Chưa có dấu hiệu Tổng thống Mỹ Biden sẽ mặn nồng với Trung Quốc
Tân chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Biden đã sớm gửi đi các tín hiệu cứng rắn trong vấn đề Đài Loan, Duy Ngô Nhĩ, và trước lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các quan chức Mỹ thời Tổng thống Trump.
Chính quyền Trung Quốc hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở lại “đúng hướng” sau khi chính quyền Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị ở Hong Kong và Đài Loan đều hoài nghi về khả năng Mỹ sẽ thay đổi đột ngột chính sách đối với Trung Quốc.
Trung Quốc nắn gân chính quyền Biden ngay từ đầu nhưng...
Hoa Xuân Oánh - nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm 20/1 nói rằng chính quyền Trump đã mắc sai lầm trong chính sách đối với Trung Quốc, đối xử sai trái với Trung Quốc như là đối thủ lớn nhất của Mỹ, và can thiệp một cách sai lầm vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Bà Hoa cho rằng điều này đã phá hoại nghiêm trọng quan hệ Trung-Mỹ và không có lợi cho cả người Mỹ lẫn người Trung Quốc. Bà hối thúc chính quyền Biden đối xử với Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới) một cách hợp lý và hợp tác với họ để đưa quan hệ trở lại “đúng hướng” như cách đây 4 năm.
Nhưng dấu hiệu ban đầu cho thấy chặng đường phía trước sẽ chông gai. Antony Blinken - người được ông Biden đề cử làm tân Ngoại trưởng Mỹ, vào hôm 19/1 phát biểu rằng ông bất đồng với cách ông Trump xử lý vấn đề Trung Quốc trong vài lĩnh vực nhưng tin rằng ông Trump đã đúng khi áp dụng cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh.
Ông Blinken cũng nói rằng ông ủng hộ người tiền nhiệm Mike Pompeo khi công bố phán xét của chính quyền Trump cho rằng Trung Quốc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng dân tộc thiểu số có số đông là người Hồi giáo ở vùng Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc.
Trong một đòn công kích Bắc Kinh mới đây, ông Pompeo coi cách đối xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ là ở mức “diệt chủng”.
Trong khi đó, Tổng thống Biden cũng đã gửi đi một tín hiệu cứng rắn đối với Bắc Kinh. Theo một thông cáo báo chí của Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Loan (TECRO) ở Mỹ thì Hsiao Bi-khim – Đại diện Đài Loan tại Mỹ, đã được mời tới dự lễ nhậm chức của ông Biden vào hôm 20/1 vừa qua.
Ngay sau khi chính quyền Biden nhậm chức vào sáng 21/1 (theo giờ Bắc Kinh) thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố họ đang áp lệnh trừng phạt lên 28 cựu quan chức Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Pompeo, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien.
“Hoài nghi, thiếu tính xây dựng”
Trung Quốc tuyên bố 28 quan chức trên không được phép nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, Hong Kong, và Macao, cũng như không được làm ăn với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia của ông Biden cho biết động thái trên của Trung Quốc (trừng phạt các cựu quan chức thời Trump) là “yếm thế, thiếu tính xây dựng” và sẽ bị những người Mỹ thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trừng phạt.
Lau Siu-kai - một học giả thân Bắc Kinh - phó chủ tịch Hội Nghiên cứu Hong Kong và Macao của Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh đã hoàn thành danh sách trừng phạt cách đây ít lâu nhưng cố tình công bố danh sách này ngay sau khi các quan chức Trump kết thúc nhiệm kỳ, để các lệnh trừng phạt đó không phản tác dụng.
Lau nhận định: “Các lệnh trừng phạt đó là lời cảnh báo từ chính quyền Trung Quốc đối với chính quyền Biden, rằng nếu Mỹ áp lệnh trừng phạt để gây phiền nhiễu cho các hoạt động của chính quyền Bắc Kinh và Hong Kong một lần nữa thì Trung Quốc sẽ trả đũa với sức mạnh tương tự”. Học giả này bổ sung thêm rằng Biden không nên theo chân ông Trump.
Lau cho rằng có vẻ như ông Biden sẽ tạm thời ngừng trừng phạt các quan chức Hong Kong và Trung Quốc, thay vào đó sẽ xử lý vấn đề Trung Quốc thông qua ngoại giao truyền thống.
Li Haidong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại hội Ngoại giao Trung Quốc, được tờ Thời báo Hoàn cầu trích dẫn nói rằng các quan chức Mỹ bị trừng phạt sau khi họ rời bỏ chức vụ do Bắc Kinh muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới Mỹ, đó là bất cứ ai đè nén và nhục mạ Trung Quốc đều sẽ lãnh hậu quả.
Li cho biết Mỹ có thể ngạc nhiên về các lệnh trừng phạt của Trung Quốc vì nước này vốn quen trừng phạt nước khác chứ hiếm khi bị nước khác trừng phạt lại. Ông cho rằng các lệnh trừng phạt này cho thấy Trung Quốc và Mỹ là ngang hàng nhau trong quan hệ.
Raymond Young Lap-moon - người đứng đầu Hiệp hội các nhà sản xuất Hong Kong Trung Quốc nhận xét: “So với Trump, Biden sẽ tôn trọng trật tự và các tổ chức quốc tế hơn. Nhưng điều này có thể vẫn không phải là điều tốt đẹp với Trung Quốc... Nếu Mỹ hòa giải thành công với các nước khác, thế giới phương Tây sẽ hình thành một mối quan hệ mạnh mẽ hơn và tạo thêm áp lực lên Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại”.
Chính sách Đài Loan
Vào ngày 9/1, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tuyên bố rằng tất cả các giới hạn đối với các liên lạc chính thức với Đài Loan là “không còn hiệu lực”. Ông này nói rằng trong vài thập kỷ qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tạo ra những hạn chế nội bộ phức tạp để điều chỉnh các nhà ngoại giao, nhân viên ngoại giao, và các tương tác của các quan chức khác với các đối tác bên Đài Loan. Tuy nhiên, ông nói, Mỹ sẽ không còn đơn phương áp dụng các biện pháp này để lấy lòng chế độ Bắc Kinh nữa.
Chang Wu-ueh – một phó giáo sư tại Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Tamkang (Đài Loan) nói với Hãng thông tấn Trung ương (thuộc Đài Loan) rằng Bắc Kinh có thể sẽ chủ động thảo luận vấn đề eo biển Đài Loan với chính quyền Biden và hy vọng Mỹ sẽ kiên định với chính sách “Một Trung Quốc”.
Tuy vậy, ông này cho rằng ít khả năng ông Biden sẽ thay đổi quan điểm cứng rắn của Mỹ đối với Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan. Đồng thời, Chang bổ sung, quan hệ Mỹ-Đài Loan sẽ không có nhiều bứt phá trong ngắn hạn do ông Biden sẽ tập trung trước tiên vào các vấn đề đối nội.
Graham Allison - một chuyên gia quan hệ quốc tế và là cố vấn cho ông Biden, nói với đài TVBS (thuộc Đài Loan) như sau trong một cuộc phỏng vấn hôm 18/1: “Tổng thống Biden hiểu rằng chỉ có một nước Trung Hoa. Không mập mờ về vấn đề một Trung Quốc. Thủ đô của một Trung Quốc là Bắc Kinh. Không có một nước độc lập mang tên Đài Loan”.
Biden đã đưa ra một chính sách Đài Loan mới cho Trung Quốc và Mỹ thay vì dựa vào mô hình “một đất nước hai chế độ” do cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình xây dựng vào thập niên 1980 nhằm bảo đảm chuyển giao êm thấm Hong Kong từ tay Anh sang chính quyền Trung Quốc. Trung Quốc đại lục muốn dụ Đài Loan thống nhất với họ theo mô hình quản trị này.
Hồi tháng 5/2020, Tổng thống Trump đã tước bỏ đặc quyền của Hong Kong trước Mỹ do theo cách nhìn nhận của Mỹ thì mô hình “một nước hai chế độ” đã trở thành “một nước một chế độ” sau khi Trung Quốc áp dụng một bộ luật an ninh quốc gia mới./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận