“Chưa đến 27 tuổi đừng vội chơi vàng” - Vẫn còn hình thức đầu tư sinh lời gấp bội khác dành cho GenZ tham vọng
Có gì đằng sau lựa chọn "đứng im" và không quan tâm khi thị trường vàng biến động của người trẻ?
“Có nên chơi vàng lúc này?” là chủ đề nhận được nhiều quan tâm trong thời điểm giá vàng tăng cao thời gian gần đây. Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những chia sẻ lãi hàng triệu đồng chỉ sau vài ngày chơi vàng khiến chủ đề này càng nhận được nhiều chú ý.
Thế nhưng ở diễn biến ngược lại, cũng có những người trẻ “tâm bất biến" dù giá vàng tăng hay giảm. Sẽ có người than thở không có tiền mua vàng, song cũng có bạn chê vàng sinh lời kém và thích đầu tư vào các kênh có lợi nhuận cao hơn.
“Tiền đâu để chơi vàng?”
Đó là lời nói đùa của Gia Huy (25 tuổi, Bắc Giang) khi được hỏi tại sao không chọn mua vàng - một món đầu tư mà nhiều người nhận định là hình thức sinh lời cao. Gia Huy kể, hiện tại mình chưa có đủ tiền để mua vàng rồi ngồi chờ đợi bao giờ lên giá để bán, đồng thời anh cũng không hứng thú với bộ môn này. Thứ “đầu tư" mà anh thấy xứng đáng nhất với hiện nay chính là bản thân.
Gia Huy chia sẻ: “Mình thấy giá vàng giờ bị đẩy lên cao quá, kiểu cảm giác bị ảo. Tầm cuối năm ngoái, tự dưng xung quanh mình nhiều người bàn về vàng lắm. Nhưng mình không quan tâm lắm, vàng tăng hay giảm cũng mặc kệ.
Nếu để yên tâm nhất bây giờ là đầu tư vào cái ‘đầu’. Dành tiền để thi lấy cái bằng IELTS với kiến thức chuyên ngành, đảm bảo sau này sự nghiệp đi lên. Nên là hiện nay thấy mấy người lãi vàng bằng mình cũng không có ham lắm. Ngoài bản thân, mình nghĩ gửi tiết kiệm online cũng là phương án ổn. Chứ trái phiếu hay chứng khoán cũng dễ mất lắm".
Đồng tình với Gia Huy, Khánh An (24 tuổi, Hà Nội) cảm thấy mua vàng không phải phương án an toàn ở thời điểm hiện tại. Nói về trào lưu mua vàng trong lúc giá vàng tăng cao từ giai đoạn cuối năm ngoái, cô bày tỏ: “Dạo này đi đâu người ta cũng gạ mình mua vàng. Đồng thời các bài đăng chơi vàng lãi nhiều thế nào cũng được phủ sóng nên mọi người dễ hình thành tâm lý FOMO.
Mình nghĩ nếu tham gia đầu tư thì phải có một cái đầu lạnh. Chỗ nào mà thấy lời ngon cũng nhào vào thì sớm muộn bạn cũng dễ toang. Nên thôi muốn đầu tư gì thì trước hết bạn phải tìm hiểu để có kiến thức đã rồi mới ra quyết định”.
Khánh An cho hay, cô chỉ mua vàng vào 2 dịp. Một là trong ngày người thân cưới thì cô mua để tặng họ, hai là vào thời điểm ngày vía Thần tài để lấy may.
“Nhưng mình cũng không biết nhiều về vàng, cũng không quan tâm đến thị trường này lắm. Với tuổi trẻ hiện tại, mình thấy đầu tư vào bản thân bằng cách mua khoá học, đi du lịch trải nghiệm thì sẽ ổn hơn. Với mình, chơi vàng là chuyện của người có tiền, còn mình thì không", Khánh An nói thêm.
Khánh An cũng nói thêm, có một nguyên nhân rất lớn khiến cô ít quan tâm vàng là bởi đi làm xa nhà và đang thuê trọ. Do đó, nếu có mua vàng thì Khánh An cũng không biết nên để số vàng đó ở đâu và bảo quản như thế nào. “Bạn mình từng bị trộm đột nhập vào nhà lấy mất 1 cái macbook nên mình nghĩ cần cẩn thận hơn. Không dám để đồ quá giá trị khi đi thuê nhà và đi đâu cũng nhớ khoá cửa lại", Khánh An kể lại.
27-28 tuổi mới mua vàng vì biết hình thức đầu tư sinh lời hơn
Khác với thế hệ trước, người trẻ ngày nay biết đến nhiều hình thức kiếm tiền và đầu tư mới mẻ. Do đó, họ coi mua vàng là chuyện của thời ông bà cha mẹ. Nếu có tiền nhàn rỗi, họ thích đầu tư vào những “bộ môn” khác mang lại lợi nhuận cao hơn.
Q.T (24 tuổi, TP.HCM) là một trong số đó. Cô quan điểm vàng sinh lời không cao, chỉ là thứ bảo toàn giá trị của tiền theo thời gian. Do đó chỉ đến khi bước qua tuổi 27, 28, cô mới tính chuyện tích luỹ vàng để phòng thân và dự trù trường hợp bất trắc.
“Còn giờ là thời điểm mình phải kiếm tiền. Quan điểm của mình hiện tại là chỉ dành 1 ít phòng thân trong tài khoản ngân hàng thôi. Đây là số tiền mình có thể sống ổn nếu thất nghiệp trong 1-2 tháng, nhưng sang đến tháng thứ 3 là phải đi kiếm việc. Nhìn chung, nếu có tiền nhàn rỗi thì mình cũng gần như không đem đi mua vàng”, Q.T nói.
Hiện, cô đang có 2 khoản đầu tư. Thứ nhất, Q.T góp vốn vào các dự án startup kinh doanh, gồm 2 quán cafe và 1 homestay. Thứ hai, cô đưa tiền cho bạn đầu cơ vào mã cổ phiếu. Bạn cô thường chọn công ty mới lên sàn, không phải loại hình lâu năm vì có mức giá rẻ. Do mua cổ phiếu cùng bạn nên Q.T chưa bao giờ lỗ khi theo đuổi “bộ môn” này, thậm chí có tháng lời cao nhất là 30% số tiền bỏ ra.
Bên cạnh đầu tư, Q.T còn đang làm một công việc văn phòng và kinh doanh online. Cô quan điểm, thời điểm còn trẻ này, cô muốn thử sức trong càng nhiều lĩnh vực kiếm ra tiền và đầu tư càng tốt, tất nhiên là ở mức chấp nhận được số lỗ có thể mất. Đơn cử như cách đây 1 năm, Q.T từng bay mất 30 triệu đồng khi cùng bạn mở 1 tiệm bán bánh mì, nhưng sau đó lỗ “sấp mặt". Làm ăn đầu đời thất bại cũng không cản trở cô tiếp tục thử sức với mô hình kinh doanh mới.
“Vàng vừa đắt, lại là hình thức đầu tư ‘an toàn’ quá, như thế lợi nhuận kém nên mình không chơi luôn. Còn bây giờ, mình muốn tham gia các hình thức đầu tư có lời và ‘hợp gu' hơn. Nếu lãi thì coi như chuyện tốt, còn nếu lỗ thì coi như bài học vậy", Q.T bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận