24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Học
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Chưa hết tháng đã cạn tiền, giới trẻ vẫn thờ ơ với kế hoạch hưu trí

Với quan điểm “tiền lương hiện còn không đủ sống chứ nói gì tiết kiệm cho cuộc sống về già”, nhiều người trẻ Việt đang ngó lơ tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch hưu trí.

Đây chính xác là những gì mà Thu Hằng (25 tuổi, Hà Nội) nghĩ đến mỗi khi ai đó nhắc đến việc tiết kiệm cho cuộc sống về già. Ở tuổi 25, Hằng hiện đang là nhân viên marketing của một công ty truyền thông tại Hà Nội. Với mức lương hàng tháng 12 triệu đồng, Hằng thừa nhận số tiền này chỉ vừa đủ cho cô trang trải cuộc sống hàng ngày.

“Hiện mình đang có quá nhiều thứ phải chi trả, từ sinh hoạt phí cho đến nhu cầu giải trí nên chưa từng nghĩ đến việc để ra một khoản dành cho lúc về già. Thậm chí nếu có muốn thì số lương hiện tại cũng không đủ dư dả”, cô nói.

Trên thực tế, đây là suy nghĩ chung của nhiều người trẻ Việt. Phần lớn người trẻ chỉ quan tâm đến những dự định ngắn hạn như sinh hoạt phí hàng tháng hay chi tiêu cho các khoản như du lịch, giải trí, mua sắm hoặc lớn hơn là mua nhà. Việc tiết kiệm tiền để nghỉ hưu là câu chuyện của hàng chục năm nữa.

Theo báo cáo dành cho Việt Nam của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, người Việt thường có thói quen ưu tiên chi tiêu cho quần áo, hoạt động chăm sóc sức khỏe, các thú vui giải trí như du lịch. Trong khi đó, mục tiêu tiết kiệm cho hưu trí bị để lại sau cùng, thậm chí là chưa từng nằm trong suy nghĩ của nhiều người.

Tuy nhiên, việc lập kế hoạch hưu trí đang dần trở nên quan trọng hơn, nhất là khi tình trạng già hóa dân số đang diễn ra.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê (2024), cơ cấu dân số nước ta hiện đang dịch chuyển theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ. Việt Nam hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và cũng đồng thời trong quá trình già hóa dân số.

Tỷ trọng nhóm dân số trẻ từ 0-14 tuổi giảm từ 24,3% năm 2019 xuống khoảng 23,9% năm 2023; trong khi nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng nhanh, từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023. Nhóm dân số trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi chiếm 63,8% năm 2019 giảm xuống còn 62,2% năm 2023.

Già hóa dân số khiến quỹ bảo hiểm xã hội đang ngày một áp lực, đồng thời làm cho gánh nặng duy trì quỹ hưu trí ngày một gia tăng, nhất là đối với các thế hệ sinh sau. Bên cạnh đó, mức lương hưu hiện hành cũng đang không đáp ứng được các điều kiện sống trong bối cảnh hiện nay cũng góp phần làm cho cuộc sống của người về hưu trở nên khó khăn và bí bách hơn.

Chưa hết tháng đã cạn tiền, giới trẻ vẫn thờ ơ với kế hoạch hưu trí
TS. Nguyễn Thị Như Quỳnh

Làm sao để lập kế hoạch hưu trí cho người trẻ?

Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Như Quỳnh, Giảng viên trường ĐH Ngân hàng TP. HCM, đồng thời là chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, nhiều bạn trẻ cho rằng kế hoạch hưu trí là một việc làm xa vời, nhất là đối với những lao động mới ra trường.

Tuy nhiên, việc lập kế hoạch hưu trí giống như trồng cây. “Thời điểm tốt nhất để trồng cây là 20 năm trước, thời điểm tốt thứ hai chính là ngày hôm nay”, bà nói.

Để cây cho trái ngọt và bóng mát, người trồng cần phải có thời gian để chăm sóc, xới tỉa. Giống như vậy, để có được tuổi xế chiều an nhàn, chủ động, người trẻ tuổi nên lên kế hoạch nghỉ hưu càng sớm càng tốt để có nhiều thời gian chuẩn bị, thực hiện mục tiêu tài chính.

“Một nguyên tắc trong tài chính là tiền có giá trị theo thời gian, một đồng ngày hôm nay các bạn mang đi đầu tư sẽ kỳ vọng thu được giá trị lớn hơn trong tương lai”, bà Quỳnh lý giải.

Bên cạnh đó, người trẻ cũng cần xác định dòng tiền khi về hưu để cân đối số tiền cần thiết cho mục đích hưu trí từ bây giờ.

Theo bà Quỳnh, thu nhập ở độ tuổi nghỉ hưu bao gồm lương hưu, các khoản tiền lãi từ hoạt động đầu tư (như cho thuê nhà, tiền lãi tiết kiệm,…) và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác. Chi phí bao gồm các khoản: chi phí sinh hoạt, chi phí y tế - chăm sóc sức khỏe, chi phí phục vụ du lịch và hoạt động giao lưu. Chi phí phục vụ cho người nghỉ hưu trung bình là khoảng từ 70 đến 80% thu nhập của họ trước khi nghỉ hưu.

Nếu thu nhập của người nghỉ hưu thấp hơn so với các khoản chi phí, buộc họ phải có sẵn các khoản tiền tích lũy từ trước. Thế nhưng ngay cả trong trường hợp thu nhập của người nghỉ hưu cao hơn so với tổng chi phí, người nghỉ hưu vẫn nên xem xét có các khoản dự phòng tài chính dành cho các tình huống bất ngờ.

Sau khi đã xác định được số tiền cần duy trì ở tuổi nghỉ hưu, để đạt được mục tiêu an nhàn tuổi già, cần phải tích lũy và đầu tư số tiền cho mục đích nghỉ hưu càng sớm càng tốt thông qua việc trích một phần từ khoản tiền tiết kiệm (thặng dư) hàng tháng. Theo chuyên gia, nên duy trì mức tiết kiệm tối thiểu từ 20 đến 50% thu nhập hằng năm.

Bên cạnh tiết kiệm, người trẻ nên xem xét đầu tư vào các sản phẩm hưu trí phù hợp như chính sách hưu trí của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí, quỹ hưu trí tự nguyện,…

Đồng thời, người trẻ cũng có thể tham gia các sản phẩm đầu tư như tiền gửi tiết kiệm, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, bất động sản,.. để có được mức ngân sách đã đề ra khi đến tuổi nghỉ hưu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả