F1 và lấy mẫu xét nghiệm trong 8 giờ kể từ khi phát hiện, phải tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo Sở Y tế TP phối hợp kiểm tra các khu cách ly về việc tuân thủ chấp hành, vì hiện nay có tình trạng lây chéo trong khu cách ly, phải có vách ngăn giữa 2 giường ngay trong phòng cách ly. Đồng thời phải đánh giá những tồn tại hạn chế công tác phòng dịch tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là tại các cơ sở đã từng bị phong tỏa, tạm ngưng hoạt động trước đó, phối hợp quận huyện kiểm tra lại công tác phòng dịch ở các cơ sở công lập lẫn tư nhân; khuyến khích các bệnh viện thực hiện chăm sóc toàn diện cho người dân, hạn chế thăm nuôi bệnh. Thực hiện giám sát các phòng mạch, nhà thuốc tư nhân khi phát hiện các người dân có dấu hiệu sốt, ho khó thở, nhà thuốc phối hợp chặt chẽ trạm y tế để tầm soát dịch bệnh. Nếu vi phạm sẽ có những biện pháp mạnh như rút chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ hoạt động đối với các cơ sở.
Các quận huyện phải đi kiểm tra công tác phối hợp thực hiện bộ tiêu chí an toàn tại doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh giờ làm việc, hạn chế tập trung đông người, khi đưa đón, bố trí ăn trưa cần phải cố định vị trí để sẵn sàng truy vết khi có yêu cầu: "Chúng ta đánh giá hiệu quả của các giải pháp cách ly xã hội đã triển khai, cần thiết có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn nữa để khống chế được dịch bệnh sớm nhất. Đặc biệt là các quận huyện có nhiều trường hợp lây nhiễm lớn, tuần vừa qua áp dụng cách ly xã hội thì mang lại hiệu quả như thế nào".
Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP.HCM giao Sở Công Thương đảm bảo giao thương hàng hóa giữa thành phố và các địa phương, chuẩn bị cung ứng đầy đủ hàng hóa cho nhân dân trong 6 tháng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận